| Hotline: 0983.970.780

Cần xem lại trách nhiệm, năng lực vận hành hồ Vực Mấu

Thứ Bảy 01/10/2022 , 20:02 (GMT+7)

Phải khẩn trương kiểm tra, xem xét lại hiệu quả, trách nhiệm, trình độ năng lực trong công tác chỉ đạo, quản lý, vận hành hồ Vực Mấu, tỉnh Nghệ An.

Do ảnh hưởng của bão số 4, những ngày qua, ngập lụt đã xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Đặc biệt tại thị xã Hoàng Mai, một phần do mưa lớn, cộng với việc hồ thủy lợi Vực Mấu ở đây xả lũ với cường độ lớn, dồn dập trong thời gian ngắn gây ngập lụt nghiêm trọng.

Do hồ Vực Mấu xả lũ rất lớn, nước lũ trên sông Mai Giang lên rất nhanh, tràn bờ, gây ngập lụt, có nơi ngập sâu tại nhiều địa bàn ven sông Mai Giang như xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh; các phường Mai Hùng, Quỳnh Thiện…, dân không kịp trở tay.

Hồ Vực Mấu ào ạt xả lũ trong bối cảnh mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho nhiều nơi ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) những ngày qua. Ảnh: Hồ Sỹ Đài.

Hồ Vực Mấu ào ạt xả lũ trong bối cảnh mưa lớn đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho nhiều nơi ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) những ngày qua. Ảnh: Hồ Sỹ Đài.

Người dân ở đây hẳn sẽ không thể nào quên trận “đại hồng thủy” do ảnh hưởng của cơn bão số 10 xảy ra vào những ngày đầu tháng 10/2013 đã gây thiệt hại vô cùng tàn khốc về người và tài sản, trong đó có sự “góp công” khiến tình trạng lũ lụt kinh hoàng do hồ Vực Mấu xả lũ. Đợt ấy, hồ Vực Mấu xả lũ ồ ạt ngay trong đêm, người dân nhiều nơi ở thị xã Hoàng Mai nửa đêm còn ngủ say, bỗng thấy lưng ướt sũng, tỉnh giấc mới thấy nước lũ đã ngập tới giường ngủ.

Hầu như năm nào cũng vậy, cứ tới mùa mưa bão là hàng trăm nghìn dân của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) lại nơm nớp với hồ thủy lợi Vực Mấu xả lũ. Mới năm ngoái đây thôi, trong khoảng ngày 25 – 26/9/2021, do mưa lớn, cộng với hồ Vực Mấu xả lũ, cũng đã khiến người dân nhiều nơi ở thị xã Hoàng Mai một phen hú vía, phải lùa gà lợn, bê đồ đạc chạy lũ trong đêm, rất may là sau đó mưa ngớt nên lũ rút.  

Mỗi lần xảy ra sự cố do xả lũ, các đơn vị quản lý, vận hành hồ Vực Mấu luôn khẳng định việc vận hành xả lũ… đúng quy trình! Đúng quy trình, nhưng tại sao gần như cứ năm nào có mưa lớn, là hồ Vực Mấu lại xả lũ và “chung tay” gây ra tình trạng lũ lụt, khiến người dân không kịp trở tay, chịu cảnh “màn trời chiếu đất”?

Một hộ chăn nuôi tại xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) nghẹn ngào vì trang trại chăn nuôi bị thiệt hại nặng do ngập lụt. Ảnh: Việt Khánh.

Một hộ chăn nuôi tại xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai) nghẹn ngào vì trang trại chăn nuôi bị thiệt hại nặng do ngập lụt. Ảnh: Việt Khánh.

Vực Mấu là hồ thủy lợi được xây dựng từ trước năm 1980, không phải là hồ mới nên những cơ quan chuyên ngành về thủy lợi, phòng chống thiên tai ở địa phương cũng như các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa này hẳn đã phải “nằm lòng” những dữ liệu về lịch sử mưa, về quan trắc lưu vực, về quy luật phát sinh lũ cũng như cập nhật những rủi ro, nguy cơ khi có mưa lớn, từ đó tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, phù hợp, linh hoạt.

Tháng 9, tháng 10 thường là mùa mưa bão ở miền Trung. Hiện nay, thông tin dự báo bão, mưa, cảnh báo lũ đã có từ rất sớm và ngày càng chính xác. Vì vậy, lẽ ra đơn vị quản lý, theo dõi, vận hành hồ cần phải chủ động theo dõi sát dự báo về khí tượng thủy văn trong mùa mưa lũ, nhất là dự báo, cảnh báo mưa lớn để sớm đưa ra kịch bản ứng phó.

