Chăn nuôi Hà Giang vượt khó
Ngày 20/1, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang về công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn gia súc và vấn đề phát triển nông nghiệp của địa phương này.
Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, Dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã có tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của địa phương đã vượt khó và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, đến cuối năm 2020 so sánh với cùng kỳ năm 2019 thì tổng đàn trâu của tỉnh là 162.286 con, giảm 2,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4.799 tấn, tăng 7,68%. Tổng đàn bò là 122.101 con, tăng 2,1%; sản lượng thịt bò xuất chuồng đạt 4.028 tấn, tăng 7,03%. Tổng đàn đàn lợn 572.018 con, tăng 8%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 31.900 tấn, tăng 4%. Tổng đàn dê là 168.159 con, tăng 3%. Tổng đàn gia cầm là 5.231 nghìn con, tăng 3,9%. Số lượng đàn ong là 54.977 tổ, tăng 5,1%...
Đến nay, số hộ chăn nuôi của tỉnh Hà Giang là 149.782 hộ. Tỉnh có 139 trang trại chăn nuôi, trong đó 2 trang trại quy mô lớn, 12 trang trại quy mô vừa và 122 trang trại quy mô nhỏ.
Tỉnh cũng đưa ra quy định khu vực nội thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và xây dựng chính sách di dời. Hiện nay, ngành NN-PTNT tỉnh đã xây dựng xong dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh giao, đang lấy ý kiến đóng góp của các ngành và người dân trước khi trình đệ trình.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn được các ngành địa phương quan tâm chỉ đạo. Đến nay, tỉnh duy trì hiệu quả diện tích 3.516 ha cam VietGAP, 11.842 ha chè GAP gắn với phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Sản lượng cam thu hoạch niên vụ 2020 – 2021 ước đạt 80.460 tấn, tăng 7% so với năm 2019. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 72.500 tấn, tăng 3,4% so với năm 2019. Tỉnh triển khai đầu tư gia trại rau, hoa ứng dụng công nghệ mới được 115 ha, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế so với trồng lúa 1,5-2 lần.
Tập trung phòng chống dịch bệnh, đói rét
Những ngày qua, thời tiết tại tỉnh Hà Giang khá khắc nghiệt; rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều nơi có băng giá ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi.
Hạn chế thiệt hại đáng tiếc xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các xã, thôn bản kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình, triển khai hướng dẫn các xã, thôn, hộ gia đình cách phòng chống đói rét, dự trữ thức ăn cho gia súc trong vụ đông để giảm thiểu thiệt hại về gia súc, gia cầm.
Qua rà soát, hiện có hơn 111.100 hộ có chuồng chăn nuôi, trong đó chuồng kiên cố là 90.200 hộ chiếm 81,3%, chuồng tạm là 20.800 hộ chiếm 18,7%. Kết quả dự trữ thức ăn ước được 527.332 tấn, trong đó thức ăn tinh 21.744 tấn; thức ăn thô xanh 505.588 tấn. Diện tích cỏ hiện có 28.233 ha.
Tổng số hộ ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò là 108.688 hộ, chiếm 97,8% tổng số hộ chăn nuôi trâu bò. Tính đến nay số gia súc thiệt hại do ảnh hưởng của rét là 6 con trâu.
Năm 2020, tỉnh Hà Giang có 8/11 huyện, thành phố có Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy toàn tỉnh là 2.391 con/421 hộ/109 thôn/40 xã/8 huyện, thành phố, tổng trọng lượng tiêu hủy là 102.190 kg.
Ngay sau khi dịch tái bùng phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT và UBND các huyện có giải pháp quyết liệt bao vây, thành lập nhiều đoàn công tác và cử cán bộ kỹ thuật đến các địa phương có ổ dịch chưa qua 21 ngày để triển khai chống dịch. Đến ngày 4/12/2020, các địa phương đã công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.
Về Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, tính đến hết ngày 2/01/2021, tổng gia súc mắc bệnh của tỉnh Hà Giang là 37 con, gồm 3 con trâu và 34 con bò tại 3 huyện Mèo Vạc, Yên Minh và Xín Mần.
Ngay lập tức, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo tập trung các giải pháp kiểm soát, phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh và triển khai tiêm phòng thí điểm vacxin Viêm da nổi cục. Kết quả tiêm được 2.025 con trâu, bò tại các huyện Mèo Vạc, Xín Mần và Yên Minh. Đến nay, số trâu bò được tiêm phòng đều khỏe mạnh, không xuất hiện phản ứng phụ.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự tăng trưởng của tỉnh Hà Giang nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng trong năm qua.
Thứ trưởng mong muốn tỉnh Hà Giang tích cực nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn; quan tâm phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo, trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi; tìm phương án phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn để nâng cao giá trị các loại cây trồng, vật nuôi; có quy hoạch phát triển cụ thể lĩnh vực nông nghiệp; định hình các đối tượng chăn nuôi và gắn với việc liên kết chế biến, tiêu thụ với những đề án, phương án cụ thể; tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư…