| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng: Huyện nghèo đầu tư chợ tiền tỷ không phát huy hết hiệu quả

Thứ Hai 14/02/2022 , 09:49 (GMT+7)

Chợ thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đầu tư tiền tỷ nhưng hoạt động kém hiệu quả, người dân chỉ vào họp chợ tại tầng một, còn tầng hai bị bỏ không.

Chợ thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng được đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Công Hải.

Chợ thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng được đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây mới nhưng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: Công Hải.

Mấy năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã đầu tư tiền tỷ xây dựng chợ nông thôn khá khang trang, nhưng rồi lại không có hoặc có rất ít tiểu thương buôn bán, gây bức xúc cho người dân địa phương, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước.

Chợ thị trấn Thông Nông (huyện Thông Nông cũ) nay sáp nhập vào huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được đầu tư nâng cấp trên nền đất chợ cũ từ năm 2020, đến giữa năm 2021 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chợ nằm ở trung tâm thị trấn với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Hà Quảng. Khu chợ gồm: Một khu nhà trung tâm 2 tầng kiên cố, mái lợp tôn, có hệ thống tường bao quanh kiên cố, hệ thống điện nước, phòng cháy, chữa cháy...

Từ khi chợ mới đưa vào sử dụng, người dân, tiểu thương chỉ kinh doanh ở tầng 1. Ảnh: Công Hải.

Từ khi chợ mới đưa vào sử dụng, người dân, tiểu thương chỉ kinh doanh ở tầng 1. Ảnh: Công Hải.

Anh Nguyễn Công Tiến, tiểu thương kinh doanh tại chợ thị trấn Thông Nông chia sẻ: Tôi kinh doanh mặt hàng đồ điện tử. Khi còn là chợ cũ, mỗi ngày chợ phiên (5 ngày một chợ phiên) tôi chỉ phải nộp 5.000 đồng. Nhưng từ khi có chợ mới phải nộp gấp đôi là 10.000 đồng/phiên chợ.

Lúc mới hoàn thành bên đơn vị quản lý chợ cũng cho bốc thăm chỗ ngồi ở tầng 1, tầng 2. Nhưng nhiều hộ bốc thăm nhận vị trí trên tầng 2 nhất quyết không chịu lên vì không có đường cho xe chở hàng. Mỗi ngày chợ bán hàng chỉ lãi hơn 100 nghìn, ngày chợ Tết mới lãi được vài trăm nghìn mà phải thuê bốc vác hàng hóa có khi không đủ bù.

Bà Hoàng Thị Thủy, tiểu thương kinh doanh mặt hàng tạp hóa cho biết: Từ khi có chợ mới, bên quản lý chợ đòi thu phí 15.000 đồng/chợ phiên nhưng các hộ kinh doanh đấu tranh chỉ nộp 10.000 đồng. Cả năm chỉ được 2 ngày chợ rằm tháng Bảy và chợ Tết là còn đông người dân đi họp chợ, mua hàng chứ những chợ bình thường rất vắng khách.

Chợ thị trấn Thông Nông trước đây do Ban quản lý chợ quản lý. Trải qua nhiều năm sử dụng, chợ xuống cấp, không đảm bảo nhu cầu mua bán của tiểu thương, người kinh doanh và người dân địa phương. Từ khi chợ mới đi vào hoạt động được giao cho Hợp tác xã Giang Lam quản lý, thu phí chợ, vệ sinh trước và sau mỗi buổi chợ phiên.

Dù đầu tư hơn 5 tỷ đồng nâng cấp thế nhưng từ khi hoàn thành đến nay các tiểu thương, người dân chỉ vào họp chợ tại tầng một, còn cả tầng hai không có một ai kinh doanh, buôn bán. Mùa vụ người dân gần chợ thường đưa nông sản, lá cây thuốc lên phơi. Đường lên tầng 2 sau một thời gian đưa vào sử dụng được khóa kín lại.

Lối lên tầng 2 bị khóa từ nhiều tháng nay. Ảnh: Công Hải.

Lối lên tầng 2 bị khóa từ nhiều tháng nay. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Văn Vỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hà Quảng cho biết: Việc tiểu thương, người kinh doanh không chịu lên tầng 2 chợ thị trấn Thông Nông kinh doanh chủ yếu vì không có đường cho xe chở hàng lên. Thời gian tới, Phòng tham mưu cho UBND huyện hướng khắc phục bằng cách lắp hệ thống vận chuyển hàng lên tầng 2 để người dân thuận lợi hơn trong việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, tránh để lãng phí mặt bằng trên tầng 2 của chợ.

Cả tầng 2 chợ thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng không một ai kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Công Hải.

Cả tầng 2 chợ thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng không một ai kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Công Hải.

Trước đây, chợ thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An và chợ thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình cũng đầu tư tiền tỷ xây 2 tầng nhưng không hiệu quả. Tầng 2 gần như không có hộ kinh doanh, buôn bán. Còn chợ xã Trường Hà, huyện Hà Quảng xây dựng tiền tỷ nhưng mỗi ngày chợ phiên chỉ có khoảng chục người đến bán hàng.

Cao Bằng là một tỉnh nghèo, trong đó huyện Hà Quảng là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh. Từ khi sáp nhập huyện Thông Nông vào huyện Hà Quảng, nhiều công trình, trụ sở cấp xã, các cơ quan thuộc UBND huyện cũng bị lãng phí, bỏ không gây lãng phí cơ sở vật chất. Nhiều trụ sở xã vừa mới được đầu tư, sửa chữa tiền tỷ nhưng khi sáp nhập xã cũng bỏ không gây lãng phí nguồn ngân sách, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Việc đầu tư xây dựng chợ là một hạng mục quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu đời sống ngày càng cao của người dân các địa phương. Để tránh việc gây lãng phí quỹ đất và ngân sách, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng cần xem lại tiêu chí xây chợ, nhất là chợ xã để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tránh việc đầu tư không hiệu quả. Trước khi xây dựng chợ cần tham khảo ý kiến nhân dân, hộ kinh doanh và nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Không đầu tư lãng phí vượt quá nhu cầu, sự phát triển ở địa phương đó.

  • Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.