| Hotline: 0983.970.780

Cần nhiều Nhật Bản hơn cho giấc mơ World Cup

Thứ Năm 31/03/2022 , 08:10 (GMT+7)

Một điểm trước Nhật Bản là thành tích đáng khích lệ với Việt Nam, nhưng chúng ta chưa có quyền bằng lòng với những gì đã thể hiện.

Ông Park Hang-seo hỏi han học trò sau trận đấu với Nhật Bản. Ảnh: VFF.

Ông Park Hang-seo hỏi han học trò sau trận đấu với Nhật Bản. Ảnh: VFF.

Khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu với Nhật Bản vang lên, nhiều tuyển thủ Việt Nam gần như ngã gục xuống sân vì kiệt sức. Họ đã chạy như thể "không có ngày mai" để giữ bằng được tỷ số hòa 1-1 với đối thủ hàng đầu châu Á, trong thế trận mà chúng ta lép vế về mọi mặt.

Không thể đòi hỏi nhiều hơn những gì đội tuyển Việt Nam đã cống hiến. Họ đã chơi với tinh thần cao nhất, nỗ lực và quyết tâm lớn nhất, cùng niềm tự tôn dân tộc "miễn chê". Tuy nhiên, màn ăn mừng sau đó của thầy trò Park Hang-seo, cũng như phản ứng trong hai lần thoát bàn thua mới lột tả được nhiều điều. Rõ ràng, trận hòa lịch sử ở Saitama hôm 24/3 không đủ để những người lạc quan nhất nghĩ đến viễn cảnh san lấp khoảng cách trình độ trong một sớm một chiều.

Nhật Bản đã chơi thứ bóng đá hiện đại, với kỹ chiến thuật hơn hẳn đội tuyển Việt Nam. "Samurai xanh" gần như không cho Quang Hải cùng đồng đội chơi bóng, và nhiệm vụ của đội bóng áo trắng trong suốt hiệp hai chỉ là chạy. Chạy để bịt các khoảng trống, chạy để kèm người, và chạy để thoát đi trong phút chốc nỗi lo sợ về một bàn thua có thể ập đến bất cứ lúc nào. 

Nhiều người sẽ lý luận, rằng đá với Nhật Bản thì còn biết làm gì hơn. Trong ngắn hạn, hoặc một trận đấu cụ thể, điều ấy đúng. Nhưng với tầm nhìn dài hạn, và đặc biệt là trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam không còn mục tiêu rõ ràng về thành tích, việc bó hẹp không gian chơi bóng, bảo vệ mành lưới lại khiến người xem có cảm giác trái chiều. Rõ ràng, chúng ta có hơn một lựa chọn, ngoài việc tạo ra lịch sử là "lần đầu không thua Nhật Bản".

Nhật Bản từng là mục tiêu mà Việt Nam nhắm tới cách đây chục năm. Khi ấy, LĐBĐ Việt Nam đã thuê một HLV người Nhật (Toshiya Miura), mời một Trưởng giải V-League người Nhật (Tanaka Koji), nhưng rốt cuộc, thành tích trong vài năm qua lại đến từ Hàn Quốc. Dưới bàn tay của Park Hang-seo, người đề cao tính kỷ luật, thể lực đặc trưng của xứ kim chi, bóng đá Việt Nam thay đổi thần kỳ cả về thể lực lẫn tâm lý thi đấu - thứ đặc biệt cần thiết khi đấu đối thủ mạnh hơn.

Trình độ của đội tuyển Việt Nam hôm nay còn thua sút Nhật Bản cũng như nhiều nền bóng đá châu Á khác, nhưng có một điều chắc chắn, là chúng ta không thể rập khuôn cách đá phòng ngự số đông mãi. Giấc mơ World Cup chỉ đến nếu chúng ta thường xuyên được chơi ở vòng loại cuối cùng và có trận thắng - trận thua với những đội như Nhật Bản. Nghĩa là ngoài thể lực, tâm lý - những thứ ông Park đã làm rất tốt - thì nền bóng đá Việt Nam còn cần thêm tốc độ, tư duy chơi bóng, sự đồng bộ trong di chuyển và giữ cự ly đội hình.

Tất cả những điều ấy đòi hỏi chúng ta cần nhiều thế hệ mới có thể chạm tới. Còn bây giờ, người hâm mộ "hãy chấp nhận vui" vì một điểm trước Nhật Bản, vì sự tận hiến của thầy trò Park Hang-seo. Họ đã làm tất cả để đạt "thành tích" bất chấp hoàn cảnh nào.

Xem thêm
Tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc, tác phẩm để đời của NSND Vương Duy Biên

Đây là công trình quan trọng nhất thuộc Dự án Đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc.

Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.