Số liệu của Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 41.980 ha, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm 2019. Tổng cục Thủy sản cảnh báo hiện tượng ô nhiễm hữu cơ môi trường nuôi trồng thủy sản.
Trong diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh, nhiều nhất tôm nuôi nước lợ với hơn 39.000 ha; đặc biệt là cá tra bị thiệt hại hơn 1.000 ha, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm 2019. Báo cáo từ các địa phương ĐBSCL, diện tích tôm thả nuôi đến nay 708.436 ha (bằng 102% cùng kỳ năm 2019); trong đó tôm sú 621.544 ha, bằng 103,3% cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng 84.519 ha, bằng 90,3% cùng kỳ và ô nhiễm hữu cơ môi trường nuôi tôm đã xuất hiện ở nhiều tỉnh.
Thực trạng ô nhiễm ở “trung tâm công nghiệp tôm”
Tỉnh Bạc Liêu đang xây dựng “trung tâm công nghiệp tôm cả nước”, đến tháng 9/2020 thả nuôi 130.905 ha tôm nước lợ (bằng 99,08% cùng kỳ). Trong đó, nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh 18.400 ha (94,36% cùng kỳ), nuôi quảng canh cải tiến 112.505 ha (99,9% cùng kỳ). Riêng nuôi siêu thâm canh đã có 8 công ty và 331 hộ dân thả 1.228,76 ha.
Tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 8.510 ha, so với cùng kỳ tăng 48,52%, ở tất cả các hình thức nuôi. Trong đó, thiệt hại từ 30 - 70% là 4.488ha, tập trung chủ yếu ở nuôi quảng canh cải tiến; trên 70% là 4.022 ha, tập trung chủ yếu ở nuôi siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. So với tổng diện tích thả giống, tỷ lệ bị thiệt hại chiếm 6,3%; riêng thâm canh và bán thâm canh chiếm 22,2%.
Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, độ mặn tăng rất cao làm các yếu tố môi trường biến động vượt mức giới hạn cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh. Riêng vùng bắc Quốc lộ IA, tôm chết nhiều trong tháng 3 - 5 và tháng 7, 8 do phần lớn người nuôi không chú trọng cải tạo, xử lý ao đầm đúng kỹ thuật, ao nuôi không giữ được mực nước cần thiết, không bố trí diện tích ao lắng trữ nước nên không chủ động được nguồn nước cấp khi cần thiết.
Trong năm 2020, Chi cục Thủy sản Bạc Liêu triển khai quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh và vùng đệm Công ty Việt Úc Bạc Liêu với tổng số tuyến kênh được chọn thu mẫu là 14 và 8 ao đại diện cho vùng nuôi. Thời gian quan trắc từ tháng 3, đến nay đã thu 113 mẫu nước kênh cấp và 64 mẫu nước ao nuôi đại diện của các vùng. “Kết quả quan trắc cho thấy: Đối với kênh cấp, các chỉ tiêu NH4+, COD, độ mặn, DO, TSS, Vibrio parahaemolyticus của 5/8 tuyến kênh thường xuyên vượt giới hạn cho phép. Đối với ao đại diện các chỉ tiêu COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus thường xuyên vượt ngưỡng cho phép”, Chi cục cho biết. Trong đó có nhiều thông số chỉ thỉ ô nhiễm hữu cơ.
Cảnh báo của Tổng cục Thủy sản
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020 giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II phối hợp với các tỉnh ĐBSCL triển khai quan trắc môi trường tại 37 điểm vùng nuôi tôm nước lợ thuộc 5 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết quả quan trắc cho thấy tần suất các thông số nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, nitrite, ammonia, phosphate, TSS, COD, Vibrio sp., Vibrio parahaemolyticus vượt giá trị cho phép trên vùng quan trắc phục vụ nuôi tôm nước lợ tập trung lần lượt là 8%, 2,5%, 38,5%, 2,5%, 2,0%, 36%, 24,5%, 2,5%, 54%, 14%, 45%, 73,5% và trên vùng nuôi tôm phục vụ xuất khẩu là 5,9%, 7,0%, 48,5%, 1,8%, 0,4%, 35,7%, 35,4%, 15,8%, 59,6%, 13,2%, 37,5%.
Tổng cục Thủy sản lưu ý, lưu vực được quan trắc thuộc tỉnh Cà Mau có thông số ammonia, phosphate và nitrite cao hơn giới hạn cho phép, có hiện tượng ô nhiễm hữu cơ. Các điểm quan trắc thuộc Bạc Liêu có hàm lượng TSS tăng rất cao đồng thời hàm lượng oxy hoà tan thấp.
“Các thông số chỉ thị ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ như ammonia, nitrite, phosphate, COD và các thông số vi sinh như Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus thường xuyên cao hơn giới hạn cho phép tại Cà Mau và Bạc Liêu. Hầu hết các chất chỉ thị ô nhiễm cao tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Các thuỷ vực thuộc Bạc Liêu trong mùa gió chướng có xói lở bờ bao gây ô nhiễm cục bộ, các thuỷ vực thường xuyên có làm lượng TSS và các chất chỉ thị ô nhiễm cao”, Tổng cục Thủy sản phân tích.
Từ phân tích trên, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: “Dự báo trong các tháng cuối năm 2020, khu vực ĐBSCL bước vào giai đoạn mưa, lũ, khả năng mật độ bão hoạt động trên khu vực Biển Đông gia tăng so với các tháng đầu năm. Trong thời gian mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ về lớn, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, rác và các chất thải khác từ nhà máy, sinh hoạt của cộng đồng, thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng chảy ra sông… làm nguồn nước bị ô nhiễm, gây biến động các yếu tố môi trường ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi”.