| Hotline: 0983.970.780

Cận Tết, xuất nhập khẩu 'ấm' lên tại các cửa khẩu Lạng Sơn

Thứ Tư 13/01/2021 , 15:27 (GMT+7)

Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phí thu từ các phương tiện xuất nhập khẩu đầu năm 2021 tăng gần 3% so với cùng kỳ 2020.

Xe chở nông sản tại bãi xe Bảo Nguyên, cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe chở nông sản tại bãi xe Bảo Nguyên, cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Thêm cửa khẩu được thông quan

Trước ngày 4/1, chỉ có 6 trong số 11 cửa khẩu của Lạng Sơn được phía Trung Quốc nhất trí thông quan hàng hóa bao gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Na Hình và Ga Đồng Đăng. Từ 4/1 đến nay, có thêm cửa khẩu phụ Pò Nhùng được thông quan, tuy nhiên lượng phương tiện và hàng hóa chưa nhiều.

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (BQL) cho biết, kết quả thu phí 10 ngày đầu tháng 1/2021 đạt hơn 13,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ tháng 1/2020 trong khi lưu lượng xe vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào các cửa khẩu đạt gần 10.000 xe, giảm 12,3% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của việc đầu xe giảm nhưng phí thu lại tăng, theo đại diện BQL là do lượng xe giảm chủ yếu là các phương tiện chở hàng hóa thông thường, có số phí thu thấp. Trong khi đó, lượng phương tiện chở hàng tạm nhập tái xuất, có số thu phí cao lại tăng lên. Cụ thể, lượng phương tiện chở hàng tạm nhập tái xuất tăng 15,1%, kéo theo đó số phi thu được tăng 20% so với cùng kỳ 2020, tương đương 1,28 tỷ đồng.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng BQL cho biết, trong giai đoạn cận Tết hiện nay, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên biên giới đều tăng nên đơn vị đã chỉ đạo các các lực lượng phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho thông quan.

"Các cán bộ của BQL hiện nay xác định làm hết việc chứ không làm hết giờ nên việc tăng ca trong dịp Tết là thường xuyên", ông Hoàng Khánh Duy cho biết.

Trước đó, từ tháng 12/2020, BQL đã nhận được thông tin từ phía Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc về việc kéo dài thời gian thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời điểm cuối năm.

Ví dụ như, cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan thông quan từ 7-19 giờ hàng ngày (theo giờ Hà Nội), làm việc bình thường vào ngày cuối tuần và ngày lễ.

Hay như ở cặp cửa khẩu Tân Thanh – Pò Chài thì tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh – Pò Chài khu vực mốc 1088/2-1089 thông quan từ 7-19 giờ hàng ngày (theo giờ Hà Nội), làm việc bình thường vào ngày cuối tuần và ngày lễ. Còn tại luồng xuất nhập cảnh (khu vực mốc 1090-1091) thực hiện xuất nhập cảnh từ 7-20 giờ hàng ngày (theo giờ Hà Nội), làm việc bình thường vào ngày cuối tuần và ngày lễ.

Dù lượng xe giảm nhưng phí thu được vẫn tăng do lượng xe chở hàng tạm nhập tái xuất tăng. Ảnh mang tính minh họa

Dù lượng xe giảm nhưng phí thu được vẫn tăng do lượng xe chở hàng tạm nhập tái xuất tăng. Ảnh mang tính minh họa

Chủ động bình ổn thị trường dịp cuối năm

Hiện nay, các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hoá ở Lạng Sơn đã chủ động nguồn hàng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Từ cuối năm 2020, Sở Công thương Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu và lựa chọn 5 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá.

Để hỗ trợ, tỉnh tạm ứng cho các doanh nghiệp 35 tỷ đồng với lãi suất 0% để tạo nguồn hàng. Hàng hoá bình ổn là hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp với giá đảm bảo thấp hơn giá cả hàng hoá cùng loại trên thị trường từ 5 đến 10%.

Đại diện Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn cho biết: "Công ty đã chủ động ký kết hợp đồng với các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp, với khối lượng dự kiến trong năm 2021 khoảng 300 nghìn tấn. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng phân bón và một số loại giống cây trồng".

Hiện nay, các mặt hàng đang chuyển dần về tổng kho và các điểm kho thuộc các huyện để thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2021. Với việc chiếm đến 90% thị trường cung ứng phân bón của tỉnh, công ty sẽ cung ứng vật tư kịp thời với giá cả hợp lý nhất để phục vụ sản xuất cho người dân.

Ngoài bình ổn về giá vật tư nông nghiệp, việc bình ổn hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp và các ngành liên quan chú trọng.

Đại diện Sở Công thương Lạng Sơn cho biết, để thực hiện tốt chương trình, chúng tôi sẽ phối hợp với  các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát thị trường và các doanh nghiệp trong việc dự trữ hàng hoá, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên.

Bên cạnh đó, chương trình cũng tập trung ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.