Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư, và được phép xuất khẩu sầu riêng dạng quả tươi sang nước bạn.
Cấp thêm 37 mã
37 mã này nằm trong nhóm 49 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc yêu cầu cung cấp thêm tài liệu xác minh trong đợt đánh giá toàn diện bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kéo dài gần hai tháng và kết thúc hồi đầu tháng 9/2022.
Khi đó, Việt Nam đề xuất 126 mã số vùng trồng, 44 mã số cơ sở đóng gói và được phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói.
Rút kinh nghiệm từ đợt kiểm tra trước, người dân, HTX và doanh nghiệp đã khắc phục được một số lỗi như: đặt bẫy bả sinh học; lưu giữ hồ sơ ghi chép, kiểm tra; có biện pháp ngăn chặn các sinh vật gây hại tái nhiễm và phòng tránh bụi bẩn dính trên bề mặt quả; có dụng cụ che chắn khi vận chuyển nguyên vật liệu từ khu vực vườn trồng đến cơ sở đóng gói…
Tính cả hai đợt, Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã. Con số này được Cục Bảo vệ thực vật dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.
Việc có thêm 37 mã số, trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, thể hiện sự hợp tác, chia sẻ giữa hai bên. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua nhân viên của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hầu hết làm việc tại nhà.
Tuy nhiên, phía bạn vẫn phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để không làm gián đoạn giao thương hai nước, trong đó có cam kết xem xét, đánh giá những mã số cần rà soát và cung cấp thêm tài liệu.
Được cấp thêm mã, sầu riêng Việt Nam chắc chắn sẽ rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật chỉ lưu ý doanh nghiệp, HTX và người dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp nông sản Việt nói chung giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu.
Tạo mọi điều kiện thông thoáng
Trong năm 2022, Việt Nam ký 4 nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch với Trung Quốc cho các sản phẩm: chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến. Tiếp nối thành công bước đầu này, các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT, trong đó có Cục Bảo vệ thực vật, đã phát triển, mở rộng hơn nữa cho những chuỗi giá trị ngành hàng.
Với sầu riêng, một nông sản có giá trị cao, Cục đánh giá, việc được Trung Quốc cấp thêm mã số chứng tỏ khả năng cung cấp hàng hóa dồi dào, đảm bảo chất lượng từ phía Việt Nam.
Trong niềm vui này, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và địa phương tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.
Về phía Cục, đơn vị cam kết đơn giản hóa và hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật cho doanh nghiệp, HTX xuất khẩu; đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như chất lượng sầu riêng trước khi thông quan.
“Chúng tôi kêu gọi các ban, ngành, địa phương chung tay tạo điều kiện để người nông dân thúc đẩy xuất khẩu nông sản, trong đó có sầu riêng”, Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ.
Tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng
Tại thị trường Trung Quốc, người dân chưa hết cơn sốt sầu riêng. Năm 2021, nhập khẩu sầu riêng tươi của nước này tăng 42,7% so với năm 2020, lên 821.600 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 82,4%, lên 4,2 tỷ USD. Cả sản lượng và kim ngạch đều đứng đầu trong danh mục trái cây nhập khẩu. So với năm 2017, Trung Quốc hiện nhập khẩu sầu riêng tăng khoảng 4 lần và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay.
Sự bùng nổ về nhu cầu sầu riêng tại Trung Quốc được thúc đẩy bởi Hiệp định RCEP. Quốc gia này có thể nhập khẩu trái cây tươi từ các nước Đông Nam Á dễ dàng hơn dựa trên thuế suất ưu đãi và vị trí địa lý tương đối thuận lợi. Ở chiều ngược lại, khu vực Đông Nam Á hưởng lợi từ quy định ưu tiên thông quan hàng hóa dễ hư hỏng. Với sầu riêng, ngành hàng sẽ giảm đáng kể chi phí và giữ được độ tươi ngon lâu hơn.
Nhu cầu liên tục tăng nhưng sức cạnh tranh tại thị trường tỉ dân cũng rất quyết liệt. Khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sầu riêng hồi tháng 9, hai bạn hàng lớn, truyền thống của Trung Quốc là Thái Lan và Malaysia chưa vào vụ. Do đó, bà con nông dân bán được trái cây với giá cao.
Tuy nhiên, tình hình nhiều khả năng thay đổi khi Thái Lan và Malaysia vào vụ thu hoạch. Cục Bảo vệ thực vật khuyên người dân, doanh nghiệp phải tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng, tránh tính trạng thua lỗ hoặc chờ hỗ trợ tiêu thụ giống một số nông sản trong quá khứ. Đặc biệt, toàn ngành hàng cần tính toán kỹ chi phí và giá bán, bởi không phải lúc nào Việt Nam cũng trong cảnh "một mình một chợ" như 3 tháng trước.
Hiện nhiều tỉnh ở Việt Nam mở rộng diện tích trồng sầu riêng nhưng lại không nắm chắc thông tin cung - cầu, trong đó có thị trường số một Trung Quốc. Chưa có dự báo nào về cơn sốt sầu riêng tại đây sẽ kéo dài bao lâu, trong khi người nông dân phải chờ khoảng 5 năm để cây sầu riêng cho thu hoạch. Nếu có biến động thị trường trên quy mô lớn, bà con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.
Trước thực tế này kết hợp mục tiêu tăng cường công tác quản lý của ngành bảo vệ thực vật khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, Cục Bảo vệ thực vật cam kết nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách hành chính, chỉ đạo điều hành để công tác quản lý được thống nhất, thông suốt, đạt hiệu lực, hiệu quả.
Xuất khẩu sầu riêng tăng chóng mặt
Xuất khẩu sầu riêng đang tăng rất mạnh kể từ sau khi có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10/2022, các mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc bao gồm: sầu riêng đạt 49,9 triệu USD, cao gấp 42,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; thanh long đạt 33,0 triệu USD, giảm 25,9%; mít đạt 14,4 triệu USD, giảm 6,5%; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%; dừa đạt 4,5 triệu USD, tăng 26,4%; xoài đạt 4,4 triệu USD, giảm 34,7%; chanh leo đạt 2,1 triệu USD, giảm 45,9% …
Như vậy, trong tháng 10, sầu riêng đã vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.
Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 151,7 triệu USD, chiếm 49% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 64,4% so với tháng trước và tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD (chiếm 43,9% thị phần), giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, nhờ tăng trưởng rất mạnh kể từ sau khi có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc, sầu riêng đã vượt qua xoài, chuối để trở thành mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau thanh long.
Trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng đi tất cả các thị trường đạt 79 triệu USD, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 294 triệu USD, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng trái cây, tăng rất mạnh so với mức 7,6% trong 10 tháng năm 2021.