| Hotline: 0983.970.780

Cẩn thận với biến chứng sỏi bàng quang

Chủ Nhật 14/08/2016 , 07:05 (GMT+7)

Sỏi bàng quang chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 số ca sỏi đường tiết niệu, là loại bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sỏi bàng quang khá đa dạng, có thể là sỏi từ thận, niệu quản (hoặc cả hai) rơi xuống. Khi sỏi đã xuống bàng quang, nếu là sỏi nhỏ, có thể được đào thải ra ngoài khi tiểu tiện; nếu sỏi lớn, sẽ nằm lại bàng quang, lâu ngày sỏi to dần lên do các cặn sỏi có sẵn trong bàng quang tiếp tục bám vào.

Một số người bị sỏi bàng quang nhưng không có biểu hiện gì đặc biệt, vì một lý do nào đó tình cờ phát hiện do siêu âm ổ bụng bởi khám bệnh định kỳ hoặc đau bụng với nguyên nhân khác. Đa số sỏi bàng quang có đái rắt nhiều lần, nhất là ban ngày do đi lại, vận động nhiều.

Trong trường hợp bàng quang bị nhiễm khuẩn (viêm bàng quang), nước tiểu đục, đôi khi nước tiểu có màu đỏ (đái máu) và có sốt nhẹ. Có thể đau bụng dưới, đái khó, đau, buốt gây khó khăn trong lúc tiểu tiện làm gián đoạn bởi các các nguyên nhân khác kèm theo (u xơ tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo…).

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng viêm bàng quang bởi sỏi to làm tổn thương niêm mạc bàng quang, khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu.

Bàng quang có chức năng chính là chứa đựng nước tiểu. Sỏi bàng quang có thể do sỏi từ thận, niệu quản theo nước tiểu đi xuống hoặc sỏi được hình thành ngay tại bàng quang do hiện tượng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.

Phần lớn bệnh nhân là nam giới, đặc biệt tập trung nhiều ở độ tuổi trên 50 do người già có tâm lý ngại đi tiểu nên thường uống ít nước, ăn ít chất xơ. Người mắc các bệnh mạn tính liên quan đến bàng quang như: viêm nhiễm hoặc đã từng điều trị ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt có khả năng mắc bệnh sỏi bàng quang cao hơn những người bình thường khác.

Một số người do công việc văn phòng quá bận rộn, không có thời gian uống nước, ngại đi tiểu,… Hoặc do bàng quang có dị tật (túi thừa bàng quang).

Sỏi bàng quang cũng có thể gặp ở người đã từng thông niệu đạo, bàng quang (do bí đái, tắc đái ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang) hoặc sau phẫu thuật đường tiết niệu, thông niệu đạo, thăm dò bàng quang. Ngoài ra, người bệnh sử dụng thuốc vitaminC, canxi… điều trị các bệnh khác cũng dễ bị sỏi bàng  quang.

Nếu sỏi kích thước nhỏ, trơn, có thể điều trị kháng sinh chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn để giúp tống sỏi ra ngoài. Với những sỏi không tự đào thải ra ngoài được thì bác sĩ thường chỉ định điều trị tán sỏi nội soi. Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp sỏi to - sỏi không thể tán được hay sỏi bàng quang có kèm theo hẹp niệu đạo, xơ cứng cổ bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, túi thừa bàng quang.

Khi có những dấu hiệu rối loạn tiểu tiện (đái rắt, đái buốt hay đái đục, đái ra máu), cần phải đi khám sớm để kịp thời điều trị, tránh biến chứng.

Phòng ngừa sỏi bàng quang, cần uống nhiều nước (khoảng 2,0 lít nước/ngày); không nên nhịn tiểu; sử dụng thực phẩm chứa ít muối; ăn nhiều rau quả tươi có chất xơ giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi niệu, hạn chế thực phẩm chứa canxi nhưng không kiêng cữ quá mức dễ dẫn đến bị loãng xương. Cần tập thể dục đều đặn, tránh ngồi một chỗ lâu hoặc lười vận động, tốt nhất là đi bộ để cơ co bóp bàng quang được hoạt động, không dùng những thuốc gây lắng đọng cặn, canxi quá liều chỉ định của bác sĩ.

(Kiến thức gia đình số 31)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Mật ong và nghệ: 9 công dụng vượt trội cho sức khỏe của bạn

Sự kết hợp giữa mật ong và nghệ là một phương pháp tự nhiên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.