Sáng 1/3, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu làm việc với Viện Nghiên cứu Rau quả. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị xuất khẩu rau quả, nhất là rau quả chế biến trên thị trường hiện nay.
Năm 2022 chứng kiến cú đảo chiều ngoạn mục của rau quả chế biến. Trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả dạng tươi giảm 5,9% so với năm 2021, thì nhóm sản phẩm chế biến tăng trưởng 9,8% về giá trị. Với kim ngạch xuất khẩu 1,014 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến đã vượt 1 tỷ USD.
Một điểm nữa, là trong khi phần lớn rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu có đích đến là thị trường Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ. Cụ thể, EU hiện rất ưa chuộng sản phẩm rau gia vị của Việt Nam. Một số loại quả chế biến đóng hộp, nước ép có thời gian sử dụng 1-2 năm, cũng là lựa chọn thường xuyên của phía bạn.
Để rau quả, trong đó có rau quả chế biến đến được nhiều hơn với các thị trường khó tính, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các nhà khoa học nói chung và Viện Nghiên cứu Rau quả nói riêng tập trung vào các giống có tính trạng tốt, kháng bệnh. Ngoài ra, đối tượng nghiên cứu cần cụ thể, nhắm chính xác tới những tiểu vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp.
“Trước đây, người Việt Nam ít có văn hóa ăn hoa quả tươi, nhưng giờ điều ấy đã hình thành một nét văn hóa, nhất là tại các đô thị lớn. Do đó, công nghệ bảo quản, chế biến cần được nâng cấp, đáp ứng kịp thời xu hướng này, đồng thời góp phần hỗ trợ xuất khẩu”, Thứ trưởng nói.
Bên cạnh những kết quả nghiên cứu về cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả còn mũi nhọn về bảo quản chế biến. Viện trưởng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Viện đã nghiên cứu, xây dựng được quy trình kéo dài thời gian bảo quản cho một số loại quả phục vụ nội tiêu và xuất khẩu như: 30 ngày đối với quả vải, 40 ngày đối với chuối tiêu, trên 3 tháng với củ khoai lang tím Nhật Bản, trên 2 tháng với quả táo mèo, trên 4 tháng với quả bưởi đỏ Tân Lạc.
“Những năm qua, Viện Nghiên cứu Rau quả đã chuyển giao quy trình công nghệ bảo quản vải, nhãn chín muộn, quy trình công nghệ bảo quản chuối tiêu cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, CH Czech…”, ông Hùng chia sẻ.
Báo cáo Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Hùng cho biết Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu các kỹ thuật tác động ở giai đoạn cận và sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cho một số chủng loại quả.
Đồng thời những công nghệ bảo quản cho nhãn, vải, chuối, dứa, cây ăn quả có múi và rau ở các tỉnh phía Bắc sẽ được hoàn thiện theo hướng kéo dài thời gian bảo quản. Ngoài ra, Viện cũng định hướng nghiên cứu chế biến một số sản phẩm mới từ các loại quả đặc sản.
“Viện kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, tạo điều kiện giao nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống rau quả, đồng thời cho phép Viện được thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ Rau hoa quả trực thuộc Viện theo cơ chế tự chủ”, ông Hùng bày tỏ.
Đánh giá cao nỗ lực của Viện, đặc biệt trong vấn đề tự chủ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến động viên tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Viện tiếp tục “đứng vững trên đôi chân”. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng chia sẻ những khó khăn của Viện trong khâu nghiên cứu, bởi để đánh giá được một giống quả như bưởi cần 7-8 năm, trong khi một chu kỳ tài chính chỉ kéo dài 5 năm. Do đó, ông gợi mở Viện cần “thai nghén” trước đề tài, đồng thời tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để sản phẩm sớm đến được với người dân, xã hội.