| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thủy sản trước hiệp định thương mại tự do:

Cấp bách thực hành trách nhiệm xã hội

Thứ Sáu 26/04/2019 , 08:31 (GMT+7)

“Trước thềm hội nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, việc thực hành trách nhiệm xã hội đang trở thành vấn đề cấp bách, là cơ hội tồn tại phát triển của doanh nghiệp thủy sản”, chuyên gia Lê Văn Bằng (Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn) có cuộc trao đổi với NNVN.

10-56-24_2504191
Chuyên gia Lê Văn Bằng

- Xin ông cho biết, trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp cụ thể là gì?

Nhìn chung TNXH được hiểu là cách thức một doanh nghiệp đạt được sự cân bằng về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội. Cụ thể các vấn đề: quản lý môi trường, sinh thái, nguồn cung ứng nguyên liệu có trách nhiệm, sự tham gia của các bên liên quan đến hoạt động của DN, tiêu chuẩn lao động và điều kiện lao động, lợi ích của người lao động và cộng đồng, các vấn đề công bằng xã hội, bình đẳng giới, quyền con người, quản trị tốt, và các biện pháp chống tham nhũng.

Qua cuộc khảo sát môi trường trong ngành thủy sản mà tôi vừa thực hiện. Các DN thủy sản về cơ bản thực hiện tốt các thực hành lao động, đặc biệt là các thực hành liên quan tới vệ sinh an toàn lao động, giải quyết khiếu nại, tổ chức bếp ăn, xe đưa rước công nhân, chấm công… Đó chính là những nội dung quan trọng trong TNXH.

Nhiều doanh nghiệp trong nước với các hoạt động từ thiện như xây nhà tình thương, xây cầu, trường học, tổ chức vui trung thu cho trẻ em, tặng quà – học bổng cho con nhân viên; liên kết trực tiếp với nông dân theo chuỗi truy xuất nguồn gốc sản phẩm được chứng nhận sinh thái Natureland/Hữu cơ. Nổi bật là các mô hình liên kết chuỗi gắn với thực hành TNXH qua các hoạt động như nuôi tôm rừng của Tập đoàn Minh Phú, Cty Camimex, Cases và tổ chức NGO SNV, nhà mua hàng BINCA ở Cà Mau.

- Thực hiện chuỗi liên kết cũng là thực hành TNXH của doanh nghiệp?

Đúng thế, đó là khai thác có trách nhiệm bảo tồn. Khi DN liên kết trực tiếp với nông dân là đã trao đổi kỹ năng quản lý nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với chia sẻ lợi ích thể hiện đạo đức trong kinh doanh.

Chuỗi sản xuất – xuất khẩu – tiêu thụ cá tra, tôm, nghêu trong các dự án khuyến khích phát triển bền vững do các tổ chức NGOs điều phối cũng hình thành trên cơ sở thực hành TNXH. Chẳng hạn tổ chức WWF với mô hình nuôi theo tiêu chuẩn ASC đã nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, kỹ thuật bệnh học, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên, trách nhiệm cộng đồng cho các DN chế biến ở ĐBSCL. Tổ chức GIZ hỗ trợ hộ nuôi cá tra qui mô nhỏ liên kết chuỗi thực hành sản xuất Global GAP và tiếp cận thị trường EU. Trung tâm ICAFIS hỗ trợ hơn 30 tổ nhóm hợp tác liên kết trong hơn 30 nhà máy và các nhà nhập khẩu cùng thực hành TNXH, chia sẻ lợi ích và cải thiện môi trường làm việc, hài hòa lợi ích cộng đồng, ổn định môi trường sinh thái, phát huy nữ quyền.

- Như thế, thực hành TNXH của DN có phần nào tương tự như thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm?

Các tiêu chuẩn mới chuyên biệt hiện nay luôn tích hợp cả phần kỹ thuật và xã hội với nhau như Global Gap, ASC, BAP, MSC, Friend of the sea và điều này đang làm xuất hiện quan niệm về TNXH của doanh nghiệp có phần trùng lắp với các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhận định về TNXH cũng được diễn giải với quá nhiều dạng tiêu chuẩn, mỗi thị trường đòi hỏi mỗi tiêu chuẩn khác nhau là gánh nặng đối với doanh nghiệp, tốn chi phí đánh giá chứng nhận. Trong lúc, thực hành tiêu chuẩn xã hội và tiêu chuẩn kỹ thuật là hoàn toàn khác nhau. Việc gộp chung và xem như môt xu hướng trong kinh doanh, một dạng rào cản kỹ thuật hay một trào lưu quảng bá sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng trước các vấn đề thời sự môi trường, xã hội đều không đúng.

Trong bối cảnh hội nhập, DN thủy sản càng quan tâm đến TNXH giống như cách đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật đã từng làm. Câu hỏi cần làm gì và đầu tư bao nhiêu để đạt được chứng nhận TNXH thường xuyên được giới quan tâm đặt ra. Thực tế đã có khoảng 70-80% nội dung đề cập trong thực hành TNXH được qui định bởi luật pháp, doanh nghiệp mặc nhiên phải có nghĩa vụ tuân thủ. Tuy nhiên, việc thực hành TNXH đúng nghĩa không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật, mà đòi hỏi chủ doanh nghiệp có nhận thức được đây là việc thực hành đạo đức trong sản xuất, trong kinh doanh.

Yếu tố trước tiên đặt ra là người chủ DN có muốn điều hành hệ thống sản xuất của mình không phải chạy theo mục tiêu lợi ích mà còn phục vụ những giá trị đạo đức, nhân sinh. Trước hết là đảm bảo các điều kiện cơ bản về môi trường lao động và đời sống công nhân, trong doanh nghiệp, kế đến môi trường và xã hội. Các tham số định tính hay định lượng qui định bởi luật hay tiêu chuẩn cụ thể chỉ mang giá trị tham khảo. Ý nghĩa thực sự của việc thực hành TNXH là tính hiệu quả và giá trị mang lại bao gồm cả giá trị tinh thần, sự hài lòng, sự tôn trọng, là chỉ số hạnh phúc… của tất cả hệ thống cùng tham gia thực hiện TNXH và của cả chuỗi cung ứng hay tất cả các thành viên các đối tác thị trường thương mại tự do như EU.

Thực hành TNXH cũng là một dạng đầu tư vào giá trị lòng tin ở con người, mang tính quảng bá xây dựng hình ảnh cho DN. Nhiều lãnh đạo DN tuyên bố tầm nhìn sứ mệnh, mục tiêu xã hội, chính sách gắn kết lao động, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân viên đó chính là thực hành TNXH và đem lại lợi ích nhiều mặt cho DN.

- Hệ thống luật pháp nước ta đã đề cập TNXH của DN như thế nào?

Về cơ bản khung pháp lý đã hình thành đầy đủ. Thực hành TNXH ở DN thủy sản thuộc phạm vi điều chỉnh của ít nhất 8 bộ luật, hơn 10 nghị định của chính phủ và hơn 40 thông tư của cơ quan cấp bộ, chưa tính đến các văn bản của cơ quan quản lý cấp tỉnh, thành phố. Ví dụ Luật An toàn vệ sinh thực phẩm số 84/2015/QH13: Chính phủ ra 03 Nghị định 37, 39 và 44/2016/NĐ-CP; các bộ có 24 thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, hệ thống văn bản luật và hướng dẫn dưới luật sẽ cần thêm điều chỉnh và hệ thống hóa sau một quá trình áp dụng thực tiễn.

- Qua khảo sát vừa rồi về thực hành TNXH, ông thấy bức xúc nhất của lao động là gì?

Thực hành an toàn lao động chưa giải quyết được vấn đề trọng tâm của mối nguy bệnh nghề nghiệp, đa số nữ công nhân không thể tiếp tục làm việc công việc trong nhà máy khi bước qua tuổi 40. Người lao động chưa thực sự hài lòng về chất lượng không khí, bếp ăn và không gian nghỉ trưa. Công nhân không muốn đóng bảo hiểm xã hội và có xu hướng muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập. Người lao động tín nhiệm vai trò đại diện người lao động của Công đoàn, tuy nhiên, trong một số trường hợp họ cũng mong muốn có thể tham gia tổ chức đại diện cho người lao động khác phù hợp với việc bảo vệ quyền lợi của họ.

Đáng chú ý là có 33,3% cho ý kiến xác nhận về việc bị phân biệt đối xử; 20,3% đánh giá cấp độ minh bạch trong trả lương chỉ đạt mức khá; 53,6% cho rằng còn tồn tại yếu tố giới trong tuyển dụng và thăng tiến. Các hoạt động bình đẳng giới bao phủ toàn doanh nghiệp và tác động đến mọi bộ phận đời sống người lao động tuy nhiên hiệu quả chưa như mong đợi.

- Trước thực trạng vừa nêu, ông có đề xuất gì?

Cần tổ chức các khóa đào tạo xây dựng năng lực cho cán bộ chuyên trách thực hành TNXH ở các cơ quan chuyên trách, công đoàn, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, cơ sở giáo dục dạy nghề. Cụ thể ở các doanh nghiệp thủy sản, cần nghiên cứu cải thiện môi trường làm việc giải tỏa áp lực về thể chất (tư thế đứng, chất lượng không khí, nghỉ giữa giờ, nhà vệ sinh, thông gió, lọc khử mùi, xử lý chất thải theo hướng biogas…) và về mặt tinh thần công nhân (tính nhận diện cá nhân, đại diện đoàn hội, giao tiếp xã hội…). Chia sẻ lan tỏa các thực hành tốt ở một số nơi như phòng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để cộng đồng vào cuộc giải quyết thách thức và nhân rộng các kết quả.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm