| Hotline: 0983.970.780

Không minh bạch hóa thông tin, nông sản Việt sẽ bị ‘tuýt còi’

Thứ Bảy 10/12/2022 , 08:15 (GMT+7)

'Nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc 'tuýt còi', qua đó ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam', ông Lê Thanh Hòa lưu ý.

Diễn đàn trực tuyến 'Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc'.

Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc”.

Ngày 7/12 vừa qua, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) - Bộ NN-PTNT đã chủ trì tổ chức Diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu; nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, 249. Diễn đàn đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã...

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Sau diễn đàn, Ban Tổ chức tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi gửi đến các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn các quy định mới về thị trường Trung Quốc. Đáp ứng những yêu cầu đó, sáng 10/12, Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 tiếp tục tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” với kỳ vọng tiếp tục giải đáp những thắc mắc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để việc sản xuất cũng như xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân được thuận lợi.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp với điểm cầu chính ở Báo Nông nghiệp Việt Nam tại Hà Nội; Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TP. HCM cũng như các điểm cầu tại Sở NN-PTNT các tỉnh thành; cùng với nhiều đại biểu tham dự là các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã; các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia trên nền tảng Zoom.

Tất cảTổng thuật

11 giờ 40 phút

Không minh bạch hóa thông tin, nông sản Việt sẽ bị ‘tuýt còi’

ong le thanh hoa

Phát biểu tiếp thu, tổng kết Diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa (ảnh), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng các địa phương cần tăng cường phối hợp một cách chặt chẽ với Cục BVTV để có thể minh bạch hóa từng thông tin cụ thể về mùa vụ.

“Từng vùng, từng địa phương từ Đắk Lắk, Đắk Nông đến Tiền Giang, Bến Tre cần minh bạch hóa thông tin về thời gian, sản lượng từng vụ để cung cấp thông tin. Từ đó Cục BVTV cũng như Tổng cục Hải quan Trung Quốc có thể giám sát, thực hiện xuất khẩu nông sản theo đúng quy trình, mã số”, ông Lê Thanh Hòa phân tích.

Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý, nếu không thực hiện nghiêm chỉnh, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng phía Trung Quốc “tuýt còi”, qua đó ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết, các cơ quan của Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp để xây dựng các quy trình thực hành tốt cho từng loại hoa quả để đảm bảo việc xuất khẩu cũng như đảm bảo các yêu cầu mà nước bạn đưa ra.

“Nếu trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra ô nhiễm vi sinh vật cũng như dữ liệu hóa chất, chúng ta vẫn có thể đáp ứng được những cái yêu cầu đặt ra”, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ.

Chia sẻ thêm những thông tin về xuất khẩu sản phẩm tổ yến Việt Nam chính ngạch sang Trung Quốc, ông Lê Thanh Hòa cho biết, cần phải đăng ký cơ sở theo mã số. Những yêu cầu liên quan đến giám sát an toàn với cơ sở sơ chế cũng như những vùng nuôi phổ biến, những vấn đề liên quan đến giám sát dịch bệnh, các đơn vị cần có liên kết với Cục Thú y được hướng dẫn cũng như kiểm tra, đánh giá. Sau đó cần có báo cáo một cách minh bạch.

“Về sản phẩm tổ yến, các doanh nghiệp, cơ sở cần phải đảm bảo các quá trình chế biến theo đúng yêu cầu. Cần phải xử lý và gia nhiệt trong môi trường nước khoảng 70 - 80 độ C trong vòng 3,5 giây”, ông Lê Thanh Hòa lưu ý thêm.

11 giờ 25 phút

'Vấn đề trà trộn sản phẩm là vấn đề thiên niên kỷ'

chim yen

Một dây chuyền sản xuất yến tinh chế. Ảnh: TTXVN.

Ông Đỗ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi, Cục Chăn nuôi trả lời một số câu hỏi liên quan đến nuôi yến.

