Công ty thủy lợi hết cách
Để bảo vệ nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ) đã có nhiều biện pháp và thực hiện quyết liệt, nhưng chất lượng nguồn nước vẫn ngày càng kém do kinh phí hạn chế, tình trạng xả thải, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Theo Công ty Đa Độ, thời gian qua, đơn vị tăng cường điều tiết vận hành, thau đảo nguồn nước giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc xây dựng bản đồ số, lắp đặt thiết bị tự động được Công ty áp dụng, đảm bảo cập nhật thường xuyên liên tục các diễn biến mực nước, khí tượng thủy văn phục vụ điều hành hệ thống.
Nghiên cứu và lắp đặt thí điểm thành công “Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để quản lý, vận hành từ xa hệ thống cống thủy lợi” tại cống Bãi Vẹt và cống Đống Cung trên bờ Đa Độ nhằm tăng cường ngăn chặn xả thải vào hệ thống thủy lợi, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong sông.
Công ty Đa Độ cũng đã vận động nhân dân chung tay giải tỏa được 105ha diện tích ao đầm, trang trại trong lòng sông, 2.000m2 nhà cửa, vật kiến trúc, trên 300.000 cây cối trong phạm vi công trình. Đồng thời đắp 60/90km hai bên bờ Đa Độ, cải tạo, nâng cấp được 40/140 cống trên bờ và cải tạo, nạo vét được gần 100km kênh cấp 1, nâng cấp trên 50 công trình trên kênh. Mặt khác, đã thực hiện cắm 1.538 mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước trên sông Đa Độ.
Theo ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ, trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện, những tồn tại do lịch sử để lại và các vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Đơn cử như việc xử lý đối với các vụ việc lấn chiếm vi phạm, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước phụ thuộc vào sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Việc quy hoạch đất ở và quy hoạch giao thông tại một số khu vực chưa đồng bộ, người dân được cấp đất ở sát kênh thuỷ lợi không có đường đi dẫn tới tự phát xây dựng cầu qua kênh; cấp quyền sử dụng đất trong phạm vi công trình thủy lợi từ những năm 1993 đến nay rất khó khăn trong công tác giải tỏa.
Các cống đập trên bờ sông Đa Độ vẫn chưa đồng bộ, khép kín trong khi hệ thống công trình thủy lợi vẫn đang từng ngày, từng giờ tiếp nhận các nguồn nước thải ô nhiễm gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hệ thống. Trong khi đó, các vi phạm xả thải, các vi phạm lấn chiếm diễn ra ngày càng phức tạp.
Cần hơn 700 tỷ để bảo vệ nguồn nước
Theo thống kê, hiện tại trên hai bờ sông Đa Độ có tổng số 140 điểm giao cắt, trong đó có 40 cống không có dàn cánh cống, 13 công trình là các cống buy hoặc cống hộp xả nước thải dân sinh, 63 vị trí hiện chưa có công trình điều tiết và 25 điểm xả thải trực tiếp ra sông Đa Độ.
Đối với các vị trí chưa có công trình điều tiết, đa phần là các điểm cấp nước vào các tuyến kênh do địa phương quản lý, cần thiết phải rà soát các điểm cấp nước quan trọng cần đầu tư cống và quy hoạch hoành triệt các cống không cần thiết đầu tư, xây dựng các tuyến kênh kẹp dọc theo bờ Đa Độ để điều tiết nước nội vùng.
Với hiện trạng xả thải tự do vào hệ thống và nguy cơ ô nhiễm mặn như vậy, nếu không có giải pháp bảo vệ, trong tượng lai nguồn nước sẽ không đảm bảo phục vụ phát triển dân sinh. Đơn vị này đã có báo cáo đề xuất phương án thu gom, chuyển hướng tiêu thoát nước thải gửi UBND TP Hải Phòng.
Theo đó, giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Đa Độ hiện nay là điều chỉnh hướng tiêu thoát nước thải ra các sông Lạch Tray, sông Văn Úc.
