| Hotline: 0983.970.780

Rau quả chế biến vào nhóm hàng tỷ đô

Thứ Năm 09/02/2023 , 08:43 (GMT+7)

Liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, rau quả chế biến đã chính thức vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

rau qủa chế biến

Thanh long chuẩn bị đưa vào chế biến ở nhà máy của Công ty Lavifood, Long An. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, mặc dù xuất khẩu rau quả nói chung bị giảm so với năm 2021, nhưng xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức tăng 9,8% và đạt 1,014 tỷ USD. Như vậy, đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến vượt mốc 1 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng ghi nhận, trong năm 2022, cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng. Cụ thể, trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu rau quả chế biến chiếm 29,47%, tăng 3,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Trong các sản phẩm rau quả chế biến, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá và có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022 với mức tăng tới 78% và đạt 135 triệu USD. Tiếp theo là các sản phẩm chế biến từ trái dừa (122 triệu USD), trái cây các loại (100 triệu USD), hạt dẻ cười (90 triệu USD), dứa (53 triệu USD)…

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những năm gần đây, sản phẩm rau quả chế biến luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến có xu hướng gia tăng trên toàn cầu.

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Như vậy, có thể thấy trên thị trường rau quả chế biến thế giới, rau quả chế biến Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn.

Như tại thị trường Hà Lan (thị trường nhập khẩu rau quả nói chung và rau quả chế biến nói riêng hàng đầu châu Âu), thông tin từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Hà Lan trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ Eur (tương đương 2,9 tỷ USD), tăng 10,8% về lượng và tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hà Lan tăng mạnh nhập khẩu hàng rau quả chế biến từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022, đạt 11 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu Eur (tương đương 43,1 triệu USD), tăng 30,3% về lượng và tăng 88,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 0,5% tổng lượng nhập khẩu rau quả chế biến vào Hà Lan.

Cũng theo Eurostat, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của EU trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,2 triệu tấn, trị giá 12,7 tỷ Eur (tương đương 12,2 tỷ USD), tăng 2,9% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này cho thấy giá trị nhập khẩu hàng rau quả chế biến vào EU rất lớn, tuy nhiên, thị phần hàng rau quả chế biến của Việt Nam tại EU rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhập khẩu.

Chính vì vậy, các chuyên gia ngành rau quả cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần của rau quả chế biến Việt Nam tại EU nói riêng và trên toàn cầu nói chung trong thời gian tới. Tuy nhiên, những thị trường tiêu thụ rau quả chế biến lớn như EU, Mỹ... là những thị trường có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm...

Do đó, để thâm nhập và mở rộng thị phần cho rau quả chế biến Việt Nam tại những thị trường này, việc sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp rau quả Việt Nam.

Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm tươi hiện chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30%. Trong nhóm sản phẩm chế biến xuất khẩu sang EU, các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp rau quả Việt Nam có quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường châu Âu. Ngành rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng các sản phẩm rau quả chế biến như rau củ quả đông lạnh, đóng lon.

Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại châu Âu

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.