| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách bảo vệ nguồn nước trong hệ thống thủy lợi Đa Độ

Hàng trăm điểm xả thải vào sông Đa Độ

Thứ Năm 10/08/2023 , 06:15 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hệ thống thủy lợi Đa Độ trải dải trên địa bàn 5 huyện, lớn nhất TP Hải Phòng. Hiện nay nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng trăm điểm xả thải.

Hệ thống thủy lợi Đa Độ lớn nhất Hải Phòng, dài 48,6km, trải dài qua 5 quận, huyện. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi Đa Độ lớn nhất Hải Phòng, dài 48,6km, trải dài qua 5 quận, huyện. Ảnh: Đinh Mười.

Ba điểm nóng

Hệ thống thủy lợi Đa Độ trải dài qua 4 huyện An Lão, Kiến Thụy, quận Kiến An, Dương Kinh và quận Đồ Sơn, là hệ thống thủy lợi lớn nhất thành phố Hải Phòng, phục vụ cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 30.000 ha/năm.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa là sự gia tăng lượng chất thải, nước thải vào hệ thống và gia tăng các vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi. Từ đó làm cho chất lượng nguồn nước trong hệ thống bị ảnh hưởng “bẩn dần”, cộng với tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn làm suy giảm trữ lượng và chất lượng nguồn nước trong hệ thống.

Trên hệ thống thủy lợi Đa Độ hiện tại có 3 vị trí được đánh giá có nguy cơ cao gây ô nhiễm chất lượng nguồn nước sông Đa Độ, khu dân cư sinh sống sát mép bờ sông, cần thiết phải được khắc phục cấp bách. Đó là khu vực Kiến An, khu vực Cầu Nguyệt và khu vực Kiến Thụy.

Tại địa bàn quận Kiến An, toàn bộ nước thải từ các khu công nghiệp Đồng Hòa, Quán Trữ, các bệnh viện (Nhi Việt Đức, Đa Khoa Kiến An, Phục hồi chức năng, Lao Hải Phòng, Hồng Đức), các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các khu dân cư, cơ quan hành chính, trường học, làng nghề, các nghĩa trang trên địa bàn đang xả trực tiếp xuống các tuyến kênh Đò vọ, kênh Thắng Lợi.

Một xưởng tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, nằm sát bờ sông Đa Độ, hệ thống nước thải xả thẳng ra sông. Ảnh: Đinh Mười.

Một xưởng tái chế phế liệu ở phường Tràng Minh, nằm sát bờ sông Đa Độ, hệ thống nước thải xả thẳng ra sông. Ảnh: Đinh Mười.

Điển hình là tuyến kênh Đò Vọ, Thắng Lợi, lưu lượng xả thải rất lớn, nước thải đa phần chưa qua xử lý khiến cho các tuyến kênh bị ô nhiễm nặng. Nước của các tuyến kênh này đen, đặc, bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm môi trường lân cận và chảy vào các tuyến kênh liên thông và chảy trực tiếp sông trục chính Đa Độ gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng của hệ thống thủy lợi.

Riêng tại làng thu gom phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An được hình thành tự phát vào khoảng năm 1980. Hiện tại có gần 100 hộ theo nghề thu gom “đồng nát”. Nhiều năm qua, hoạt động của người dân kéo tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước thải từ các hộ làm nghề ra hệ thống kênh mương hệ thống thủy lợi Đa Độ.

Hiện nay, dù TP Hải Phòng đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề vẫn hiện diện. Sát bờ sông Đa Độ là các bao tải phế liệu chất la liệt, các nhà xưởng tái chế nhựa, nước đen kịt, hôi hám. Dọc những triền đê ven sông Đa Độ khu vực phường Tràng Minh không ít các bãi rác thải đủ thể loại cháy nghi ngút, bốc mùi khét lẹt.

Tại khu vực Cầu Nguyệt là khu vực có dân cư sinh sống sát mép sông Đa Độ và có nhiều ngành nghề kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, tình trạng xả thải ô nhiễm nguồn nước đã và đang ảnh hưởng đến môi trường, phát triển kinh tế, sức khỏe nhân dân.

Nước thải từ các hộ dân xả trực tiếp ra hệ thống thủy lợi ở khu vực thôn Nguyệt Áng. Ảnh: Đinh Mười.

Nước thải từ các hộ dân xả trực tiếp ra hệ thống thủy lợi ở khu vực thôn Nguyệt Áng. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực này đang có 2 điểm nóng đang xả nước thải trực tiếp ra sông Đa Độ với nguy cơ ô nhiễm cao là thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn và địa bàn xã Mỹ Đức, huyện An Lão. Hiện trạng chất lượng nước tại khu vực Cầu Nguyệt bị ảnh hưởng nghiêm trọng có nhiều thời điểm không đảm bảo chất lượng nước cấp cho nhà máy nước Cầu Nguyệt.

