| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh tổ chức tiêm thí điểm vacxin viêm da nổi cục trâu, bò

Thứ Tư 20/01/2021 , 08:56 (GMT+7)

Trước việc có 14 xã/5 huyện xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh tổ chức tiêm thí điểm vacxin.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang có chiều hướng lây lan diện rộng. Ảnh: N. Diệp.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang có chiều hướng lây lan diện rộng. Ảnh: N. Diệp.

Tình trạng vận chuyển, buôn bán gia súc dịp tết tăng

Theo tổng hợp mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò khởi phát tại Hà Tĩnh từ ngày 15/12/2020 và đến nay đã có 14 xã/5 huyện, thành phố có gia súc bị bệnh, gồm: Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê và TP Hà Tĩnh. Tổng số gia súc mắc bệnh chưa qua 21 ngày 211 con, đã chết, tiêu hủy 11 con.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho hay, thời điểm này hết sức nhạy cảm, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao hơn so với trước, bởi bệnh VDNC trâu bò lần đầu tiên xuất hiện và Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng chăn thả rông trâu, bò tại vùng ven núi và trên bãi chăn thả chung còn phổ biến. Thời tiết thay đổi mưa rét, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng. Đặc biệt, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Tân Sửu.

Cuối tháng 12/2020, bệnh VDNC trâu, bò phát sinh tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê. Đây là huyện miền núi có tổng đàn trâu bò lớn, với hơn 45.000 con. Đến thời điểm này, dịch bệnh cơ bản được khống chế, tuy nhiên với biến động thời tiết rét buốt, tình trạng mua bán, vận chuyển trâu, bò, thịt gia súc ở các địa phương khác về địa phương tăng lên hàng chục % như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan là rất cao.

“Ngoài việc thương lái đưa trâu, bò về giết thịt, ở các xã như Hương Lâm, Hương Liên, Hòa Hải, Phú Gia, Điền Mỹ, Hà Linh… tỷ lệ trâu, bò thả rông bầy đàn lên đến 100% nên vừa khó trong phòng dịch vừa tăng nguy phát tán mầm bệnh”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết.

Để triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương đang có dịch VDNC trâu bò kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp huyện, xã. Phân công thành viên ban chỉ đạo thường xuyên theo dõi và xuống trực tiếp tại các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đồng bộ các giải pháp, xử lý triệt để ổ dịch.

Tổ chức cách ly toàn bộ đàn trâu bò chưa có biểu hiện bệnh VDNC. Quản lý đàn trâu bò bị bệnh, nghi mắc bệnh bằng cách đánh dấu hoặc bấm thẻ tai, nuôi nhốt tại chuồng; bổ sung thức ăn tinh, muối khoáng, vitamin,… nâng cao sức đề kháng.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh khó khống chế là do tập quán thả rông trâu bò của người dân. Ảnh: N.Diệp.

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh khó khống chế là do tập quán thả rông trâu bò của người dân. Ảnh: N.Diệp.

Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun thuốc sát trùng, sử dụng các thuốc diệt côn trùng (ve, mòng, ruồi, muỗi,…)  như Hantox 200, liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi xung quanh, vùng có nguy cơ cao.

Rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng, biến động tổng đàn trâu bò trên địa bàn, đồng thời, khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt để kiểm soát việc vận chuyển trâu bò ra, vào các xã có dịch và khu vực liên quan. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát đàn trâu bò khi biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền và cơ quan thú y.

Đối với các địa phương chưa có dịch, đã chỉ đạo địa phương rà soát, thống kê toàn bộ hộ chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, cừu) trên địa bàn. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng các loại thuốc sát trùng, vôi bột,... tại chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

Đặc biệt, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong công tác phòng chống dịch, nhất là các trường hợp không kê khai hoạt động chăn nuôi, giấu dịch, bán chạy gia súc bị bệnh, chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch…

Tiêm phòng thí điểm trên 2.000 con bò sữa

Song song với thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tại các xã Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê (huyện Thạch Hà). Xã Phù Lưu (Lộc Hà) và trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn) sẽ triển khai tiêm phòng thí điểm vacxin VDNC trâu, bò.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh VDNC trâu bò. Ảnh: N.Diệp.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh VDNC trâu bò. Ảnh: N.Diệp.

Cụ thể, huyện Thạch Hà tổ chức tiêm vacxin Lumpyshield cho 2.000 con trâu bò, huyện Lộc Hà tiêm 1.000 liều vacxin Lumpyvac/1.000 con. Trang trại chăn nuôi bò sữa tiêm vacxin Lumpyvac cho 2.000 con bò sữa.

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Quản lý Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) thông tin, hiện tại các địa phương, đơn vị đã nhận đủ vacxin. Đối với cấp huyện, vacxin cung cấp qua Chi cục, còn trang trại lấy trực tiếp từ công ty cung ứng.

“Ngày 20/1 huyện Thạch Hà và Lộc Hà sẽ tiến hành tiêm, còn trang trại bò sữa Vinamilk sẽ tổ chức tiêm vào ngày 22/1. Toàn bộ quy trình tiêm vacxin VDNC trên trâu bò sẽ được Cơ quan thú y vùng 3 và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh theo dõi, giám sát. Sau tiêm 21 đến 28 ngày chúng tôi sẽ lấy mẫu đánh giá hiệu quả của vacxin sau tiêm phòng”, bà Diệp cho biết thêm.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.