Về vấn đề thứ nhất, chủ nhà yến có thể đăng ký cung cấp cho nhiều công ty xuất khẩu vì Nhà nước không quy định cung cấp cho một hay nhiều đầu mối. Điều này phụ thuộc vào chuỗi liên kết mà nhà yến đã cam kết với doanh nghiệp xuất khẩu. Nội dung liên quan đến quá trình giám sát từ khai thác, sơ chế, nhà nuôi và tình trạng pha trộn hàng, ông Hoan khẳng định, việc giám sát cơ sở nuôi và cơ sở chế biến, đóng gói đã có những quy định chặt chẽ, cam kết đối với Trung Quốc.

Đối với cơ sở nuôi yến phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách sang Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, phải được cơ quan Thú y giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle, có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến và thu hoạch tổ yến. Sổ sách giúp sản lượng, lượng bán, người xuất khẩu có thông tin của mình để truy xuất ngược lại có trà trộn hàng vào hàng xuất khẩu hay không.

Đối với cơ sở chế biến cần được Cục Thú y thẩm định và giám sát về ATTP. Cục Thú y sẽ xây dựng kế hoạch giám sát các nhà yến và cơ sở chế biến, tại cơ sở chế biến phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc. Công cụ truy xuất nguồn gốc do các chuỗi xuất khẩu xây dựng và thiết lập và giám sát toàn bộ thành viên từ khâu thu mua, khai thác, xét nghiệm, đóng gói, vận chuyển.

“Vấn đề trà trộn sản phẩm vẫn có, và đây là vấn đề thiên niên kỷ”, ông Hoan cho biết.

Liên quan đến chi phí xét nghiệm yến cao, ông Hoan cho biết khởi đầu xuất khẩu sang Trung Quốc có thể phải đầu tư nhiều, trong quá trình giám sát, số lượng xét nghiệm có thể nhiều lên và kéo theo chi phí cho xét nghiệm tăng. Ông cũng ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp về việc đề nghị Nhà nước hỗ trợ việc xét nghiệm phục vụ xuất khẩu sau này.

11 giờ 15 phút

Xây dựng cơ chế phối hợp giám sát mã số vùng trồng giữa địa phương và Cục BVTV

vung trong thanh long

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; mô hình liên kết các bên sản xuất – thu mua; cơ chế phối hợp với Cục BVTV khi phát hiện cạnh tranh không lành mạnh, gian lận mã số vùng trồng (Qua đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, thậm chí thu hồi theo quy định nếu doanh nghiệp, vùng trồng gian dối).

Các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, vùng trồng thực hiện nghiêm các cái hướng dẫn của Công văn 1501 của Cục BVTV ban hành ngày 02/06/2022 để bảo vệ các mã số cùng trồng, mã cơ sở đóng gói đã được cấp, tránh việc cho phép sử dụng mã số không đúng quy định, nhất là vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi và gây ảnh hưởng đến các cái uy tín của nông sản Việt.

11 giờ 05 phút

Cần sự hỗ trợ từ các bên để người nông dân ổn định hệ thống sản xuất

trong chuoi

Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn GAP, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã nhận thấy một số khó khăn thực tiễn do áp lực về chi phí, môi trường, điều kiện vật chất.

Ông Bùi Phước Hòa, đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng cần có sự thay đổi tư duy đối với người sản xuất. Thay vì đáp ứng các yêu cầu của bên đánh giá, cấp phép, làm đối phó, mục tiêu của việc áp dụng các quy trình GAP là để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm, ổn định chất lượng, từ đó chứng thực nguồn hàng, bán với giá cao.

Người nông dân thông thể nắm bắt hết thông tin về yêu cầu, tiêu chuẩn, các Nghị định thư. Họ cần sự trợ giúp kịp thời từ các cán bộ kĩ thuật để tiếp cận thông tin. Các cán bộ kĩ thuật có thể đến từ các chương trình, hiệp hội, được kết nối, tiếp nhận thông tin để từ đó hỗ trợ nông dân.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”, các nhà phân phối, xúc tiến thương mại nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ thông tin lại cho các HTX, từ đó người nông dân sẽ có định hướng đúng để thực hiện sản xuất. “Thực tế chúng ta đã thấy. Các vườn đang chặt bỏ cây trồng quý để trồng sầu riêng. Nhưng do trồng mới, giống chưa xác định, người sản xuất chưa xác định tiêu chuẩn để làm theo, cơ sở đóng gói chưa rõ ràng. Khi sản xuất ồ ạt, chúng ta sẽ phải 'giải cứu'. Như vậy, cần có một chính sách chung cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị có chức năng, nghiệp vụ để liên kết và giúp ổn định hệ thống”, ông Bùi Phước Hòa chia sẻ.

