Sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 9 tại Quảng Ngãi.
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến thời điểm hiện tại có 13 người bị thương; 165 nhà dân bị sập; 84.499 nhà tốc mái, hư hỏng; 1 trụ BTS ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị ngã đổ; gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng; 151 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng; chợ Sông Vệ và chợ Nghĩa Phú bị tốc mái; một số ca nô, thuyền neo trú tại cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm....
Khắc phục trước mắt về những thiệt hại bão số 9 gây ra, Quảng Ngãi đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai hỗ trợ bước đầu 100 tỷ đồng ổn định dân sinh và 10 tỷ đồng ổn định, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sớm bố trí kinh phí để khắc phục cảng cá kết hợp khu neo đậu Sa Huỳnh và Tịnh Hòa, kè chống sạt lở Phước Thiện, Sa Huỳnh, đê chống lũ Bình Minh – Bình Trung.
Chỉ đạo tại cuộc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, lịch sử 20 năm chúng ta mới đón nhận một cơn bão tàn phá mạnh và nguy hiểm đến như vậy.
Ngay khi bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Chính phủ đã lập ngay Đoàn Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đến vùng tâm bão tập trung chỉ đạo công tác ứng phó.
Tỉnh Quảng Ngãi là tâm điểm của cơn bão số 9 nhưng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và ý thức của người dân nên việc phòng chống bão đã giảm thiểu được những thiệt hại, đặc biệt là không ai bị tử vong.
Mặc dù vậy, thiệt hại do cơn bão gây ra vẫn không hề nhỏ với gần 85 nghìn căn nhà bị tốc mái, hư hỏng, 600 công trình công cộng, hệ thống điện, nước, viễn thông bị hư hỏng nặng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Quảng Ngãi rà soát lại xem những người dân còn ai đi sơ tán thì đưa về nhà an toàn.
Đối với những vùng trũng phải sơ tán dân nếu như cục bộ nước dâng cao ở các khu vực ven sông, đặc biệt ở khu vực sông Vệ. Kiên quyết phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
“Quảng Ngãi phải dồn sức chỉ đạo để làm sao khôi phục gần 85 nghìn nhà dân ở các cấp độ khác nhau và phải có kế hoạch cụ thể từng phường, huyện, xã... Cần hỗ trợ luôn cho người dân theo Nghị định 136 để làm sao ổn định cuộc sống sau bão”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với hơn 600 công trình công cộng, cần ưu tiên sửa chữa khắc phục lại trường học, y tế, các công trình thiết yếu... để làm sao các em học sinh trở lại trường trong thời gian sớm nhất.
Đối với các công trình lớn bị hư hỏng, ưu tiên phục hồi hệ thống điện, nước, giao thông, cung cấp lương thực thực phẩm sớm ổn định đời sống nhân dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để làm được việc này trong thời gian nhanh nhất cần một số lượng khổng lồ về nhân lực thực hiện. Hiện có 2 lực lượng xung kích có thể tập trung giúp chúng ta thực hiện là Quân khu 5 và các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn. Do vậy các đơn vị phải lên kế hoạch chi tiết để thực hiện.
“Nếu không phục hồi nhanh chỉ 3, 4 ngày nữa cơn bão số 10 đổ bộ vào chúng ta sẽ không kịp ứng phó”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần ưu tiên đến việc ổn định thị trường không để người dân thiếu vật tư, lương thực thực phẩm trong thời gian tới.
Cũng trong sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 9.