Vào cuối tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cùng đoàn kiểm tra về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTT làm việc với UBND TP Cần Thơ về công tác PCTT năm 2020. Cán bộ các Sở ngành chức năng và lãnh đạo TP Cần Thơ đã báo cáo cụ thể nhiều vụ thiên tai nguy hiểm, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân xảy ra liên tiếp trên địa bàn. Đặc biệt nhiều trận mưa dông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông không còn diễn tiến theo quy luật tự nhiên.
Theo BCH PCTT - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 28 điểm sạt lở bờ sông, tăng 13 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều vụ sạt lở với quy mô, mức độ thiệt hại lớn hơn so với năm 2019. Các điểm sạt lở Tổng chiều dài hơn 1.470 m, gây thiệt hại: 11 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 67 căn khác sụp một phần và bị ảnh hưởng, ước tổng mức thiệt hại trên 16,7 tỷ đồng. Đặc biệt vào ngày 10/6 vừa qua vụ sạt lở nghiêm trọng một bên mố cầu Rạch Cam tại quận Bình Thủy đã chia cắt tuyến giao thông tỉnh lộ 918.
Đáng lo ngại hơn, qua khảo sát TP Cần Thơ hiện có 171 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài trên 179.000 m, ảnh hưởng sinh cư gần 3.200 căn nhà cần phải di dời. Trong khi vùng ĐBSCL đang vào mùa mưa, mùa nước sông Cửu Long đang dâng lên và báo động khẩn cấp các đợt triều cường sắp tới đe dọa các cụm, tuyến dân cư trong khu vực nguy hiểm.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về vấn nạn sạt lở bờ sông, nhiều vụ sạt lở xảy ra liên tiếp không còn theo quy luật tự nhiên như trước đây. PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Sạt lở ở ĐBSCL đang có khuynh hướng gia tăng. Theo ghi nhận từ các địa phương, một số tỉnh khác trong vùng cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở, với mức độ gia tăng trong thời điểm giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa.
Theo ông Tuấn, bên cạnh việc khai thác cát quá mức, sự thay đổi dòng chảy của các con sông còn thêm nguyên nhân khác từ đợt hạn hán khốc liệt ở ĐBSCL hồi đầu năm 2020 vừa qua. Lúc đó mực nước trên các con sông rút xuống rất thấp. Điều này làm cho đất bị co lại. Cộng thêm sự tác động từ phía các công trình ở thượng nguồn làm cho tình trạng sạt lở gia tăng ngay khi mùa mưa đến.
Cùng tham gia đoàn khảo sát một số điểm nóng sạt lở bờ sông trên địa bàn TP Cần Thơ vừa qua, ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nhận xét: Các vụ sạt lở ở Cần Thơ vừa qua cho thấy có nhiều điểm chung. Trước tiên có thể nhận ra do áp lực đất đai, dân cư ở đô thị nên người dân xây cất nhà cửa sinh cư gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn nên tạo điều kiện sạt lở xảy ra. Bên cạnh đó phần lớn các khu vực ven bờ sông có nền đất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất và người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Nhưng nguyên nhân chính vẫn bởi điều kiện tự nhiên, vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố tác động dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, ĐBSCL đang vào mùa nước nổi báo động tình trạng sạt lở bờ sông sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dữ dội hơn khi nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ mạnh về hệ thống sông Cửu Long.
Trước mắt UBND TP Cần Thơ kiến nghị BCĐ Trung ương về PCTT và các Bộ, ngành quan tâm xem xét, hỗ trợ khoảng 580 tỉ đồng thực hiện các công trình kè chống sạt lở kiên cố tại khu vực trọng yếu, có nhiều nguy cơ xảy ra sụp lở có tổng chiều dài trên 4 km dọc theo bờ sông Ô Môn, sông Bình Thủy, kênh Giáo Dẫn, sông Trà Nóc…