| Hotline: 0983.970.780

Lời thề giữ rừng của người Mông Nà Hẩu

Thứ Hai 13/01/2025 , 14:23 (GMT+7)

YÊN BÁI Cứ đến dịp xuân về, đồng bào Mông ở Nà Hẩu lại nô nức chuẩn bị cho Tết rừng, một nghi lễ thiêng liêng nhằm bảo vệ nơi che chở và nuôi sống dân bản.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên) hiện còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên) hiện còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ảnh: Thanh Tiến.

Mái nhà chung của hơn 500 hộ dân

Theo quan niệm của người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, rừng là nguồn sống, là mái nhà che chở và chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Vì vậy, đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, tại những cánh rừng thiêng, đồng bào Mông nơi đây lại tổ chức lễ cúng rừng (hay còn gọi là Tết rừng). Đây là một nghi lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và có ý nghĩa quan trọng để cầu Thần rừng phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Xã Nà Hẩu nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, với diện tích tự nhiên hơn 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của hơn 500 hộ dân với trên 2.500 nhân khẩu. Dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng mái nhà chung ấy bao đời nay vẫn được các thế hệ dân làng đồng lòng gìn giữ bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác.

Những cánh rừng được lực lượng Kiểm lâm và người dân địa phương bảo vệ tốt trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cánh rừng được lực lượng Kiểm lâm và người dân địa phương bảo vệ tốt trong thời gian qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Chúng tôi theo đoàn công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu vào một ngày ngày cuối năm, cái lạnh se sắt bao trùm cả núi rừng, mưa phùn lâm thâm kèm theo những cơn gió nhẹ càng làm nhiệt độ ở vùng non cao này thêm lạnh giá.

Di chuyển trên chiếc xe bán tải đoạn đường dài chừng hơn 30 km từ trung tâm huyện Văn Yên vượt qua nhiều đoạn đường quanh cua dốc đứng đến Nà Hẩu. Dọc 2 bên đường chúng tôi tận mắt chứng kiến những cây gỗ to 2 - 3 người ôm vẫn đứng hiên ngang như minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của khu bảo tồn này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên thao thao kể về lịch sử của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu trên cả đoạn đường. Đây là khu rừng nguyên sinh có lịch sử lâu đời, cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, hệ thực vật rừng có gần 400 loài, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, tại đây có hơn 70 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa...

Bà Tuyết là người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Tuyết là người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng ở Văn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2006, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu mới được thành lập, tuy nhiên bà con đã sinh sống ở đây từ lâu. Người dân trong các bản làng đã lập ra hương ước, quy ước trong việc bảo vệ và đưa ra lệ thưởng phạt rõ ràng đối với ai vi phạm. Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm, tình trạng lấn chiếm, phát phá rừng giảm mạnh.

Xây dựng hương ước bảo vệ rừng

Xuống xe, chúng tôi đi bộ theo lối đường mòn, bám dây leo và những bụi cây ven đường để khám phá khu rừng. Trời mưa phùn nên cây cỏ ướt đẫm, các đoạn dốc trơn trượt, dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ tiến sâu vào rừng được khoảng 2 cây số đã mệt bở hơi tai. Không uổng công khi được mục sở thị khu rừng rất đẹp và hoang sơ, được bao phủ bởi một hệ sinh thái đa dạng, với những cây cổ thụ cao lớn, thảm thực vật xanh mướt, không khí trong lành. Tiếng chim hót líu lo hòa quyện với tiếng suối chảy róc rách tạo thành bản nhạc tự nhiên nhẹ nhàng. Những ngày mùa đông, rừng càng trở nên huyền bí với những làn sương mù mờ ảo bao phủ mọi ngóc ngách, làm cho cảnh vật trở nên thanh bình, yên ả hơn.

Thảm thực vật trong rừng cho thấy ít có sự tác động của con người. Ảnh: Thanh Tiến.

Thảm thực vật trong rừng cho thấy ít có sự tác động của con người. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau khi khám phá một góc rừng, chúng tôi xuống núi đến thăm gia đình ông Sùng Nhà Páo ở thôn Bản Tát. Nhà ông Páo là một trong những hộ dân đến vùng đất này sớm nhất.

