| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 05/04/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 05/04/2017

Cần mạnh tay hơn nữa dành cho những tội phạm ấu dâm

Thông tin về một cháu bé 11 tuổi ở Vĩnh Long bị cha đẻ và ông nội thay nhau hiếp dâm nhiều lần, đã gây chấn động xã hội.

Chấn động, bởi không một ai có thể hình dung ra được tại sao trên đời này lại có một người bố, một người ông khốn nạn đến thế. Thật không bằng loài cầm thú. Rất nhiều loài, như loài chó sói chẳng hạn, cùng được sinh bởi một bố một mẹ, cùng trong một đàn. Nhưng khi trưởng thành, những con sói cái còn biết tách đàn, gia nhập đàn khác, để tránh chuyện giao phối cận huyết, nữa là. Đằng này...

Thông tin trên, cùng với những thông tin liên tiếp về những vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây nữa, còn làm “nóng” cả hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015, diễn ra ngày 3/4/2017 tại Hà Nội.

Tại hội nghị này, sau khi nêu bật tình trạng báo động về nạn xâm hại tình dục trẻ em, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã đề xuất là “cần mạnh tay hơn nữa đối với loại tội phạm này. Gần đây đã có ý kiến đưa việc “thiến hóa học” thành một hình phạt đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Tôi đề nghị nghiên cứu kỹ hình phạt này, nếu đủ sức răn đe thì đưa vào Bộ luật Hình sự để thực hiện”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng là người thứ ba đề xuất áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với loại tội phạm ấu dâm. Trước đó, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã đề xuất cần đưa hình phạt “thiến hóa học” vào luật, như một hình phạt bổ sung, cùng với hình phạt tù, dành cho loại tội phạm này. Và gần đây nhất, tại cuộc tọa đàm với chủ đề “xâm hại tình dục trẻ em, im lặng hay lên tiếng” diễn ra tại Hà Nội ngày 14/3/2017, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp cũng đề xuất cần áp dụng hình phạt này.

Thiến là một hình phạt có từ thời phong kiến, và đã kéo dài hàng ngàn năm ở các quốc gia châu Á, nhất là ở Trung Quốc. Hình phạt này được gọi là “cung hình”. Người phải chịu hình phạt này bị lấy mất một phần thân thể ở bộ phận sinh dục, trở thành tàn phế, không còn khả năng thực hiện thiên chức đàn ông nữa, dẫn đến tuyệt tử tuyệt tôn.

Với quan niệm “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại (trong 3 tội được coi là bất hiếu, thì tội không có con nối dõi là tội lớn nhất)”, thì “cung hình” được coi là một loại nhục hình. Người bị cung hình bị người đời phỉ nhổ, khinh bỉ và xa lánh, sống còn khổ hơn là chết. Chính vì vậy mà không ít người, sau khi phải chịu hình phạt đó, đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát.

Thiến hóa học là tiêm một chất hóa học vào cơ thể, không lấy mất một phần thân thể của tội phạm, và tội phạm tuy không trở thành tàn phế, nhưng cũng vĩnh viễn mất khả năng đàn ông. Hình phạt, vì vậy, mang tính răn đe rất cao. Một số nước trên thế giới cũng đang áp dụng.

Thiết nghĩ, những đề xuất đưa hình phạt này vào luật, dành cho những tội phạm ấu dâm, là có căn cứ. Nếu được thực hiện, thì sẽ góp phần chặn đứng loại tội phạm này.