| Hotline: 0983.970.780

Lấy nước mưa bổ cập nước ngầm, hướng tốt cần nghiên cứu

Thứ Hai 27/05/2024 , 06:30 (GMT+7)

ĐBSCL Bảo vệ ĐBSCL trước tác động hạn mặn, giải pháp dùng nước mưa bổ cập nước ngầm được chuyên gia đánh giá hiệu quả, những thử nghiệm bước đầu đã được triển khai.

Vừa bảo vệ, vừa thích ứng bền vững

Thống kê sơ bộ của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn hecta rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm hecta rừng bị cháy rụi…

Một trong những cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Văn Vũ.

Một trong những cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn kéo dài nhiều ngày. Ảnh: Văn Vũ.

Những con số “biết nói” này cho thấy, ĐBSCL đang cần các giải pháp cấp thiết bảo vệ, thích ứng, thay đổi cùng với sự phát triển một cách bền vững.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) phân tích, trong năm 2024, khô hạn, nắng nóng đạt kỷ lục và đang gia tăng ở toàn khu vực Đông Nam Á. Các số liệu thống kê đến ngày 30/4 cho thấy, nhiệt độ trong những tháng đầu năm tăng rất cao, hệ quả làm xâm nhập mặn sâu hơn.

Trong khi đó, lượng nước sông Cửu Long đổ về khu vực ĐBSCL lại có xu thế giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2011, thống kê toàn vùng có khoảng 4 đợt lũ lớn, 6 đợt lũ trung bình và 2 đợt lũ nhỏ. Thế nhưng từ năm 2012 đến nay, ĐBSCL không còn lũ lớn, lũ trung bình giảm còn 2 đợt và số lượng lũ nhỏ gia tăng. Điều này gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa mưa, lũ và khả năng dự trữ nước chuẩn bị cho mùa khô kế tiếp trở nên khó khăn hơn.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu phân tích về tác động của hạn mặn và chỉ ra những giải pháp thích ứng cấp thiết cho vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu phân tích về tác động của hạn mặn và chỉ ra những giải pháp thích ứng cấp thiết cho vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia Lê Anh Tuấn cho rằng, cần có sự phân biệt rõ mức độ hạn hán để có những giải pháp phù hợp. Hiện nay, có 4 hình thái hạn hán cơ bản, gồm hạn khí tượng (khi nhiệt độ, lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm); hạn nông nghiệp (khi không đủ nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp); gay gắt hơn là hạn thủy văn (khi nguồn nước xuống thấp, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực) và lớn nhất là hạn xã hội (ở mức báo động, người dân phải di cư hoặc gây ra tình trạng thiếu nước). Trong đó, hạn xã hội và thủy văn là xu hướng hạn hán cơ bản hiện nay ở vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, tại hội thảo về giải pháp cấp thiết bảo vệ ĐBSCL tổ chức vừa qua ở TP Cần Thơ, PGS. TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng đưa ra kết quả nghiên cứu, hiện nay, ĐBSCL đang lún từ 1 – 3cm/năm, lớn gấp 3 – 6 lần mức độ nước biển dâng.

Bên cạnh đó, khoảng 30 năm qua, việc hạ thấp lòng dẫn trên sông Cửu Long trung bình từ 8 – 15cm/năm, gây ảnh hưởng đến việc lấy nước vào các hệ thống, công trình thủy lợi.

Cơ quan nghiên cứu này thống kê, từ sau năm 1975, vùng ĐBSCL đã hình thành 14 hệ thống thủy lợi, đáp ứng cơ bản việc sản xuất. Tuy nhiên nguồn lực này lại chưa đủ điều kiện giúp ĐBSCL chống chọi với biến đổi khí hậu.

Ông Hoằng khẳng định, ĐBSCL hiện không thiếu nước, ngay trong mùa khô, lượng nước về ĐBSCL khoảng 60 – 70 tỷ m3. Trong khi nhu cầu sử dụng của toàn vùng chỉ khoảng 14 – 15 tỷ khối. Tuy nhiên nước lại chảy ra biển, do vùng chưa có giải pháp giữ nước hiệu quả.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, khả năng trữ nước của hệ thống kênh rạch toàn vùng khoảng 2,5 – 3 tỷ m3 nước. Bên cạnh đó, người dân đồng bằng đã biết cách trữ nước trong ao, mương; theo dõi dự báo thời tiết hoặc khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học để chuyển dịch canh tác.

Hồ Ba Lai (tỉnh Bến Tre) có thể trữ được 80 triệu m3 nước ngọt để sử dụng vào mùa hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Hồ Ba Lai (tỉnh Bến Tre) có thể trữ được 80 triệu m3 nước ngọt để sử dụng vào mùa hạn mặn. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, các biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt, sản xuất được áp dụng khá rộng rãi. Ở vùng ven biển, diện tích nuôi tôm lúa ngày càng được mở rộng. Tổng thể, đã tạo thành những giải pháp thích ứng với hạn mặn hiệu quả.

