Để sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 diễn ra thành công, tạo dấu ấn đối với bà con nông dân, với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì hội nghị báo cáo công tác tổ chức, để rà soát lại toàn bộ nội dung sự kiện.
Chuẩn bị cho hoạt động trình diễn: công nghệ, vận hành máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại áp dụng trong sản xuất nông nghiệp bền vững, các mô hình canh tác lúa thông minh, trình diễn bón phân sinh học, sản xuất giống lúa nguyên chủng… Viện Lúa ĐBSCL, đã dành khoảng 20 ha đồng ruộng, với 9 mô hình có sự tham gia của 8 đơn vị trình diễn. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 4.000 đại biểu, bà con nông dân, chuyên gia tham gia.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tiến hành 59 mô hình trình diễn canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, mô hình sạ cụm… tại 134 điểm trình diễn trên quy mô diện tích gần 135 ha.
Tại các Trung tâm Khuyến nông vùng ĐBSCL cũng đã thực hiện trình diễn 25 mô hình, dự án khuyến nông ở các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi thú y, thủy sản... quy mô hơn 2.074 ha.
Đi kèm với hoạt động trình diễn cơ giới thực nghiệm trên đồng ruộng là một loạt các hội thảo quốc tế, hội thảo chuyên đề về: Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững, tổng kết chương trình CORIGAP, tham vấn xây dựng Trung tâm cơ giới hóa vùng ĐBSCL, cơ giới hóa sản xuất trái cây tại tỉnh Tiền Giang và cơ giới hóa trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng. Các hội thảo sẽ diễn ra xuyên suốt từ ngày 22/8 – 25/8/2022.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, lưu ý nội dung các hội thảo phải đảm bảo bám sát tình hình thực tế, thể hiện được vai trò của đào tạo nguồn nhân lực cho cơ giới hóa đồng bộ. Qua đó giúp bà con nông dân và doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là sự kiện quốc tế trọng điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2022, mang đậm dấu ấn đặc biệt của vùng ĐBSCL. Đây còn là cơ hội để người dân có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ hiện đại. Thông qua sự kiện lần này còn tạo sân chơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, công nghệ hiện đại, thúc đẩy trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, mọi công tác chuẩn bị cần chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo diễn ra thành công.
Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung và cơ giới hóa trong nông nghiệp nói riêng như: Chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho người mua máy móc, thiết bị nông nghiệp, hay chính sách miễn thuế VAT đối với việc nhập máy móc, thiết bị chuyên dụng trong nông nghiệp… Chủ trương về phát triển cơ giới hóa đã được Bộ NN-PTNT phát động. Thế nhưng, so với mức thu nhập của lao động nông nghiệp trung bình khoảng 43 triệu đồng/người/năm, dẫn đến việc ứng dụng cơ giới hóa còn rất hạn chế. Điều này đòi hỏi, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, nhằm tiến tới số hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp là giải pháp tất yếu.
Sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 lần này sẽ như một thông điệp mạnh mẽ kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Chuỗi sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nông nghiệp bền vững” do Bộ NN-PTNT, UBND TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG) đồng tổ chức.
Mục tiêu của sự kiện nhằm mở rộng quy mô ứng dụng nông nghiệp 4.0 và các công nghệ thông minh thông qua trình diễn trực tiếp về cơ giới hóa và nông nghiệp kỹ thuật số. Đồng thời đề xuất các chính sách và lộ trình cho việc ứng dụng công nghệ để chuyển đổi kinh tế nông nghiệp bền vững, phù hợp với bối cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng quốc gia.