10 giờ 55 phút

Có tình trạng nhiễu thông tin trong giá bán sầu riêng giữa doanh nghiệp và HTX

sau rieng

Đang có tình trạng nhiễu thông tin trong giá bán sầu riêng giữa doanh nghiệp và HTX (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T Group cho biết tập đoàn lần đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Trong quá trình triển khai theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, Vina T&T đã triển khai các vùng trồng tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước..., cam kết với các hộ dân mua giá cao hơn so với giá thị trường từ 1.000 - 3.000 đồng tùy khu vực và tình hình.

Tuy nhiên, ông Phú nêu vấn đề bất cập trong quá trình buôn bán, các doanh nghiệp không có cơ sở đóng gói thông báo mua giá cao hơn 5.000 - 20.000 đồng, điều này đã gây nhiễu thông tin trong quá trình mua bán của công ty với các HTX, nông hộ.

“Công ty cũng đã có khuyến nghị với nông dân rằng, khi xây dựng được mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, mã này sẽ được bán ra cho doanh nghiệp, được ký xác nhận với chính quyền xã, hộ thành viên và HTX, xác nhận nguồn hàng và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Phú cho biết.

“Hiện tại có một số doanh nghiệp lợi dụng sự không hiểu biết của người dân, ký giấy ủy quyền để làm mã sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng trồng và triển khai cho việc xuất khẩu”, ông Phú nêu vấn đề.

Theo đại diện Công ty Vina T&T, phía công ty hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng miễn phí, hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn để vùng trồng đạt chứng nhận VietGAP, đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc. Như vậy, công ty mong muốn nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc liên kết nông dân, HTX với doanh nghiệp.

10 giờ 45 phút

Mong ước đưa nông sản Việt ra khắp năm châu

ba tra my

Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, TS. Trà My (ảnh), Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho biết thị trường 1,4 tỷ dân không hề "dễ tính".

“Dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, con em kiều bào Việt Nam vẫn luôn hướng về cội nguồn. Và chúng tôi thể hiện tình yêu nước bằng hành động dùng cả tâm huyết để đưa từng sản phẩm nông sản Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế”, bà Trà My mở đầu tham luận.

Tuy nhiên, bà Trà My cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường 1,4 tỷ dân, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.

Thứ hai, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. “Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Bà con kiều bào rất tự hào khi được góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới”, bà Trà My chia sẻ.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.

Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam nên “nhập gia tùy tục”. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Chính vì vậy, Việt Nam cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng nên là 2,6,8.

Thứ năm, những doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài nên mở văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Trung Quốc.

TS. Trà My cũng thông tin thêm, hiện nay, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ thương hiệu, logo trước khi vào thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ không gian trưng bày cho những thương hiệu nông sản Việt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tại Gian hàng quốc gia Việt Nam tại Trung Quốc.

Đối với các tỉnh thành có nguồn nông sản lớn, Hội sẵn sàng tham gia chào hàng với những doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất Trung Quốc.

“Với tâm tư của một người con xa quê hương gần 20 năm, dù ở bất kỳ quốc gia nào, chúng tôi đều hi vọng trong một ngày không xa, trên các siêu thị ở nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm Made in Vietnam. Bà con kiều bào trên khắp thế giới đều sẵn sàng chung tay để đưa nông sản Việt đi khắp năm châu”, bà Trà My bày tỏ.

10 giờ 35 phút

Sớm khuyến cáo về tiêu chuẩn phía Trung Quốc để thuận lợi cho việc xuất khẩu

sau-rieng-dong-lanh-3

Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.

Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, đối với công ty nói riêng và chung của toàn ngành rau củ quả thực phẩm, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn, tuy nhiên với thị trường này chưa có xúc tiến thương mại đầu tư tập trung hơn để xứng đáng với quy mô.

Thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng.

“Để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao”, ông Nghĩa cho biết. Theo đó, đại diện Công ty Đồng Giao đưa ra hai kiến nghị:

Thứ nhất, sớm hay muộn đối với thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn thì sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.

Thứ hai, riêng đối với sầu riêng, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 - 15.000 USD/tấn sản phẩm.

“Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, thì nhu cầu trong ngành rau, củ, quả sẽ tăng lên rất cao. Nếu chúng ta sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này thì sẽ rất tốt”, ông Nghĩa cho biết.

10 giờ 25 phút

Kiến nghị kiểm soát chặt mã số vùng trồng

Ông Trần Văn Thắng, đại diện HTX Nông nghiệp Xanh Krông Pắc, Đắk Lắk kiến nghị cơ quan quản lý kiểm soát chặt mã số vùng trồng để đảm bảo uy tín và chất lượng cho nông sản Việt nói chung và sầu riêng nói riêng. Bên cạnh các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng,…

HTX mong muốn được tiếp cận được thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc như mẫu mã, độ ngọt, màu sắc,…

10 giờ 20 phút

Đồng Nai kêu gọi phát triển ngành hàng trái cây, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch

chuoi xk

Sơ chế chuối trước khi đưa đi xuất khẩu.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết Đồng Nai có lợi thế lớn về cây chuối, diện tích khoảng 13.000 ha với 14 mã số vùng trồng đã được cấp, và khoảng 19 mã cơ sở đóng gói. Về sầu riêng, đến thời điểm hiện tại, diện tích đạt khoảng 10.000 ha (trong đó có 7 mã số vùng trồng với khoảng 500 ha) và có 3 mã cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành chuối và sầu riêng Đồng Nai còn tồn tại một số thách thức.

Thứ nhất, nguồn giống trong thời gian vừa qua gặp phải hai vấn đề. Phần lớn các giống chuối là giống nhập từ Trung Quốc và một số nguồn khác, chủ yếu là chuối già Cavendish. Về giống sầu riêng, theo thông tin từ các nhà xuất khẩu tại địa phương, dù vẫn là giống Dona nhưng so với giống của Thái Lan, giống sầu riêng đang được gieo trồng tại Đồng Nai vẫn có sự chênh lệch cả về chất lượng, tỉ lệ ăn được lẫn mẫu mã.

Thứ hai, do thiếu thông tin về thị trường nên đầu ra chưa ổn định. Do thiếu các tín hiệu từ thị trường, sản xuất tại Đồng Nai có sự chênh lệch lớn so với nhu cầu của các nước xuất khẩu.

Thứ ba, khả năng ứng dụng công nghệ của các vùng trồng còn hạn chế, dẫn đến việc chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến khâu thu mua nông sản. Quá trình thu mua rất khó kiểm soát giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhà sản xuất và xuất khẩu.

Về quan điểm, tỉnh Đồng Nai nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân triển khai việc liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thông qua các chính sách hiện có của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ đảm bảo nhân lực và tài lực để duy trì hướng dẫn, tập huấn cho người sản xuất; kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng, vận hành mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói cũng như áp dụng Lệnh 248, 249. Tỉnh Đồng Nai đã đề xuất với Cục BVTV thực hiện một lễ xuất khẩu lô hàng đầu tiên cho chuối và sầu riêng đi đường chính ngạch.

10 giờ 05 phút

5 kiến nghị 'vàng' của doanh nghiệp Trung Quốc

sau-rieng-1059_20220908_131-162158

Xử lý sầu riêng trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã đưa ra 5 đề xuất cho việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu vi phạm quy định; về quy trình đóng gói, bán hàng cũng yêu cầu nghiêm ngặt. Đồng thời ông Wang khuyến nghị trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.

Do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

“Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, sầu riêng Việt Nam đã từng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra. Việc xảy ra những tình trạng này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang bày tỏ.

Thứ tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc. Cho dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.