Về lâu dài đến năm 2050 và xa hơn, vùng ĐBSCL cần có những công trình kiểm soát nguồn nước, phục vụ theo nhu cầu sản xuất. Trong điều kiện các nước thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng diện tích sản xuất, lượng nước về ĐBSCL sẽ thiếu hụt, do đó vùng cần nghiên cứu những định hướng lớn để chủ động thích ứng.

Bổ cập nước ngầm cho ĐBSCL

Không chỉ xâm nhập mặn trên bề mặt, từ đầu mùa khô đến nay, nhiều nhà máy cấp nước vùng ven biển ĐBSCL, chủ lực khai thác nước ngầm như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của tỉnh Kiên Giang bộc lộ khuyết điểm khi bị nhiễm mặn. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ cập nước ngầm.

Để ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn, việc bổ cập nước ngầm là giải pháp được nhiều chuyên gia, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước quan tâm. Ảnh: Văn Vũ.

Để ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn, việc bổ cập nước ngầm là giải pháp được nhiều chuyên gia, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước quan tâm. Ảnh: Văn Vũ.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, hiện 90% nguồn nước khai thác từ nước ngầm. Tuy nhiên, khảo sát thực địa 3 tầng (nông, trung, sâu) đều bị nước mặn xâm nhập.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, khai thác tầng sâu của doanh nghiệp này ở mức 500m nhưng vẫn bị mặn.

“Trước đây chất lượng nước ngầm rất ổn định nhưng nay lại biến động, nhiều tạp chất phức tạp, khó xử lý, cạn kiệt dần. Trước đây, công ty bơm xuống khoảng 20m, sẽ lấy được 50m3/giờ, nhưng hiện nay bơm 30m chỉ lấy được 30 – 35m3/giờ”, ông Ngọ lo ngại.

Để hiện thực hóa giải pháp này, tại tỉnh Hậu Giang đang triển khai thử nghiệm giếng khoan bổ cập nước ngầm ở TP Vị Thanh và TP Ngã Bảy, do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang (HAWASUCO) làm chủ dự án.

Trong đó, dự án tại TP Ngã Bảy, dự kiến, HAWASUCO sẽ bổ cập nước ngầm với lưu lượng khoảng 2.000m3/ngày. Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc HAWASUCO cho biết, vào mùa mưa, nguồn nước dồi dào, chất lượng nước tốt, đơn vị sẽ lấy nước sau lắng, đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế để bổ cập xuống giếng nước ngầm, tạo thành túi nước dự trữ.

Hiện nay, hầu hết hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều khai thác nước mặt để cung cấp cho người dân, nước ngầm chỉ chiếm 3 – 4%. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, hầu hết hệ thống cấp nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều khai thác nước mặt để cung cấp cho người dân, nước ngầm chỉ chiếm 3 – 4%. Ảnh: Kim Anh.

Đến mùa khô, sẽ khai thác nước từ giếng, để đánh giá lại hiệu quả cũng như khả năng dự trữ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, nhằm giúp dự án bổ cập nước ngầm phát huy hiệu quả tốt nhất, làm cơ sở nhân rộng các mô hình thí điểm. Hướng tới, ông Lực sẽ đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể đối với những đơn vị có điều kiện tham gia.

“Đặc thù, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cả hai hướng Đông và Tây. Nhờ hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, vùng sản xuất hướng Tây của tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, xâm nhập mặn dự báo còn diễn biến phức tạp, hệ thống mạng lưới đường ống dẫn nước được đấu nối, liên kết với nhau còn khó khăn. Do đó, về lâu dài để ứng phó, việc bổ cập nguồn nước ngầm là giải pháp cần nghiên cứu và tính toán”, ông Lực cho hay.

Từ năm 2010, tỉnh Hậu Giang đã chấp thuận chủ trương cho các công ty cấp nước trên địa bàn xây dựng 15 giếng ngầm để dự trù đưa vào khai thác khi nguồn nước mặt bị mặn tấn công. Các giếng ngầm này chỉ được khai thác khi nước mặn xâm nhập sâu, ảnh hưởng đến nguồn nước mặt hoặc khi xảy ra sự cố về môi trường.

Các công trình hồ chứa nước ngọt ngoài mục tiêu trữ nước cũng tạo ra không gian phát triển du lịch cho vùng ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Các công trình hồ chứa nước ngọt ngoài mục tiêu trữ nước cũng tạo ra không gian phát triển du lịch cho vùng ĐBSCL. Ảnh: Văn Vũ.

Vừa qua, tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị các công ty cấp nước trên địa bàn có kế hoạch đấu nối, liên kết tất cả các hệ thống cấp nước lại với nhau để tính toán dài hạn. Khi diễn biến xâm nhập mặn ảnh hưởng, hệ thống này sẽ điều tiết áp lực, đảm bảo việc cung cấp nước cho người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đang đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt quy 100ha, trên địa bàn huyện Vị Thủy, phục vụ cung cấp nước đa mục tiêu. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, với dung tích tối đa có thể khai thác gần 1 triệu m3.

Ngoài mục tiêu trữ nước, công trình cũng tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, góp phần cải thiện cảnh quan và môi trường thiên nhiên trong khu vực.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.