Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều người dự đoán giá cả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như các loại thịt, gà… sẽ tăng đột biến do nhu cầu của người dân sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn nguyên giá như trước hoặc có tăng nhẹ.
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, thời điểm này, các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ chăn nuôi... đã sẵn sàng cung ứng sản phẩm chăn nuôi nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trước, trong và sau Tết. “Do vậy, đã làm giảm áp lực về thiếu thực phẩm, giá tăng. Cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường", ông Tám cho hay.
Trên thực tế, trong năm nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra nhỏ lẻ nên ít tác động đến việc ổn định và tăng đàn. Hiện, toàn tỉnh có 427 trang trại chăn nuôi từ quy mô lớn, vừa và nhỏ. Ngoài ra, có trên hơn 141.000 hộ chăn nuôi với số lượng vật nuôi chiếm khoảng 75% tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh.
“Các nông hộ chăn nuôi thành hàng hóa đã “điều hòa” tại thị trường nội địa, cung ứng đủ cho người tiêu dùng”, ông Tám nói thêm.
Ngày áp Tết, chúng tôi về vùng quê Thạch Bắc cách thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), khoảng 20km về phía Nam. Ông Mai Đông, Trưởng thôn cho biết, chỉ trong ngày, trong thôn đã có trên chục gia đình mổ lợn để ăn Tết.
“Cứ mỗi nhà mổ lợn là năm, bảy nhà đến đặt mua hết. Trung bình mỗi hộ cũng có 4 - 5kg thịt, xương để dành ăn Tết. Bà con cũng chăm lợn theo hướng hữu cơ nên đảm bảo chất lượng và giá cả thì bình dân, khoảng 110 - 130 ngàn đồng/kg thịt. Qua đó, bà con không phải đi chợ hay siêu thị để mua thịt lợn nữa”, ông Đông bộc bạch.
Cũng theo ông Đông, các gia đình có con em đang sinh sống ở thành phố thì mổ lợn xong là chia phần, đóng thùng xốp gửi về phố cho con cháu ăn Tết.
Mấy hôm nay, nghề mổ lợn có thu nhập cao. Ông Phan Văn Tư là người chuyên mổ lợn thuê trong vùng cho biết, các gia đình phải gọi điện mổ lợn theo giờ vì người đặt lịch rất đông. “Mỗi ngày tôi phải di chuyển trong vùng và mổ khoảng 8 - 10 con lợn có trọng lượng từ 80 đến trên 100kg với giá 300 ngàn đồng/con. Thu nhập cũng được vài triệu đồng. Ngoài ra, gia chủ còn đãi đằng món lòng lợn hay biếu chút sản phẩm lấy thảo”, ông Tư nói như khoe.
Tại Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Tâm Sen (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch), là địa chỉ nuôi lợn theo hướng hữu cơ bằng thảo dược. Chị Nguyễn Thị Hoài Sen cho hay, dịp Tết, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn hàng hóa gồm các sản phẩm từ lợn như xương, thịt, xúc xích…
“Chúng tôi cũng cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm từ tươi sống đến chế biến cho người tiêu dùng. Giá cả có tăng thêm và được thông báo trước, nhưng mức tăng cũng không đáng kể. Các sản phẩm của hợp tác xã được bán ở các điểm cửa hàng nông sản tại thành phố Đồng Hới và nhiều cơ sở bán lẻ tại huyện Bố Trạch”, chị Sen cho biết thêm.
Tại trang trại chăn nuôi tuần hoàn của anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Võ Ninh, Quảng Ninh), cũng bắt đầu xuất bán gà giống ri thả vườn. Lứa gà phục vụ dịp tết của trang trại có gần 4 ngàn con, có trọng lượng từ 1,8 đến 2kg mỗi con. “Hiện nay, trang trại chúng tôi cung ứng gà sạch, ngon với giá 100 ngàn đồng/kg. Giá này là ở mức cao hơn bình thường nhưng không đáng kể”, anh Hoàng cho biết.