Đặc biệt, cần phải tính toán, kết hợp với dự báo, cảnh báo mưa để định lượng khả năng mưa ở lưu vực hồ, lượng nước từ lưu vực đổ về trong các kịch bản dự báo có mưa lớn nhằm xem xét, chủ động xả lũ sớm để hạ mực hồ đón lũ khi có mưa lớn, chứ không phải cứ tới khi nước lũ đổ về, có nguy cơ gây mất an toàn hồ thì mới ồ ạt xả lũ.

Trở lại với diễn biến mưa lũ và vận hành xả lũ của hồ Vực Mấu do ảnh hưởng của bão Noru vừa qua, thực tế thì từ đầu tháng 9/2022, tại Nghệ An đã xảy ra các đợt mưa lớn, trong đó có lưu vực của hồ Vực Mấu đã có mưa to khiến mực nước hồ dâng lên nhanh. Trước tình hình đó, ngày 8/9/2022, Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An) đã có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An xin phép được mở 1 – 2 cửa tràn từ chiều ngày 8/9. Điều này cho thấy trước khi có bão số 4, hồ Vực Mấu đã căn bản tích đủ nước.

Nước sông Mai Giang tràn bờ, gây ngập nặng hoàng loạt khu vực ở thị xã Hoàng Mai khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Thanh Thủy.

Nước sông Mai Giang tràn bờ, gây ngập nặng hoàng loạt khu vực ở thị xã Hoàng Mai khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Thanh Thủy.

Trước và trong cơn bão số 4 (Noru), cơ quan khí tượng thủy văn đã nhiều lần phát đi cảnh báo từ rất sớm về việc các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ có đợt mưa lớn. Không hiểu đơn vị quản lý hồ Vực Mấu nắm bắt cảnh báo để điều chỉnh mực nước hồ thế nào mà lại ngay trong khi mưa đang xối xả tại Nghệ An sau bão, đặc biệt là tại khu vực Thị xã Hoàng Mai trong các ngày 29 – 30/9, thì hồ Vực Mấu cũng đồng thời xả lũ ồ ạt tới 3 cửa xả, thậm chí ngay trong ngày 30/9 đã có thông báo cho phép mở thêm cửa xả thứ 4 (tất cả các cửa xả), khiến cho thị xã Hoàng Mai ngập càng thêm ngập nặng, người dân phải “vắt chân lên cổ” chạy lũ.

Ngay từ khi bão Noru xuất hiện, từ ngày 25/9, trước dự báo bão sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới miền Trung nước ta, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã sớm có Công điện số 1518/CĐ-TCTL-QLCT về việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đề phòng ảnh hưởng của bão số 4 tại các tỉnh khu vực Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Gia Lai, Kon Tum.

Theo đó, nội dung Công điện đã đề nghị các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp quản lý công trình thủy lợi phải chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo mưa, bão của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.

Các khu dân cư tại phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) bị ngập sâu ngày 30/9 khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Trang Lý.

Các khu dân cư tại phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) bị ngập sâu ngày 30/9 khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: Trang Lý.

Đối với các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Với các hồ chứa có mức trữ cao, các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến để có phương án vận hành phù hợp; kịp thời xử lý tình huống bất thường…

Như vậy, chỉ đạo trong việc vận hành hồ chứa trong cơn bão Noru, cơ quan quản lý ở cấp Trung ương là rất rõ ràng và có từ rất sớm. Không chỉ trong cơn bão Noru, mà việc chủ động có phương án vận hành, điều tiết hồ chứa nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo vệ trước hết về tính mạng và tài sản cho nhân dân cũng là tinh thần trên hết trong công tác ứng phó với thiên tai mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên lưu ý, chỉ đạo.

Điều này đặt câu hỏi, trước mùa mưa bão năm nay nói chung và ngay trước cơn bão Noru nói riêng, các cơ quan chỉ đạo trong phòng chống thiên tai ở Nghệ An đã thực sự sâu sát? Đơn vị quản lý, vận hành hồ Vực Mấu đã vận hành ra sao, có thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của cơ quan Trung ương trong việc chủ động tính toán để đưa ra phương án xả nước để hạ mực nước hồ trước mùa mưa lũ, trước dự báo có mưa lũ lớn hay không, hay chờ tới khi có mưa lớn, nước lũ ào ào đổ về, có nguy cơ mất an toàn hồ chứa rồi mới cuống cuồng xả lũ ồ ạt, gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du?

Cần phải khẩn trương kiểm tra, xem xét lại hiệu quả, trách nhiệm, trình độ năng lực trong công tác chỉ đạo, quản lý, vận hành hồ Vực Mấu trong thời gian tới, nhất là khi mùa mưa bão ở miền Trung trong năm nay mới chỉ bắt đầu.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.