“Thứ năm, chúng tôi sẽ khởi động dự án ‘Chợ trái cây quốc tế’ tại Trung Quốc trong năm nay và điểm dừng chân đầu tiên sẽ là địa điểm thường trực của Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN: Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24 tháng này, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc!

Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc. Những người bạn Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi sau cuộc họp để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này”, ông Bob Wang thông tin.

9 giờ 55 phút

Sầu riêng Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan nhờ canh tác rải vụ

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An cho biết, ưu thế của sầu riêng Việt Nam so với Thái Lan là khả năng trồng rải vụ, sản lượng không chỉ nhiều lên mà còn có thể cung ứng quanh năm cho thị trường nhập khẩu, cụ thể là Trung Quốc.

Do đó, ông Huy đề xuất các cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình canh tác rải vụ đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu để phát huy tối đa lợi thế.

9 giờ 45 phút

Ứng dụng số hóa để quản lý mã số cơ sở chăn nuôi yến

ong do van hoan

Đại diện Cục Chăn nuôi, ông Đỗ Văn Hoan (ảnh), Phó Trưởng phòng Giống vật nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi Luật Chăn nuôi ban hành và có hiệu lực, năm 2021 có khoảng trên 22 ngàn nhà yến. Sản lượng tổ yến khoảng 200 tấn/năm. Định hướng năm 2030 đạt 150,000 tấn tổ yến thô.

Việc xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc chính ngạch đã được nêu ở Nghị định thư ký ngày 9/11/2022 giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các nhà nuôi yến xuất khẩu phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc thông qua hồ sơ. Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước có nhiều nghị định, quy định, thông tư chi tiết yêu cầu về quy định nhà nuôi, điều kiện sơ chế, chất lượng tổ yến...

“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi hướng tới cấp đăng ký nhà yến theo hệ thống phần mềm, căn cứ Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính để cấp mã số và Thông tư 20/2019- BNNPTNT quy định về cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi”, ông Hoan cho biết.

nuoi chim yen

Để thực hiện chuyển đổi số, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng phần mềm để cập nhật cơ sở dữ liệu cơ sở chăn nuôi, và cơ sở thức ăn chăn nuôi. Như vậy, ngoài đăng ký bằng đơn bình thường, Cục cũng có hệ thống để các cơ sở có thể đăng ký trực tuyến.

Ông Hoan giới thiệu về việc khởi động Hệ thống tại trang web https://csdlchannuoi.mard.org.vn tích hợp toàn thể lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thú y, BVTV và đến nay có sở dữ liệu về chăn nuôi đã sẵn sàng tiếp nhận đăng ký của cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có cơ sở nuôi yến.

Về ứng dụng quản lý cho xuất khẩu tổ yến, ông Hoan cho biết, hiện nay đã có một số ứng dụng phần mềm truy xuất toàn bộ quá trình từ thông tin nhà yến, thông tin khai thác, thu mua, dán tem truy xuất đến quá trình xuất khẩu...những yêu cầu này về cơ sở dữ liệu là bắt buộc trong Nghị định thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến.

9 giờ 25 phút

Chọn tạo nhiều giống sầu riêng, chanh leo kháng bệnh hỗ trợ ngành hàng trái cây

GIỐNG SẦU RIÊNG

Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu, trọn tạo nhiều giống cây trồng cải tiến, khắc phục được các điều kiện thiếu hụt trong canh tác tại ĐBSCL.

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng ÐBSCL gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm, sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt 4,15 triệu tấn.

Tuy nhiên, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh, Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định, việc sản xuất cây ăn quả tại ĐBSCL vẫn gặp nhiều khó khăn như: Nguồn giống chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; Xâm nhập mặn, hạn hán, ngập lụt; Bùng phát dịch hại mới; Kho lạnh bảo quản chưa nhiều…

Để khắc phục những hạn chế trên, Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu, trọn tạo nhiều giống cây trồng cải tiến, khắc phục được các điều kiện thiếu hụt trong canh tác tại ĐBSCL. Trong đó, Các dòng/giống chanh leo có triển vọng được Viện khảo nghiệm có khối lượng quả >80g, thịt quả vàng đậm, vị ngọt thơm, độ Brix >18%, cho năng suất cao; 13 giống/dòng chịu mặn (8 dòng/giống và con lai CCM, 5 giống xoài); 7 giống gốc ghép chống chịu ngập (2 giống xoài, 5 giống bưởi); 4 giống gốc ghép CCM chống chịu bệnh thối rễ; 4 giống gốc ghép sầu riêng chống chịu với nấm Phytophthora; 3 giống sầu riêng có khả năng chịu mặn ở nồng độ 2‰ trong điều kiện nhà lưới vào 35 ngày sau khi xử lý mặn (Lá quéo, Chanee và Khổ qua xanh).