Theo Công ty TTNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ), tại địa bàn thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, nguồn nước xả thải chưa qua xử lý của các hộ dân thôn Nguyệt Áng, Thái Sơn, Trung tâm bảo trợ xã hội Hải Phòng xả thải trực tiếp vào các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và qua Ông Tâm xả trực tiếp vào sông Đa Độ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy nước Cầu Nguyệt, cách cống về phía hạ lưu 150m.

Còn tại địa bàn khu vực xã Mỹ Đức, các nguồn nước thải chưa qua xử lý của toàn bộ khu dân cư hai bên kênh đổ ra kênh hút trạm bơm Cầu Nguyệt và xả trực tiếp ra sông Đa Độ.

Tại khu vực thị trấn núi Đối, huyện Kiến Thụy, đây là khu tập trung của các đơn vị hành chính, bệnh viện và đặc biệt là dân cư sinh sống ngay trên bờ kênh. Nguồn nước thải tập kết và xả trực tiếp ra sông Đa Độ.

Rác thải tập kết ven sông Đa Độ và ngang nhiên đốt cháy khét lẹt giữa ban ngày tại phường Tràng Minh. Ảnh: Đinh Mười.

Rác thải tập kết ven sông Đa Độ và ngang nhiên đốt cháy khét lẹt giữa ban ngày tại phường Tràng Minh. Ảnh: Đinh Mười.

Hàng trăm điểm xả thải

Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ cho biết, sông Đa Độ bắt nguồn từ Trung Trang đến cống Cổ Tiểu là tuyến sông huyết mạch trong điều tiết và vận hành hệ thống, có nhiệm vụ trữ nước, cấp nước vào các tuyến kênh cấp 1, thau đảo nguồn nước và tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Do tồn tại lịch sử, bờ sông và vùng phụ cận tại một số khu vực (đặc biệt là đoạn qua khu dân cư tập trung, khu làng nghề Tràng Minh, quận Kiến An) bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, trang trại, gia trại, sản xuất kinh doanh, tái chế phế liệu... khiến cho một số vị trí lòng sông bị thu hẹp, nhiều đoạn bị lở, không còn hiện trạng bờ.

Đáng lưu ý, những đoạn sông đi qua khu vực dân cư hiện chưa hoạch định được bờ sông do người dân ở, sinh hoạt ngay sát mép nước. Tại một số điểm, địa phương cấp đất làm nhà ở và đất sản xuất cho người dân từ trước những năm 1993, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải tỏa, mở rộng lòng sông, đắp củng cố bờ, chống vi phạm lấn chiếm.

Tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống có khoảng 410 tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi gồm công ty, doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà hàng; trường học, trang trại chăn nuôi. Hiện mới có 58 đơn vị được cấp phép xả nước thải vào hệ thống (chủ yếu là các doanh nghiệp lớn và bệnh viện lớn). Còn lại chưa được cấp phép.

Một doanh nghiệp trên địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão xả thải ra hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Một doanh nghiệp trên địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão xả thải ra hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Trong những năm qua, Công ty Đa Độ đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay giải tỏa được phần lớn diện tích ao đầm, trang trại trong lòng sông; nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối trên bờ sông, đồng thời  đắp củng cố hai bên bờ sông Đa Độ các đoạn xuống cấp, cải tạo xây mới các cống điều tiết trên bờ Đa Độ, về cơ bản đã kiểm soát, ngăn chặn nước thải từ kênh cấp 1 chảy vào sông và chủ động điều tiết một chiều.

Dù vậy, do những lý do khách quan, đến nay vẫn tồn tại khoảng 40ha diện tích ao đầm trang trại trong lòng sông, vùng phụ cận sông chưa được giải tỏa, khoảng 30km bờ sông chưa nâng cấp, không đảm bảo ngăn nước thải trong nội tại hệ thống đang xả tràn vào sông Đa Độ ảnh hưởng đến chất lượng nước, không đảm bảo giữ nước ngọt trong lòng sông và giữ nước mặt ruộng.

Công ty Đa Độ đã tập trung nguồn lực để bảo vệ nguồn nước và công trình, đến nay nguồn nước ngọt trong hệ thống thuỷ lợi Đa Độ đang được đánh giá là một trong những nguồn nước có chất lượng tốt nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tuy nhiên không không tránh khỏi tình trạng dần suy thoái do gia tăng tốc độ, mức độ ô nhiễm.

Hệ thống thủy lợi Đa Độ được quy hoạch và hoàn chỉnh thủy nông từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Thành phố Hải Phòng phân cấp giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ) quản lý 1.232 công trình bao gồm: 73 công trình cống dưới đê, 266 công trình kênh, 151 trạm bơm, 148 công trình kênh tưới cấp 1 sau trạm bơm, 594 công trình trên kênh (theo Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 14/3/2018).

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.