| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân gần như không thiệt hại dù hạn, mặn gay gắt

Chủ Nhật 26/05/2024 , 11:41 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long vừa hoàn thành vụ đông xuân 2024-2025 với thiệt hại không đáng kể dù hạn hạn mặn ở mức độ cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm.

Thu hoạch lúa đông xuân ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Thu hoạch lúa đông xuân ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Long An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất về xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024. Xâm nhập mặn trên địa bàn nghiêm trọng tới mức vào ngày 17/4/2024, UBND tỉnh Long An đã phải công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Theo công bố này, đến ngày 8/4/2024, ranh giới mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt qua lần lượt là 88 km và 72 km; ranh giới mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua lần lượt là 110 km và 86 km. Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn, đến đầu tháng 4, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và thành phố Tân An của tỉnh Long An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.

Trong bối cảnh xâm nhập mặn như vậy, Long An vẫn có một vụ lúa đông xuân 2023-2024 thành công. Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, diện tích lúa vụ đông xuân 2023-2024 trên toàn tỉnh ước đạt 235.718 ha, tăng 10.548 ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt trên 1,56 triệu tấn, tăng hơn 38.800 tấn so cùng kỳ.

Để có vụ đông xuân thành công, trước những cảnh báo về hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp Long An đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền vận động nông dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ, khuyến cáo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lũ gây ra và né tránh hạn mặn. Các huyện, thành phố, thị xã cũng sâu sát, theo dõi chặt chẽ địa bàn, chỉ đạo kịp thời về sản xuất lúa. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện đa dạng, người dân tin tưởng mạnh dạn áp dụng vào sản xuất đã giúp cho sản xuất đạt thắng lợi.

Sản xuất theo lịch thời vụ để tránh hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành một trong những bí quyết thành công của nhiều nông dân Long An khi sản xuất vụ đông xuân. Ông Lê Văn Lừng, nông dân xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An, chia sẻ: “Khi nghe thông tin dự báo độ mặn trong mùa khô 2023-2024 sẽ lên cao, tôi cũng thấy lo. Vì vậy, khi địa phương đưa ra lịch gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn 15 ngày để tránh hạn, mặn, tôi chấp hành ngay”.

Ngoài việc gieo sạ theo lịch thời vụ mà địa phương khuyến cáo, ông Lừng và các hộ trồng lúa trong ấp, trong xã còn chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt, cập nhật hàng ngày và thông tin cho nhau về độ mặn ở các kênh rạch trên địa bàn xã. Khi thủy triều lên cao, họ không lấy nước vào ruộng vì đó là lúc độ mặn đang cao, mà đợi khi triều hạ xuống, độ mặn cũng giảm thì mới lấy nước… Bên cạnh đó, những nhà nông này còn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ. Nhờ vậy, toàn bộ gần 1.200 ha lúa đông xuân của xã Mỹ Lạc không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, lúa đạt năng suất cao, lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha.

Một cánh đồng lúa đông xuân ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Một cánh đồng lúa đông xuân ở Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, cũng vừa trải qua vụ đông xuân thành công nhờ chủ động phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn bằng cách cắt nhiều diện tích vụ thu đông 2023.

Cụ thể, tháng 11/2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Phương án số 447/PA-UBND về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024. Trong Phương án này, với vùng dự án ngọt hóa Gò Công, UBND tỉnh Tiền Giang yêu thực hiện “Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến 2025” đối với diện tích bị trễ vụ thu đông. Nếu những diện tích này vẫn xuống giống vụ thu đông thì không thể đảm bảo lịch thời vụ theo khuyến cáo nhằm đảm bảo vụ đông xuân cắt nước trước ngày 15/2/2024.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố phía Đông tỉnh Tiền Giang đã cắt hơn 8.800 ha vụ thu đông 2023 để bố trí sản xuất lúa đông xuân 2023-2024 sớm (chủ yếu là tại huyện Gò Công Đông). Giải pháp này đã giúp tiết kiệm nước, góp phần đảm bảo nguồn nước ngọt cho diện tích lúa 3 vụ tại các huyện đầu nguồn. Đồng thời, nguồn nước phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân 2023-2024 được đảm bảo, không xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất. Kết quả, trong vụ đông xuân, toàn khu vực phía Đông tỉnh Tiền Giang đã xuống giống 20.836 ha, sản lượng 140.000 tấn lúa, đều vượt kế hoạch đề ra.

Đến đầu tháng 5, toàn ĐBSCL đã thu hoạch dứt điểm vụ đông xuân 2023-224 trên tổng diện tích xuống giống là 1,488 triệu ha. Tổng sản lượng lúa ước đạt 10,65 triệu tấn.

Điều đáng chú ý là diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở mức rất thấp, chỉ có 1.232 ha, tập trung chủ yếu ở những nơi nằm ngoài vùng khuyến cáo sản xuất. Diện tích thiệt hại như trên có thể nói là không đáng kể so với tổng diện tích gieo sạ và đã giảm rất mạnh so với những lần hạn, mặn nghiêm trọng trước đây. Trong mùa khô 2016, đã có tới 405.000 ha lúa đông xuân bị thiệt hại, còn trong mùa khô 2020, con số này là 58.400 ha.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, đánh giá, thành công của vụ đông xuân vừa qua nhờ vào 3 yếu tố chính. Trước hết là công tác dự báo, cảnh báo về hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024 đã được làm rất tốt. Các công trình thủy lợi lớn được đầu tư trong thời gian qua như Cái Lớn – Cái Bé, Nam Mang Thít… đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành phố ĐBSCL trong việc tổ chức sản xuất vụ đông xuân phù hợp với tình hình nguồn nước, đẩy sớm thời vụ để né hạn mặn.

Không chỉ lúa, diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn năm 2024 ở ĐBSCL cũng rất thấp, chỉ có 955 ha, thấp hơn rất nhiều so với 17.680 ha năm 2020 và 28.500 ha năm 2016.

Xem thêm
Việt Nam - Chile thúc đẩy hợp tác trong kiểm dịch động, thực vật

Chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung tiếp và làm việc với bà Claudia Sanhueza, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chile. 

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tiêu thụ trên 75 tấn trái cây tại các dịch vụ vườn sinh thái

Đồng Nai Lễ hội Trái cây Long Khánh 2024 đã bế mạc sau 5 ngày diễn ra từ 12 đến 16/6, thu hút hơn 70 ngàn lượt du khách đến tham quan trải nghiệm.

Để làng O2 không còn cách biệt với miền xuôi

BÌNH ĐỊNH Để ngôi làng trên đỉnh Konhlon không còn xa vời vợi, không gì khác hơn là phải làm con đường nối làng O2 với miền xuôi Vĩnh Kim. Bình Định đang tính toán chuyện ấy!

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm