Trên một diễn đàn về chăn nuôi lợn của mạng xã hội facebook thời gian gần đây, đã xuất hiện một số bài viết về một doanh nghiệp SX-KD thuốc thú y với nội dung Cty này có thể chữa khỏi lợn bị bệnh do virus dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Bài viết khẳng định công ty T hiện đã “bào chế thành công thuốc chữa bệnh do virus, vi khuẩn hiệu quả cao ngoài mong đợi. Cam kết chữa khỏi bệnh chỉ sau 3 - 7 ngày!?”.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định những thông tin quảng cáo kiểu này đều là những thông tin thất thiệt, thiếu căn cứ khoa học, người dân cần hết sức tỉnh táo để tránh tiền mất mà lợn vẫn bị chết vì dịch, đặc biệt là càng khiến nguy cơ dịch lây lan nguy hiểm hơn.
Một thông báo chữa được bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên mạng xã hội |
Trao đổi với NNVN, TS Nguyễn Viết Không, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y, người có nhiều kinh nghiệm về dịch bệnh virus trên vật nuôi cho biết: Về lý thuyết kinh điển, bệnh do virus gây ra là không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, khoa học về y tế cũng như thú y thế giới hiện đại ngày nay cũng đang có nhiều nghiên cứu về thuốc kháng virus dùng điều trị và phòng ngừa bệnh do virus gây ra. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, hiện cũng đã có một số thuốc dùng điều trị và phòng ngừa bệnh cúm (điển hình như Taminflu), hay một số nghiên cứu về điều trị bệnh virus HIV...
Đây là những loại thuốc có tác dụng kháng hoặc ức chế sự nhân lên của virus ở một giai đoạn nào đó. Tuy nhiên, số lượng các loại thuốc này là vô cùng ít, kể cả trong y tế chứ chưa nói tới lĩnh vực thú y.
Trong tương lai, ngành thú y thế giới có thể có những phát minh nào đó đột phá để có thể điều trị được đối với một số bệnh virus nào đó trên vật nuôi. Tuy nhiên đối với bệnh virus trên vật nuôi, giải pháp duy nhất hiện nay vẫn là phòng bệnh, thông qua chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng vacxin. Với bệnh do virus DTLCP, đến nay, thế giới chưa có công bố nào về việc đưa ra SX thương mại vacxin phòng bệnh DTLCP, cũng như thuốc điều trị bệnh hiệu quả. Đặc biệt với Việt Nam, đây là bệnh virus mới xâm nhập, đang trong giai đoạn phát triển và lây lan trên diện rộng
Về những thông tin “quảng cáo” có thể chữa được bệnh do DTLCP, TS Nguyễn Viết Không cảnh báo: Một chế phẩm nào đó, có thể giúp tăng sức đề kháng, hồi phục lục phủ ngũ tạng cho con vật bị bệnh, nhưng đó chỉ là hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh, không thể điều trị được căn bệnh do virus đó gây ra. Bên cạnh đó, hiện nay, trong điều kiện chăn nuôi còn nhỏ lẻ, lợn bị bệnh không chỉ có nguyên nhân do virus DTLCP gây ra, mà có thể do rất nhiều nguyên nhân. Bệnh do DTLCP cũng có biểu hiện lâm sàng giống với nhiều bệnh khác, nhất là giống với bệnh do dịch tả cổ điển. Vì vậy, chỉ có lấy mẫu phân tích để xác định đàn lợn bị bệnh có dương tính với virus DTLCP hay không, thì mới khẳng định được.
Do đó, một cơ sở chăn nuôi khi ngẫu nhiên “nhờ thầy, nhờ thợ” nào đó mà chữa khỏi lợn bị mắc bệnh, thì chưa thể đủ cơ sở để nói đó là chữa bệnh do DTLCP hay là một bệnh khác. Bên cạnh đó, bản thân các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, hay các Cty SX thuốc cũng không thể nào có đủ công cụ chẩn đoán, cơ sở phân tích, xét nghiệm giám định để xác định xem lợn bị bệnh gì...
“Tâm lí người chăn nuôi khi có lợn bị bệnh thì vái tứ phương. Tuy nhiên, đây là điều rất nguy hiểm bởi nếu lợn bị bệnh DTLCP, cứ để lại tự chữa trị thì không chỉ lợn không thể khỏi được, mà nguy cơ lây lan dịch sẽ càng lớn. Vì vậy, khi phát hiện lợn có triệu chứng bị bệnh, người dân cần tỉnh táo, tốt nhất là người dân cần báo ngay cho cơ quan thú y để lấy mẫu, xét nghiệm xem lợn bị bệnh gì và tuân theo các hướng dẫn xử lí của cơ quan thú y và chính quyền địa phương”, TS Nguyễn Viết Không khuyến cáo.