Cụ thể, với điểm xả thải khu vực Cầu Nguyệt, cần thu gom, chuyển hướng tiêu nước thải khu vực cống Ông Tâm về kênh Trường Sơn tiêu ra sông Lạch Tray. Cần hoành triệt cống Ông Tâm, kè đá hộc xây đoạn kênh từ Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Phòng.
Đoạn từ kênh ven đường khu dân cư đến kênh Trường Sơn, cần nạo vét, kè đá hộc xây đoạn kênh chuyển hướng tiêu nước ra kênh và xây dựng cống thông nước tại vị trí bờ kênh cắt ngang kênh chưa có cống, thay thế cống buy thường xuyên ách tắc bằng cống hộp, xây mới cống điều tiết tại một số vị trí.
Tiếp theo, cần phải tiến hành thu gom, chuyển hướng tiêu nước thải tại khu dân cư khu vực xã Mỹ Đức về cống Thạch Lựu, kênh liên huyện An Lão - Kiến Thụy, tiêu ra sông Văn Úc.
Tại điểm xả khu vực quận Kiến An, cần cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Đò Vọ 1, kênh Thắng Lợi, kênh Mỹ Khê và các công trình trên kênh chuyển hướng tiêu thoát nước thải ra sông Lạch Tray.
Tại khu vực huyện An Lão, cần thu gom, chuyển hướng tiêu nước thải khu dân cư khu vực Cầu Vàng 1 về kênh Bãi Vẹt, tiêu ra sông Lạch Tray và thu gom, chuyển hướng tiêu nước thải khu dân cư, khu công nghiệp khu vực Cầu Vàng 2 về kênh Cống Nghè, tiêu ra sông Văn Úc.
Riêng, tại khu vực huyện Kiến Thụy, cần thu gom, chuyển hướng tiêu nước thải khu dân cư khu vực Cầu Đối về kênh Đức Phong 1, tiêu ra sông Lạch Tray qua cống C2, đắp bờ, kè gia cố bờ kênh trục chính sông Đa Độ và xây dựng tuyến cống từ chân cầu Đối đến cầu Hòa Bình.
Chi phí thực hiện phương án thu gom, chuyển hướng tiêu thoát nước thải bảo vệ nguồn nước hệ thống thủy lợi Đa Độ dự kiến khoảng 763 tỷ đồng từ vốn đầu tư công (ngân sách thành phố Hải Phòng). Trong đó, điểm xả thải khu vực Cầu Nguyệt là 143 tỷ đồng, điểm xả khu vực quận Kiến An là 210 tỷ đồng, khu vực huyện An Lão là 200 tỷ đồng và khu vực huyện Kiến Thụy là gần 210 tỷ đồng.
“Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước của kênh trục chính sông Đa Độ phục vụ sản xuất nước sạch của thành phố, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã đề nghị UBND thành phố chấp thuận phương án thu gom, chuyển hướng tiêu thoát nước thải bảo vệ nguồn nước kênh trục chính sông Đa Độ tại 4 vị trí xả nước thải trên. Đồng thời giao Sở NN-PTNT tổ chức lập các dự án đầu tư xây dựng theo phương án đề xuất. Giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí kinh phí thực hiện theo quy định”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng cho hay.
Theo số liệu quan trắc chất lượng nguồn nước từ những năm 2015 đến nay, một số chỉ tiêu luôn vượt quá hàm lượng theo tiêu chuẩn cho phép như: Amoni có những thời điểm đạt tới ~ 2,0mg/l vượt 600% so với tiêu chuẩn (<0,3mg/l); Tổng chất rắn lơ lửng đạt tới ~ 50mg/l vượt 167% so với tiêu chuẩn (<30mg/l); Hàm lượng COD thường xuyên vượt quá mức tiêu chuẩn là 15mg/l. Tần suất xuất hiện hàm lượng oxy hòa tan (DO) không đảm bảo theo tiêu chuẩn ngày càng tăng, có những thời điểm chỉ đạt 70% so với tiêu chuẩn (>5mg/l).