| Hotline: 0983.970.780

Cao su tiến thoái lưỡng nan

Thứ Hai 28/10/2013 , 10:45 (GMT+7)

Hàng ngàn hộ nông dân ở Quảng Bình đang đứng trước khó khăn lớn trong việc hậu cây cao su bị bão tàn phá...

Nằm trước rừng cao su là căn nhà hai tầng khá hoành tráng của ông Dương Đình Phương (thị trấn nông trường Việt Trung - Bố Trạch, Quảng Bình). Gia đình ông có 8 ha cao su đã khai thác được 5 năm.

Ông Phương chậm rãi: “Ngôi nhà này là những gì còn lại của rừng cao su. Bây giờ muốn trồng lại phải đi vay vốn. Vay vốn với lãi suất ngân hàng như bây giờ, không có chế độ hỗ trợ gì thì không chết cũng thành thương. Còn không có vốn thì phải chấp nhận để rừng cao su tan hoang vậy thôi”.

Hậu quả phát triển tự nhiên

Trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, cây cao su ở Quảng Bình được phát triển một cách ồ ạt, chóng mặt. Đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về trồng cao su. Nhiều địa phương chọn cây cao su làm bước đột phá, các DN nhà nước được khuyến khích chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây cao su.

Cơn lốc trồng cao su đã hút mọi sự đầu tư, vùng đất của người dân đổ vào. Ông Lê Văn Hiền (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) kể lại: Những năm trước, khi có dự án cao su tiểu điền thì cũng không ai để ý vì vậy phát triển khá èo uột. Nhưng rồi, khi mủ cao su được giá, nhiều hộ gia đình quay lại chăm sóc vườn cao su tiểu điền và có thu nhập cao ngất. Nhìn vào đó, nhiều gia đình khác cũng hồ hởi đến với cao su. Dân cao su lúc đó giàu nhanh trông thấy.


Chặt bỏ cây cao su, nông dân Quảng Bình đang đứng trước khó khăn lớn về đồng vốn để tái canh

Người dân phá bỏ tất cả những loại cây tràm, bạch đàn, thông, vườn cây ăn trái để trồng cao su chỉ vì nhiều nhà trồng cao su đang giàu lên. Ông Hiền kể tiếp: “Chẳng cần quy hoạch, chẳng cần kỹ thuật, cứ có đất, sang nhà hàng xóm đã trồng cao su học vài chiêu kinh nghiệm là bố con ung dung vác rựa chặt cây, đào hố, mua giống cao su về trồng. Cứ được vạt nào là thấy vững bụng thêm chừng đó”.

Với tinh thần ấy, trong khoảng 10 năm gần đây, xã Tây Trạch đã phát triển diện tích cao su lên trên 1.200 ha, xã Phú Đinh (Bố Trạch) cũng có gần 900 ha. Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Tây Trạch) có khoảng 10 ha cao su bị bão số 10 và 11 làm thiệt hại nặng.

Anh cho hay: “Tôi cứ theo phương án, năm nay được 1 ha, lại vay mượn, dành dụm để năm sau trồng thêm… Cứ như vậy phát triển hết đất thì được 10 ha. Lúc đó, chỉ nghĩ rằng trồng được cao su là mở rộng đường làm giàu. Thấy người ta cứ thu về mỗi ha cao su được năm, bảy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu/năm thì ai cũng ham hết. Vậy là cứ theo nhau mà trồng”.

Trắng tay chỉ kêu… trời

Anh Nguyễn Văn Đoàn chua xót: “10 ha của gia đình tôi nếu tính giá trị như tại thời điểm này cũng được 3 tỷ bạc. Trung bình năm thu về khoảng 500 triệu đồng. Bây giờ thì gần như trắng tay. Biết kêu ai bây giờ. Chỉ kêu trời cho đỡ chút xót xa thôi”.

