| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả nguồn vốn ODA trong nông nghiệp

46.000 tỷ đồng hiện đại hóa hệ thống thủy nông

Thứ Năm 13/08/2020 , 07:01 (GMT+7)

Từ nguồn vốn ODA 2,3 tỷ USD (tương đương khoảng 46.000 tỷ đồng), trong thập kỷ qua, Bộ NN-PTNT đã sử dụng hiệu quả để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi.

Trạm bơm Nghi Xuyên do Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ảnh: CPO Thủy lợi.

Trạm bơm Nghi Xuyên do Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Ảnh: CPO Thủy lợi.

Những hồ chứa đạt tiêu chuẩn quốc tế

Nhắc đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực nông nghiệp, chắc chắn không thể bỏ qua những công trình hồ chứa quan trọng.

Trải qua thời gian dài khai thác không được bảo trì, sửa chữa, cả nước hiện có khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có khoảng 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, cần được đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách.

Các hồ chứa này tiềm ẩn nguy cơ cao bị sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du đập, đặc biệt khi xuất hiện mưa lũ lớn, cực đoan.

Nhiều hồ chứa được xây dựng những năm sau chiến tranh, quá trình thiết kế, thi công thiếu cán bộ chuyên môn, trình độ kỹ thuật lạc hậu và nguồn vốn đầu tư có hạn dẫn đến không đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động rõ nét đến an toàn đập, hồ chứa nước ở nước ta. Tính từ đầu năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa. Mới đây nhất, ngày 28/5/2020 xảy ra sự cố vỡ hồ Đầm Thìn (ở Phú Thọ).

Nhiều công trình xuống cấp ở hạng mục công trình đầu mối, cống, tràn xả lũ, các cấu kiện xây đúc bị nứt, vỡ suy giảm cường độ chịu lực... khi mực nước dâng cao, lượng nước thấm qua các vị trí nứt hoặc tổ mối tăng lên gây vỡ đập (Đồng Đẻn, Đá Bàn, Khe Làng, hồ 271...).

Hệ thống tổ máy bơm hiện đại của Trạm bơm Nghi Xuyên (Hưng Yên). Ảnh: CPO Thủy lợi.

Hệ thống tổ máy bơm hiện đại của Trạm bơm Nghi Xuyên (Hưng Yên). Ảnh: CPO Thủy lợi.

Giai đoạn từ 2003 đến nay, Chính phủ và các địa phương đã đầu tư gần 16.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa nước.

Trong đó, nguồn vốn vay ODA thông qua các dự án WB3, WB5, WB7, ADB Tây Nguyên đã nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa lớn. Việc tính toán lũ đã được áp dụng tiêu chuẩn khuyến cáo của Hội Đập lớn Thế giới (ICOLD) như hồ Dầu Tiếng, Cấm Sơn, Yên Lập, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Bến Châu, Đồng Nghệ, Hòa Trung, Đá Bàn...). Chỉ trong năm 2013 và 2014, chúng ta đã sử dụng khoảng 1.450 tỷ đồng cho 71 hồ, hỗ trợ các địa phương 950 tỷ đồng xử lý cấp bách cho 93 hồ.

Vốn ODA là gì?

Ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban Quản lý Các dự án Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, ODA là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức gồm các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và trả nợ của các cơ quan chính thức thuộc các nước và các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ dành cho Việt Nam.

Ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những ngành sớm tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA ngay từ khi quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế được nối lại vào năm 1993.

Dự án Dầu Tiếng (Tây Ninh) do Chính phủ Kuwait tài trợ đã được thực hiện từ năm 1978 là một trong những dấu mốc tiêu biểu.

Cống Bào Chấu thuộc tiểu dự án hệ thống thủy lợi Tiểu vùng X - Nam Cà Mau. Ảnh: CPO Thủy lợi.

Cống Bào Chấu thuộc tiểu dự án hệ thống thủy lợi Tiểu vùng X - Nam Cà Mau. Ảnh: CPO Thủy lợi.

Bộ NN-PTNT đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động vận động và thu hút nguồn vốn ODA để hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện phát triển kinh tế, xã hội của ngành và các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Trong lĩnh vực thủy lợi, việc thu hút và sử dụng vốn ODA liên tục được duy trì ở mức cao, chiếm hơn 45% tổng vốn ODA trong các lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT.

Ông Phạm Đình Văn chia sẻ, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 – 2020), nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ có ý nghĩa quan trọng.

Trong giai đoạn này, nguồn vốn đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD đã và sẽ hỗ trợ xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng ở các vùng miền trên cả nước, vừa phục vụ phát triển nông nghiệp, đời sống dân sinh và cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp như vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ (dự án ADB5, WB7, JICA2...).

Đồng thời, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho khu vực miền Trung như xây dựng, kiên cố đê sông, đê biển, cảng tránh trú bão, an toàn hồ chứa (WB5, WB8); xây dựng hạ tầng cơ sở cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (WB6, WB9, GMS1...), dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập – WB8 tại 34 tỉnh, thành phố.

Ông Phạm Đình Văn - Trưởng ban Quản lý các dự án Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Phạm Đình Văn - Trưởng ban Quản lý các dự án Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đã đạt hiệu quả rất cao, điển hình như tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít của tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long (xây dựng các cống Vũng Liêm, Tân Dinh, Bông Bót) với tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng được thi công và hoàn thành vượt tiến độ, phục vụ đắc lực trong việc ngăn mặn, giữ ngọt khi hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử xảy ra vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Cùng với các công trình trong hệ thống đã kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho khoảng 28.500ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long và huyện Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh.

Đồng thời, hệ thống giúp chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh đó, thông qua các dự án vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật của các nước đối tác đã tăng cường năng lực cho ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho ngành.

Khai thác hiệu quả nguồn vốn ODA

Ông Phạm Đình Văn cho biết, việc huy động, quản lý và sử dụng ODA cũng như nguồn vốn vay đã và đang thay đổi rất nhiều so với phương thức tiếp cận của các đối tác phát triển và các chính sách vĩ mô của đất nước.

Nguồn vốn ODA sẽ giảm và được thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu đãi, đồng thời kết hợp với các khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế như GEF, GCF, UNDP...  Do đó, để tận dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ quan trọng này trong lĩnh vực thủy lợi, cần có những điều chỉnh cụ thể hơn.

Cụ thể, các dự án vốn vay cần xây dựng theo hướng không đơn thuần là dự án đầu tư công ích như trước đây mà phải hướng đến khả năng mang lại lợi nhuận cạnh tranh. Hiệu quả kinh tế sẽ là thước đo chính thay cho giải quyết vấn đề an sinh xã hội đơn thuần.

Công trình tiêu cống Diễn Thành (xây dựng mới) là một hạng mục công trình chính trong Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (JICA).

Công trình tiêu cống Diễn Thành (xây dựng mới) là một hạng mục công trình chính trong Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An, được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (JICA).

Các dự án tương lai mang tính tổng hợp, không chỉ bó hẹp trong phạm vi thủy lợi như truyền thống. Các nội dung đề xuất chủ yếu cần gắn với khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là coi trọng hơn đến giai đoạn vận hành công trình hậu dự án.

Bên cạnh đó, các khoản viện trợ phi chính phủ sẽ được dùng chủ yếu vào mục đích hỗ trợ khẩn cấp, các hỗ trợ phát triển nhỏ ở các khu vực có tỷ lệ nghèo cao.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, qua thống kê cho thấy, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là hai nhà tài trợ chính cả về số dự án và số vốn tài trợ cũng như quy mô dự án. Bình quân dự án WB có quy mô tài trợ 150 triệu USD, lớn nhất là 415 triệu USD. Các dự án của WB do nguồn vốn lớn nên có phạm vi rộng, nhiều tỉnh tham gia.

Các dự án của WB thường tập trung cho các công trình hạ tầng quy mô lớn, nhà tài trợ này quan tâm và đã có nhiều nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cách tiếp cận tổng hơp, đa mục tiêu.

Đối với ADB, bình quân dự án có quy mô 85 triệu USD, lớn nhất là 170 triệu USD; số tỉnh tham gia dự án thường ít hơn so với WB. Hiện nay đối với các dự án mới, ADB thường chỉ đưa vào dưới 5 tỉnh nhằm mục đích tạo thuận lợi cho công tác quản lý dự án, đồng thời đảm bảo lượng vốn tài trợ cho một tỉnh không quá nhỏ.

Thời gian tới ADB sẽ tiếp tục là đối tác tài trợ chính cho khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tập trung chủ yếu cho các công trình hạ tầng quy mô nhỏ và vừa.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.