| Hotline: 0983.970.780

Cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường sầu riêng Trung Quốc

Thứ Hai 19/02/2024 , 16:05 (GMT+7)

Thị phần của sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc đang tăng rất nhanh, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường sầu riêng lớn nhất thế giới cũng ngày càng gay gắt hơn.

Sầu riêng Việt Nam đã chiếm 35% thị phần ở thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng Việt Nam đã chiếm 35% thị phần ở thị trường Trung Quốc.

Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đang có sự tăng trưởng rất mạnh. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2019-2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 27,8% về lượng. Năm 2023, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 6,7 tỷ USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 65,6% về trị giá so với năm 2022; tăng 135,8% về lượng và tăng 318,5% về trị giá so với năm 2019.

Trước đây, Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng chủ yếu cho Trung Quốc, chiếm tới 95% trong năm 2022. Sang năm 2023, dù nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng so với năm 2022 (tăng 18,5% về lượng, đạt 929 nghìn tấn và tăng 18% về trị giá, đạt 4,57 tỷ USD), nhưng thị phần sầu riêng Thái Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 65,1%.

Trong khi đó, do mức tăng trưởng cả về lượng lẫn giá trị cao hơn rất nhiều so với sầu riêng Thái Lan, nên thị phần của sầu riêng Việt Nam ở Trung Quốc tăng rất mạnh. Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 493 nghìn tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 1.107% về lượng và tăng 1.036% về trị giá so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh lên 34,6% so với mức 5% của năm 2022.

Sầu riêng tươi của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc từ tháng 7/2022. Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thành thủ tục và hồ sơ đề nghị Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam. Nếu sầu riêng đông lạnh Việt Nam được cấp phép, triển vọng xuất khẩu mặt hàng này sàng thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới sẽ còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, do sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này đang có xu hướng giảm. Trong năm 2023, giá sầu riêng nhập khẩu bình quân từ thị trường Thái Lan ở mức 4.710 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022. Tương tự, giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332 USD/tấn, giảm 5,9% so với năm 2022. Tính chung, giá sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2023 trung bình ở mức 4.709,6 USD/tấn, giảm 4,2% so với năm 2022.

Ngoài Thái Lan và Việt Nam, trong năm qua, đã có thêm một nguồn cung sầu riêng tươi cho thị trường Trung Quốc là sầu riêng Philippines. Đã có 4.000 tấn sầu riêng Philippines được nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2023, trị giá 13 triệu USD, chiếm 0,3% lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc. Một lợi thế của sầu riêng Philippines là giá rẻ, khi giá nhập khẩu bình quân vào thị trường Trung Quốc trong năm qua chỉ ở mức 3.529 USD/tấn.

Một nước sản xuất sầu riêng khác ở Đông Nam Á là Malaysia cũng đang chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ năm nay. Từ lâu, sầu riêng Malaysia đã được người tiêu dùng nhiều nước biết tới với giống sầu riêng  Musang King, được cho là giống sầu riêng ngon nhất thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu trái cây đạt 4,042 tỷ USD, tăng tới 98,2% so với năm 2022. Trong đó, riêng xuất khẩu sầu riêng đạt 2,241 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022 và chiếm 55,4% tổng giá trị xuất khẩu trái cây. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng vượt xa các loại trái cây chủ lực khác như thanh long (614 triệu USD), chuối (308 triệu USD), mít (267 triệu USD), xoài (174 triệu USD).

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.