| Hotline: 0983.970.780

Cần ứng xử phù hợp khi quyết tâm xóa nhà kính nội ô Đà Lạt

Chủ Nhật 12/02/2023 , 17:49 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Chính quyền và người dân có thể tham khảo kinh nghiệm từ Tehran (Iran) trong việc quy hoạch những khu nhà kính đồng bộ, bài bản.

Một trong những mục tiêu của ngành nông nghiệp Lâm Đồng là tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện lân cận. Định hướng này được giới chuyên gia cũng như nhiều người yêu Đà Lạt ủng hộ. Song song với việc bảo vệ môi trường, trả lại bộ mặt cho đô thị du lịch, cần đảm bảo lợi ích kinh tế của nông dân, doanh nghiệp.

Quyết tâm xóa nhà kính

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 với kinh phí 176,8 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời.

Ảnh minh họa 1: Nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc phát triển tràn lan đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường và đô thị. Ảnh: Gia Bình

Nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp nhưng việc phát triển tràn lan đang để lại nhiều hệ lụy về môi trường và đô thị. Ảnh: Gia Bình.

Theo đề án, đối với diện tích nhà kính xây dựng trái quy định mà người dân canh tác ổn định trước năm 2016, sau khi giải tỏa, được trồng cây nông nghiệp nhưng phải là cây đa mục đích, cây công nghiệp. Đối với diện tích lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây, sau khi giải tỏa, bắt buộc phải khôi phục lại rừng bằng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích.

Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho thấy, sau gần 30 năm phát triển nhà kính, đến nay, diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 4.476ha. TP Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh.

Trong đó, tổng diện tích nhà kính, nhà lưới xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp cần giải tỏa, tháo dỡ của địa bàn tỉnh là 118,244ha. TP Đà Lạt có khoảng 73,98ha nằm trong danh sách giải tỏa, chiếm 34,3% tổng diện tích nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép cần tháo dỡ. Tính đến hết tháng 1/2023, tỷ lệ diện tích nhà kính, nhà lưới xây dựng trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa được giải tỏa, tháo dỡ chiếm khoảng 17,3%.

Đến thời điểm hiện tại, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các địa phương đã tháo dỡ khoảng 97,77ha, đạt 82,69% tổng diện tích cần giải tỏa. Các địa phương đã hoàn thành là TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Di Linh, Đam Rông. Còn lại, tỷ lệ diện tích nhà kính, nhà lưới cần tháo dỡ ở huyện Lạc Dương mới đạt 19%, huyện Đức Trọng đạt 80%.

Lâm Đồng có thể tham khảo kinh nghiệm từ Tehran (Iran) trong việc quy hoạch những khu nhà kính đồng bộ, bài bản. Ảnh: tehrantimes.com

Lâm Đồng có thể tham khảo kinh nghiệm từ Tehran (Iran) trong việc quy hoạch những khu nhà kính đồng bộ, bài bản. Ảnh: tehrantimes.com.

Ngoài việc rà soát, giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và nguồn nước, khu vực công trình an ninh, quốc phòng, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô Đà Lạt và các huyện lân cận so với thực trạng của năm 2022. Đến năm 2030, giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô Đà Lạt so với năm 2022.

Đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp

Không thể phủ nhận những lợi ích mà nhà kính mang lại, song sự gia tăng nhanh chóng số lượng nhà màng, nhà kính nhưng bất tuân quy củ đã khiến cho cảnh quan, môi trường của địa phương bị biến dạng nghiêm trọng, đặc biệt là ở TP Đà Lạt.

Chia sẻ về hệ quả nhà kính “bủa vây” Đà Lạt, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của NgoViet Architects & Planners cho biết, nhà màng, nhà kính là nguyên nhân khiến hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng. Bởi vậy, những năm gần đây, TP Đà Lạt có thêm “đặc sản” ngập lụt. Đây là điều đáng tiếc với vùng đất cao nguyên nổi tiếng ôn hòa, thanh bình như Đà Lạt.

sự tăng trưởng nóng của nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch quy củ đã khiến bộ mặt đô thị Đà Lạt trở nên nhếch nhác

Đà Lạt có sự tăng trưởng nóng của nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch quy củ đã khiến bộ. Ảnh: Minh Hậu.

Không chỉ gây ra ngập lụt, sự tăng trưởng nóng của nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch quy củ đã khiến bộ mặt đô thị Đà Lạt trở nên nhếch nhác. Cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp lãng mạn phần lớn bị che khuất sau những khu nhà màng, nhà kính trắng xóa khổng lồ.

Bởi vậy, việc giảm dần và xóa bỏ nhà kính, đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn là những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra. Song, cần có những giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và hài hòa lợi ích.

TS Trần Sĩ Chương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân sự Le & Associates, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư HDI, nguyên là cố vấn kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng, ngoài quy hoạch cứng, Đà Lạt cần có thêm bản quy hoạch mềm, đó là cân bằng lợi ích giữa chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, sao cho thuận tình, thuận lý và hài hòa lợi ích kinh tế giữa các bên mới tiến tới ổn định, bền vững.

“Đằng sau những khu nhà kính, nhà lưới trắng xóa chính là nhu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống chính đáng của hàng trăm nghìn người dân. Vậy làm thế nào để phát triển kinh tế mà không ảnh hưởng đến cảnh quan, khí hậu, môi trường?”, TS Trần Sĩ Chương đặt vấn đề.

mua-lon-gay-ngap-lut-dien-rong-lu-quet-cuon-troi-cong-an-vien-7

Ngập lụt đang trở thành "đặc sản" thường trực ở Đà Lạt mộng mơ. Ảnh: ST.

Trả lời câu hỏi này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, Đà Lạt có thể chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và sinh thái, kết hợp du lịch nông nghiệp. Ông đề xuất chính quyền và người dân có thể tham khảo kinh nghiệm từ Tehran (Iran) trong việc quy hoạch những khu nhà kính đồng bộ, bài bản.

“Bên cạnh mỗi khu nhà kính sẽ xen kẽ khu trồng ngoài trời để đảm bảo cảnh quan vẫn có những mảng xanh và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng và ngập lụt như thực tế từng diễn ra ở Đà Lạt”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Đồng thời, để đảm bảo sinh kế cho người dân, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt có thể tham khảo thêm mô hình làng sinh thái ở Amsterdam (Hà Lan), nơi đã xây dựng những nhà kính xen kẽ nông trại ngoài trời để giải quyết vấn đề ngập úng và kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái.

Các chuyên gia quy hoạch nhận định, Lâm Đồng cũng như Đà Lạt rất cần bản quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, để sau 100 năm, thậm chí 200 năm vẫn còn phù hợp. “Thậm chí, đôi lúc chúng ta phải hi sinh lợi ích ngắn hạn, trung hạn để hướng đến tương lai bền vững”, TS Trần Sĩ Chương nêu quan điểm.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.