Người đàn ông ngoại thất tuần nhớ lại, năm 1986 khi đến đây vẫn còn hoang sơ, muông thú rất nhiều, bốn xung quanh đều là rừng già với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Lúc đó, cả bản chỉ lưa thưa vài nóc nhà, dần dần mọi người thấy nơi đây màu mỡ nên đã di cư đến ngày càng đông. Thời gian đầu, cuộc sống rất khó khăn, mọi người đều sinh tồn nhờ rừng, nhiều người cũng vào rừng chặt cây làm nhà, làm nương rẫy trồng sắn, trồng ngô, săn bắt thú để làm thức ăn…

Ông Páo là một trong những người đến định cư sớm ở vùng đất này. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Páo là một trong những người đến định cư sớm ở vùng đất này. Ảnh: Thanh Tiến.

Hầu hết người dân trong xã đều hiểu được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mình và bản làng. Vì vậy, trải qua nhiều đời chung sống hoà thuận với rừng, dân bản đặt ra những quy định, hương ước được cộng đồng tôn trọng thực hiện, duy trì từ đời này sang đời khác trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng.

Theo ông Sùng A Sàng, Phó chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, Tết rừng không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn thiết thực góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái.

Nguồn nước trong rừng đảm bảo cung ứng cho đồng bào sinh hoạt và gieo cấy lúa nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguồn nước trong rừng đảm bảo cung ứng cho đồng bào sinh hoạt và gieo cấy lúa nước. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong Tết rừng, các thôn bản sẽ tổ chức Hội thề giữ rừng để đánh giá kết quả công tác bảo vệ rừng, tuyên dương các gia đình làm tốt và nhắc nhở, phê bình các hộ làm chưa tốt. Mọi người cùng nhau cam kết cùng nhau đoàn kết giữ rừng, không ai được vi phạm các quy định chung của làng.

Lễ Cúng rừng thiêng liêng

Theo Ông Giàng A Sềnh, một thầy cúng thường đại diện thực hiện các nghi lễ Cúng rừng cho biết, ở mỗi thôn, bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm, rừng thiêng, đây là nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng với những quy định bất khả xâm phạm. Theo quan niệm của người Mông, đó là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng.

Trong lễ Cúng rừng có nhiều hoạt động đặc sắc để cầu mong may mắn cho năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong lễ Cúng rừng có nhiều hoạt động đặc sắc để cầu mong may mắn cho năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Lễ cúng được mở đầu bằng phần rước lễ vật gồm một cặp gà trống mái, một con lợn được 2 nam, 2 nữ khiêng từ trung tâm xã lên khu cửa rừng. Nghi thức diễn ra dưới gốc cây táu mật cổ thụ. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…

Theo tập tục, sau lễ cúng sẽ cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần rừng. Trong thời gian này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục, đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, đào đất, thả rông gia súc, phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

Người dân địa phương khiêng lễ vật lên rừng để thực hiện các nghi lễ Tết rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân địa phương khiêng lễ vật lên rừng để thực hiện các nghi lễ Tết rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong thời gian cấm rừng mà phát hiện ai đó vi phạm cam kết thì sẽ bị tổ tự quản xử lý. Người vi phạm sẽ phải nộp 1 con lợn, 1 đôi gà cúng cho dân làng. Người dân cũng quan niệm rằng, những hộ nào vi phạm điều cấm sẽ gặp xui xẻo trong năm. Còn hộ nào kiêng tốt thì năm ấy mà cây trồng không bị sâu bệnh, trâu bò không bị ốm dịch, mùa màng bội thu, con cái trong nhà khoẻ mạnh.

Theo Quyết định 3890 ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ Cúng rừng của người Mông Nà Hẩu vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tiếp tục khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Mông ở Nà Hẩu.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Livestream bán hàng, tặng vé xe cho 2.000 công nhân về quê đón tết

TP.HCM Chương trình 'Tết đong đầy - Sum vầy tình thân' của Thành Đoàn TP.HCM hỗ trợ 2.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết sum họp với gia đình.