Bên cạnh chọn tạo giống, Viện Cây ăn quả miền Nam đang nghiên cứu nhiều chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác an toàn, công nghệ sau thu hoạch,…

9 giờ 15 phút

Minh bạch hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nhập chú thích ảnh

Việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam

Chia sẻ những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Ths. Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kĩ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết, việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn VietGAP là các điều kiện và quy định về hoạt động của cơ sở sản xuất; Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất; An toàn lao động và điều kiện làm việc. Đánh giá về những mối nguy tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội đối với người sản xuất và tiêu chuẩn truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Thông tin về vấn đề quản lý sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc, Ths. Ngô Xuân Chinh cho biết, sản phẩm trước và sau thu hoạch cần phải được phân tích theo các chỉ tiêu về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV theo Thông tư 50/2016/TT-BYT, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm theo QCVN 8-1:2011/BYT.

Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất.

Đối với công tác đào tạo, ông Chinh cho biết, trước khi làm việc, người lao động của tổ chức, cá nhân phải được thông báo về những nguy cơ liên quan đến sức khoẻ và điều kiện an toàn. Người lao động phải được tập huấn (nội bộ hay bên ngoài) về VietGAP hoặc có kiến thức về VietGAP ở công đoạn họ trực tiếp làm việc.

Đại diện Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cũng lưu ý, tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổ chức kiểm tra nội bộ theo các yêu cầu của VietGAP không quá 12 tháng một lần. Khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục. Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 3 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.

Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất. Kết quả kiểm tra và hành động khắc phục các điểm không phù hợp với VietGAP phải lập văn bản và lưu hồ sơ.

9 giờ 05 phút

Lưu ý hiệu lực Thông tư danh mục để tránh chỉ đạo, sử dụng sai thuốc BVTV

ong nguyen thanh hai

Hằng năm, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành mới danh mục mới trong đó có thể bổ sung hoặc loại bỏ một số các loại thuốc, hoạt chất mới, sinh vật gây hại, phương pháp xử lý mới.

Ngày 2/12, Bộ trưởng NN-PTNT đã ký ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT về Danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, quá trình chỉ đạo sản xuất, tra cứu hiện nay vẫn áp dụng theo Thông tư số 19/2021/TT-BNNPTNT.

Phổ biến Danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hải (ảnh), Phó Trưởng phòng Thuốc BVTV, Cục BVTV lưu ý: “Trong quá trình tra cứu qua các ứng dụng cần lưu ý thời gian hiệu lực của Thông tư danh mục để tránh sử dụng và chỉ đạo các loại thuốc đã bị loại bỏ, không đúng theo quy định gây ảnh hưởng tới sản phẩm của mình”.

Hiện nay có 2 cách tra cứu danh mục, trên các trang web của cục, Bộ và tra cứu qua ứng dụng Thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh. Cục BVTV đã ban hành Công văn số 2159 gửi các Sở NN-PTNT liên quan đến việc hướng dẫn, cung cấp một số thông tin về các loại thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam theo Thông tư danh mục năm 2021 trên một số cây trồng có tiềm năng xuất khẩu và đã xuất khẩu sang một số thị trường lớn, trong đó có thị trường Trung Quốc.

Theo ông Hải, việc tra cứu trên ứng dụng sẽ nhanh và tiện hơn vì ứng dụng cung cấp đầy đủ thông tin về liều lượng, thời gian cách ly, giúp các nhà vườn xem trước thời điểm xử lý dịch hại, thời gian cách ly để lựa chọn phù hợp cho đối tượng sinh vật gây hại.

8 giờ 50 phút

Doanh nghiệp khẩn trương bổ sung thông tin đăng ký theo Lệnh 248 trước ngày 30/6/2023

ba phuong hoa

Trao đổi về yêu cầu của Trung Quốc về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, bà Nguyễn Thị Phương Hoa (ảnh), đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu ngày càng khắt khe và liên tục cập nhật, bổ sung mới.

Doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm vào Trung Quốc cần đáp ứng điều 5, Lệnh 248 gồm: Thuộc Quốc gia có hệ thống quản lý ATTP được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đánh giá tương đương; Được thành lập và chịu sự giám sát hiệu quả của cơ quan có thẩm quyền quốc gia đó; Thiết lập hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, hợp pháp tại quốc gia đó và đảm bảo thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các luật và quy định liên quan và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Lưu ý, các doanh nghiệp đã được cấp mã số xuất khẩu năm 2021 cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 trước ngày 30/6/2023 (Doanh nghiệp có thể xem Thông báo số 2359/BVTV-ATTPMT ngày 11/8/2022 đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật).

Bên cạnh đó, các đơn vị đăng ký cấp mã số xuất khẩu mới cũng như bổ sung thông tin năm 2021 thực hiện theo hướng dẫn tại Công số 953/BVTV-ATTPMT ngày 13/4/2022, đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật.

8 giờ 40 phút

Nông sản Việt muốn đi Trung Quốc cần tuân thủ những yêu cầu gì?

thanh long

Thanh long là một trong những loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Chia sẻ về một số lưu ý về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, khoai lang, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, đại diện Cục BVTV thông tin.

Hiện nay, Trung Quốc đưa ra 5 yêu cầu về vùng trồng xuất khẩu sang nước bạn. Đó là phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); Bộ NN-PTNT sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi cán bộ kỹ thuật; phải lưu trữ hồ sơ giam sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

Còn đối với các cơ sở đóng gói, cần phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói phải bảo quản ở khu vực riêng biệt không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác.

Đồng thời, phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải in bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung tên vùng trồng, tên cơ sở đóng gói, mã số đăng ký…

Bên cạnh đó, trên hộp ghi dòng chữ tiếng Trung hoặc tiếng Anh: “Exported to the People’s Republic of China” (输往中华人民共和国).

Khu vực đóng gói phải vệ sinh sạch sẽ và phải có nền cứng. Vật liệu đóng gói phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Vật liệu đóng gói bằng gỗ tuân thủ ISPM 15. Container chứa khoai lang phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và phải được khủ trùng.

Theo đó, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Nếu phát hiện đất, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy.

Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống khác, hoặc tìm thấy tàn dư thực vật, lô hàng sẽ được xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy.

Nếu phát hiện trường hợp không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nhập khẩu khác của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị xử lý theo luật và quy định có liên quan.

8 giờ 30 phút

Kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân

anh Cao

Ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định mục đích của diễn đàn nhằm kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc.

Mở đầu Diễn đàn, ông Trần Văn Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp mặc dù có những khó khăn nhưng vẫn có những bước tăng trưởng nhất định, đặc biệt là xuất khẩu.

Năm 2022 là năm mở cửa thị trường, với sự nỗ lực của Cục BVTV, Cục Thú y và các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT. Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT đã ký nhiều Nghị định thư quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến và thông báo nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, một trong những yêu cầu của các quy định này là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý về ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Mục đích tổ chức diễn đàn nhằm kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm vững các quy định của thị trường Trung Quốc về ATTP, yêu cầu về mã vùng trồng, vùng nuôi, quy trình cấp mã số cơ sở nuôi chim Yến và các biện pháp quản lý mã số; tổ chức sản xuất; Phổ biến Danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam vừa được Bộ NN-PTNT ban hành.

Diễn đàn kết nối nông sản 970, với chủ đề Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc mời đến nhiều chuyên gia từ Cục BVTV, Cục Chăn nuôi, Văn phòng SPS Việt Nam... và các địa phương, doanh nghiệp, HTX trao đổi về quá trình thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường để tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.