| Hotline: 0983.970.780

Cần loại bỏ từ điển 'rác'

Thứ Năm 12/01/2017 , 08:30 (GMT+7)

Bà Nguyễn Trung Thuần - Nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho rằng...

12-19-38_tu-dien-mo-dnh-nxb-thnh-nien
Dùng giấy phép cuốn “Tự học tiếng Anh cấp tốc" để in “Từ điển Tiếng Việt” (Ảnh Hoàng Tuấn Công)

Những bộ từ điển học sinh (TĐHS) không hợp chuẩn, lừa dối và gây lạc lối cho người tiêu dùng không chỉ xâm hại quyền lợi của độc giả, xâm hại quyền lợi của các nhà xuất bản cùng các tác giả làm ăn nghiêm túc khác, mà còn chuốc tiếng xấu cho ngành xuất bản.
 

Gây lạc lối cho người tiêu dùng

Thưa bà, gần đây xuất hiện tràn lan trên thị trường nhiều cuốn từ điển gắn mác Dành cho học sinh, tuy nhiên, nội dung thực sự không phù hợp, không phải dành cho đối tượng này. Bà từng tham gia nhiều năm trong việc biên soạn từ điển, theo bà, thực trạng này có cần róng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và các nhà quản lý hay không?

Dĩ nhiên là rất cần rồi. Cần chỉ đích danh đó là những bộ từ điển học sinh (TĐHS) không hợp chuẩn, lừa dối và gây lạc lối cho người tiêu dùng không chỉ xâm hại quyền lợi của độc giả, xâm hại quyền lợi của các nhà xuất bản cùng các tác giả làm ăn nghiêm túc khác, chuốc tiếng xấu cho ngành xuất bản, mà còn vi phạm cả các bộ luật ở tầm quốc gia như luật về sáng tác, luật về xuất bản, luật về cạnh tranh không lành mạnh…

TĐHS được nói tới ở đây là loại từ điển ngôn ngữ được biên soạn phục vụ riêng cho từng đối tượng học sinh ở các trình độ cấp học khác nhau, như trung học, trung cấp dạy nghề, đại học.

Vì thế, TĐHS phải được biên soạn sao cho phù hợp với đối tượng học sinh các loại. Thế nào là phù hợp? Phù hợp với đối tượng học sinh có nghĩa là cả những mục từ được lựa chọn lẫn nội dung giải thích của chúng trong từ điển phải đáp ứng đúng trình độ hiểu biết, trình độ tư duy của học sinh. Các mục từ được thu thập chủ yếu nằm trong khuôn khổ những kiến thức mà học sinh đã được cung cấp trong chương trình học.
 

Đừng xử lí kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”

Theo bà, cần có những giải pháp nào để chấn chỉnh lại việc biên soạn từ điển tràn lan như hiện nay dưới dạng người người soạn từ điển, nhà nhà [xuất bản] phát hành từ điển?

Hiện thời, cơ quan quản lý xuất bản cũng đã có động thái ra tay chấn chỉnh trước những biểu hiện lộn xộn trong lĩnh vực này, mà việc Cục Xuất bản có công văn đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố rà soát, thu hồi và tiêu hủy các cuốn cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất trước đây là một ví dụ.

Cần có giải pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng này ư? Biện pháp tối ưu để có thể giải quyết được tận gốc vấn đề là cần siết chặt sự quản lý của nhà nước về cả biên soạn nội dung lẫn in ấn xuất bản đối với các bộ từ điển, nếu không thì mọi sự chấn chỉnh đều vô vọng.

Từ điển là một loại sách công cụ, hay còn gọi là sách tham khảo hay sách tra cứu, là công cụ dùng để tra cứu nên đòi hỏi độ chuẩn xác rất cao.

Vì thế, từ điển mới được coi là loại sách để đời, có công dụng xuyên thời gian. Sách công cụ, bao gồm từ điển, bách khoa thư, almanach, thư mục, catalogs (như catalogs về thư viện, bảo tàng trên thế giới hoặc tác phẩm của các nghệ sĩ). Ngày nay, nhiều loại sách công cụ đã có sẵn dưới dạng điện tử và có thể lưu trữ thành các gói phần mềm hoặc xem trực tuyến thông qua Internet.

Có thể thấy, biên soạn từ điển là một công việc vô cùng hệ trọng. Biên soạn từ điển đòi hỏi phải có một đội ngũ biên soạn đã được trang bị kiến thức về nghiệp vụ làm từ điển thành thạo. Hiện ở Việt Nam đang rất thiếu những người làm từ điển chuyên nghiệp, nếu như không nói là vô cùng thưa thớt.

Vì tính chất đặc biệt của loại hình sách này, trước đây ở Việt Nam, chỉ có hai nhà xuất bản chuyên trách xuất bản từ điển.

Đó là NXB Khoa học Xã hội (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học xã hội) và NXB Khoa học Kỹ thuật (chuyên xuất bản các loại từ điển thuộc ngành khoa học kĩ thuật và tự nhiên). Một cách tương ứng, chỉ có các cơ quan có đầy đủ thẩm quyền chuyên môn mới được đứng ra tổ chức biên soạn từ điển.

Cho nên vào thời đó, các bộ từ điển được xuất bản đều có hàng chữ in trên cùng bìa sách tên cơ quan chủ quản, sở hữu bản quyền về nội dung. Ví dụ như các bộ Từ điển Pháp - Việt; Từ điển Anh-Việt và Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam)…

Về mặt quản lý, các điều kiện cần để bảo đảm cho ra lò những bộ từ điển đạt chuẩn bao gồm: - Cơ quan thuộc tầng cấp quốc gia chuyên trách biên soạn từ điển, chịu trách nhiệm và được hưởng bản quyền về mặt nội dung; - Cơ quan thuộc tầng cấp quốc gia chuyên trách xuất bản từ điển, chịu trách nhiệm và được hưởng bản quyền về mặt xuất bản.

Theo tôi, người dùng nên tìm mua từ điển do các cơ quan biên soạn cùng các nhà xuất bản có truyền thống làm từ điển đã được cấp phép và đã có thương hiệu, sách phải có dán tem bản quyền, tới mua tại đại lý của các nhà xuất bản là tốt nhất.

Dùng giấy phép sách tiếng Anh để in Từ điển tiếng Việt

Sau khi kiểm tra thông tin phản ánh của Báo NNVN về cuốn “Từ điển tiếng Việt thông dụng dành cho học sinh - sinh viên” (tác giả Ngọc Hằng - Kỳ Duyên - NXB Thanh Niên, 2016), ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc NXB Thanh Niên khẳng định: “Đây la sách mạo danh NXB Thanh niên. NXB không cấp giấy phép cuốn Từ điển này. Nhà sách Khang Việt đã dùng giấy phép cuốn “Tự học tiếng Anh cấp tốc" để in cuốn từ điển nói trên”.

 

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.