Cũng theo anh Đoàn, cái khó nhất là lấy vốn đâu ra để trồng lại cao su. Nguồn vốn đầu tư vào rừng cao su hàng năm so với thu nhập từ cao su cũng chưa thể gọi là lãi vì mới thu hoạch được 2 năm. “Tính sấp ngửa lại chỉ mới gỡ được phần vay đầu tư, chưa có chi gọi là dành dụm. Giờ nếu có tiền cũng sẽ trồng cao su thôi. Nhưng vay đâu ra được hàng trăm triệu đồng để dọn vệ sinh và trồng mới đây”.

Nhà ông Dương Đình Phương mấy hôm nay gọi làm công đến mười mấy người. Riêng dọn cây cao su gãy đổ đã là khoản tiền lớn phải bỏ ra. "Trung bình dọn, cắt cây, chặt cành và vận chuyển ra khỏi rừng cao su cũng mất 15 - 20 triệu. Cao su non chưa bán thành gỗ được, chỉ bán củi thôi. Sau bão, củi nhiều chẳng ai mua nên cứ để đống vậy”. Ông Phương cho biết 8 ha đất trên được địa phương cấp từ năm 1992, từ năm 2011 được cấp lại sổ mới là đất lâm nghiệp để trồng cao su trong thời hạn 50 năm.

“Chính quyền địa phương chỉ bàn giao đất, còn việc trồng cao su với diện tích bao nhiêu, phương thức trồng thế nào hay những gì liên quan đến cao su thì gia đình tự lo liệu. Khi bị thiệt hại gia đình tự chịu chứ biết kêu ai” - ông Phương buồn bã.

Ông Phương cũng như hàng ngàn hộ nông dân ở Quảng Bình đang đứng trước khó khăn lớn trong việc hậu cây cao su bị bão tàn phá. Ngoài khó khăn về vốn thì việc phá bỏ trồng lại hay chuyển đổi sang trồng cây gì những người nông dân này chưa biết cần phải thế nào. “Trồng lại cây cao su phải có mức đầu tư khoảng 90 triệu đồng/ha. Số tiền này không phải nhỏ” - ông Phương ngậm ngùi.

Trên rừng cao su ở vùng đồng Vực Nồi (xã Phú Định), hai anh em ông Nguyễn Văn Luyến đang thu dọn rừng cao su gần 2 ha của gia đình. Những cây nào đổ nghiêng được chống dậy, những cây gãy thì dùng cưa máy cắt ngang thân.


Ông Nguyễn Văn Luyến: Không biết phải làm thế nào sau khi cây cao su bị bão tàn phá

Đứng bên gốc cây cao su vừa bị cưa ngang, mủ trắng ứa chảy thành dòng, ông Luyến thẫn thờ: “Ngoài vốn vay hai cha con tui làm thuê ở đâu được đồng nào cũng đổ hết vô cao su. Giờ thiệt hại nặng như vầy biết làm sao. Tính kiểu gì cũng bí hết. Với diện tích bị hư hỏng đến 60 - 70% như này thì chỉ phá bỏ đi trồng lại. Nhưng phải vay vốn vài trăm triệu trồng lại chờ đến năm, sáu năm sau mới có thu hoạch mới tính chuyện hoàn vốn được, mà vay thì khó lắm. Chắc cũng phải để vậy, bòn được chút nào hay chút đó thôi”.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho rằng, tỉnh cùng các cơ quan chức năng và ngân hàng nên có trách nhiệm đối với người dân trồng cao su.

Tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, có giải pháp khi thanh lý nợ cho người dân tùy theo mức độ thiệt hại nhằm tạo điều kiện để người dân có cơ hội chuyển đổi sản xuất.

Tỉnh nên xem xét, đánh giá việc trồng cây cao su có phù hợp, hiệu quả kinh tế ra sao. Trên cơ sở đó có sự điều chỉnh hợp lý quy hoạch tổng thể việc phát triển cây cao su nhằm tránh những tổn thất nặng nề như đã xảy ra.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm