| Hotline: 0983.970.780

Cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh

Chủ Nhật 20/08/2023 , 17:44 (GMT+7)

KON TUM Việc cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh nhằm ngăn chặn nạn sâm giả tràn lan trên thị trường.

Sâm Ngọc Linh được người dân trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Tuấn Anh.

Sâm Ngọc Linh được người dân trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Tuấn Anh.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum vừa tổ chức công bố và trao quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” sản phẩm sâm củ cho Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).

Theo đó, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ với 10.000 cây từ 10 năm tuổi trở lên. Còn Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ với 2.200 cây từ 6 năm tuổi trở lên.

Các công ty được cấp chứng nhận phải tuân thủ đúng quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ theo quyết định. Hội Dược liệu tỉnh Kon Tum có trách nhiệm phát hành, quản lý, cấp tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các công ty theo số lượng sâm củ được khai thác.

Ngay khi cấp giấy chức nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum yêu cầu các công ty khai thác đúng số lượng và vùng trồng sâm Ngọc Linh theo quy định. Bên cạnh đó, các công ty làm việc với cơ quan chức năng thực hiện việc cấp và dán tem chỉ dẫn địa lý trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, các công ty cũng phải lập sổ nhật ký theo dõi quá trình khai thác số lượng sâm củ để phục vụ công tác giám sát.

Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay sâm Ngọc Linh giả đang tràn lan trên thị trường, việc cấp chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ giúp khẳng định đối với các công ty có trồng sâm Ngọc Linh thực sự, nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và đủ điều kiện để đưa ra thị trường.

Thời gian tới, Sở cũng đề nghị huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh) cần hướng dẫn cho bà con thành lập nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh để tiến tới cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Sâm Ngọc Linh củ sẽ được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Ảnh: Tuấn Anh.

Sâm Ngọc Linh củ sẽ được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Ảnh: Tuấn Anh.

Về công tác kiểm tra, giám sát, ông Kim cho biết, các cơ quan chức năng khi kiểm tra sâm Ngọc Linh lưu thông trên thị trường nếu không chứng minh được nguồn gốc và quyền chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý xem như vi phạm, lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng nghi ngờ sâm Ngọc Linh không đúng chỉ dẫn địa lý sẽ lấy mẫu lá, thân, củ gửi về Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum để phân tích AND cũng như chất lượng sâm Ngọc Linh, nếu phát hiện giả sẽ cương quyết xử lý.

Hiện nay, Trung tâm này cũng đã hoàn thiện các trang thiết bị máy móc đối với 2 hệ thống kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh với mức đầu tư 13 tỷ đồng. Hai hệ thống này gồm thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản và thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học Saponin trong sâm Ngọc Linh nhằm phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm trên địa bàn tỉnh.

“Ngoài việc phục vụ quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cả người tiêu dùng có nhu cầu kiểm định sâm Ngọc Linh có thể gửi mẫu về để nhận biết thật giả, từ đó củng cố niềm tin trong việc lựa chọn sản phẩm sâm Ngọc Linh”, ông Huỳnh Trung Kim cho biết.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.