| Hotline: 0983.970.780

Cần hoàn thiện sớm các công trình trữ nước ngọt ở ĐBSCL

Thứ Năm 30/05/2024 , 19:24 (GMT+7)

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt cho ĐBSCL.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn từng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân ĐBSCL năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn từng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân ĐBSCL năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra rất khắc nghiệt ở vùng ĐBSCL.

Nhằm hạn chế và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cấp bách và lâu dài, trong đó khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt cho ĐBSCL.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri của vùng ĐBSCL cũng như các tỉnh, đặc biệt là Bến Tre, Chính phủ đã có giải pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng đã nhấn mạnh, việc cấp nước sạch, nước ngọt cho người dân là một trong những vấn đề quan trọng, và nước là một mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu trong sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, tình trạng hạn mặn đã xảy ra nhiều năm, liên tục và ngày càng khắc nghiệt ở vùng ĐBSCL.

Nhận thấy, các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ đã có những giải pháp và dành vốn đầu tư rất lớn cho vùng ĐBSCL, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, đây là một tín hiệu rất vui cho vùng ĐBSCL, và vấn đề thiếu nước hiện nay không chỉ của ĐBSCL mà còn của cả nước.

Do đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn kiến nghị cần thực hiện quyết liệt các chương trình đang có để vấn đề hạn mặn không còn lặp lại với vùng ĐBSCL cũng như cả nước, cùng với đó là thực hiện Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 108/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho biết, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế, những yếu tố bất lợi đến nền kinh tế. Trong đó có nêu thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

“Đối chiếu 6 yếu tố này dường như có mặt đầy đủ ở ĐBSCL, bà con ĐBSCL từng lo lắng sống chung với lũ, giờ lại sống chung với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở luôn rình rập, bủa vây, cũng không thể tưởng tượng hết vùng đồng bằng sông nước mà bà con phải thức đêm đi nhiều cây số để xin từng xô nước cứu trợ. Năm 2024, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khốc liệt hơn và dường như không có điểm dừng, hiện 11/13 tỉnh ĐBSCL phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn”, đại biểu nêu rõ.

Mặc dù nhiều giải pháp cấp bách đã được triển khai như trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh tác..., tuy nhiên đại biểu Trần Văn Sáu nhận thấy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhằm hạn chế và ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu và có chính sách thực hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo. Cần tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn.

“Chúng ta đào thêm nhiều kênh rạch để tháo chua, rửa phèn, đưa phù sa vào đồng ruộng, biến những cánh đồng chết thành những vựa lúa. Giờ đây cũng những con kênh này lại dẫn nước biển vào đồng ruộng, hệ thống sông ngòi chằng chịt, xâm nhập mặn ở diện rộng nên rất cần phải dự báo và dự báo thường xuyên, chính xác để kịp thời ứng phó. Khuyến cáo bà con thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Trần Văn Sáu đề xuất là ưu tiên các nguồn vốn. Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các hệ thống công trình giữ nước ngọt cho ĐBSCL, nhất là hai vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười. Đây được xem là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải cơn khát nước ngọt cho vùng, đồng thời sớm triển khai quy hoạch cấp nước cho vùng, đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Còn đại biểu Đào Chí Nghĩa (TP.Cần Thơ) cho rằng, thời gian qua ĐBSCL xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu nước ngọt ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân ở nhiều vùng, đặc biệt là vùng ven biển, hoạt động sản xuất, nhất là nông nghiệp, thủy, hải sản bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Vì vậy, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Chính phủ quan tâm và có kế hoạch triển khai kịp thời trong việc xây dựng các công trình tích trữ nước và điều tiết nước cho các địa phương vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT xem xét các giải pháp mang tính chất lâu dài về tái cấu trúc và nghiên cứu hướng dẫn các phương án sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản của vùng ĐBSCL phù hợp với bối cảnh tài nguyên nước hiện nay đang hạn chế.

Xem thêm
Sắp xếp đơn vị hành chính ở Yên Bái: [Bài 1] Lắng nghe ý kiến người dân để đặt tên xã mới

Nhân dân các xã băn khoăn, tiếc nuối khi sáp nhập xã mà không còn giữ được tên xã cũ, nơi gia đình mình đã sinh sống qua nhiều thế hệ...

Công trình thủy lợi giúp giảm chiều sâu xâm nhập mặn

ĐBSCL Nhờ vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi đã làm giảm chiều sâu xâm nhập mặn, giữ ổn định ranh mặn, bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ

Quảng Bình Với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều nhà văn hóa cộng đồng tránh lũ đã được xây dựng và phát huy hiệu quả lớn.