Những ngày qua, tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang diễn ra phiên chợ sâm Ngọc Linh. Đây là phiên chợ thứ 56 được tổ chức thường kỳ từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng. Suốt 5 năm qua, phiên chợ được xem là địa chỉ uy tín để khách hàng tìm đến mua đúng sản phẩm mình cần trước vấn nạn sâm giả hiện nay.
Với giá trị kinh tế cao, đã có nhiều trường hợp kẻ xấu sử dụng các loại sâm giả có hình dáng khá tương đồng với sâm Ngọc Linh để đánh lừa người tiêu dùng. Thế nhưng, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, những hành vi kiếm lời bất chính này đều không thể qua mắt được Tổ thẩm định của huyện với những thành viên có chuyên môn và kinh nghiệm. Họ được coi là các "chuyên gia" phát hiện sâm giả.
Thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm là ấn tượng đầu tiên về anh Hồ Văn Dang (SN 1993 - 1 trong những thành viên của Tổ thẩm định) ở mỗi phiên chợ sâm Ngọc Linh. Anh Dang là người đồng bào Xơ Đăng, đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh - vùng thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh.
Nằm trong Tổ thẩm định sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My từ năm 2018 đến nay, Hồ Văn Dang trở nên quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là các thương lái, hộ kinh doanh và người trồng sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi này. Đối với anh Dang, việc thẩm định sâm không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của một người con bản địa trong việc giữ gìn thương hiệu của sản vật địa phương, bảo vệ “quốc bảo” trên đỉnh Ngọc Linh. Hồ Văn Dang cũng vì thế mà được giới buôn bán sâm gọi là "cao thủ ngửi sâm Ngọc Linh".
Anh Dang cho biết, để kiểm soát sâm Ngọc Linh khi vào phiên chợ, những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh đều phải đăng ký trước và cam kết số lượng sâm bán trong phiên chợ. Đối với sâm trồng ở từng thôn, sau khi nhổ, chủ vườn cũng phải ghi lại số lượng để lần lượt thôn, xã xác nhận ở từng chốt trước khi đưa vào các gian hàng.
Tiếp đến là công tác thẩm định ở trước cổng phiên chợ sâm Ngọc Linh do Tổ thẩm định huyện Nam Trà My đảm nhận. Sâm sẽ được kiểm tra kỹ càng từng củ bằng mắt thường, cảm nhận từ việc tiếp xúc và dùng mũi ngửi mùi. Nếu nghi ngờ không giống sâm bản địa, tổ thẩm định yêu cầu giữ lại, báo cơ quan chức năng lập biên bản và lấy mẫu xác định.
“Hiện nay, có một số loại hình dáng bên ngoài khá giống với sâm Ngọc Linh như sâm Lai Châu, củ Tam thất hoang hay một số loại sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những người bình thường rất khó nhận biết nhưng những người có kinh nghiệm, gắn bó với cây sâm Ngọc Linh lâu năm thì phát hiện được ngay.
Đối với sâm Ngọc Linh, các mắt trên củ thường nằm so le nhau chứ không thẳng như các loại sâm khác. Về màu sắc, phần củ nằm trên mặt đất thường có màu xanh rêu còn phần nằm dưới có màu vàng. Ngoài ra, thân cây sâm Ngọc Linh có độ dẻo, lá tròn hơn các loại khác, răng cưa ở mép lá nhỏ, cạn”, anh Dang chia sẻ.
Cũng theo anh Dang, đó là cách cơ bản đầu tiên để phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả. Mặc dù vậy, ở từng thôn, xã thì màu sắc của củ sâm lại có điểm hơi khác nhau. Do đó, nhiều khi cần phải ngửi mùi để cảm nhận. “Củ sâm Ngọc Linh có hương đắng, ngọt, mùi thơm nhẹ và ít nồng chứ không phải đắng, chát như các loại sâm khác.
Sống với cây sâm này từ nhỏ rồi nhiều năm làm công tác thẩm định nữa nên bây giờ nhìn củ sâm tôi có thể biết được cây đó được trồng ở thôn, xã nào, bao nhiêu tuổi. Giờ nhiều khách hàng mỗi lần đến các gian hàng của phiên chợ muốn mua sâm Ngọc Linh còn nhờ tôi đến kiểm tra thêm 1 lần nữa”, anh Dang bộc bạch.
Với kinh nghiệm của mình, anh Dang đã có 2 lần phát hiện, nghi ngờ sâm giả có ý định “tuồn” vào phiên chợ sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My. Lần đầu tiên vào năm 2018, khi phiên chợ lần thứ 2 được tổ chức. Anh Dang phát hiện và nghi ngờ sâm giả trà trộn vào quầy sâm thật nên đề nghị xử lý. Làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng cũng khai nhận với cơ quan điều tra rằng đem sâm ở phía Bắc vào tỉnh Kon Tum rồi đem xuống phiên chợ sâm Ngọc Linh để bán.
Và gần đây nhất là vào ngày 1/8 vừa qua, anh Dang cùng các cộng sự phát hiện 2kg nghi ngờ là sâm Ngọc Linh giả của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nam Trà My chuẩn bị đưa vào phiên chợ nên đã báo với cơ quan công an lập biên bản, hiện đã trích lấy mẫu để đem đi kiểm định. Với những trường hợp như thế này được tổ thẩm định ngăn chặn kịp thời, phiên chợ sâm Ngọc Linh càng khẳng định được uy tín, sự tin cậy đối với khách hàng.
Ông Trịnh Minh Quý, Trưởng ban thẩm định sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, hiện nay, tổ thẩm định của huyện có 6 thành viên, là những người có kinh nghiệm, thường xuyên gắn bó với cây sâm Ngọc Linh. Trong các phiên chợ, các thành viên trong tổ sẽ thẩm định các sản phẩm thật hay giả thông qua cảm quan.
“Việc xác định bằng cảm quan này đảm bảo chính xác khoảng trên 80%. Gần 20% còn lại nằm vào trường hợp nghi ngờ nên tổ thẩm định sẽ không cho vào phiên chợ sau đó bàn giao cho cơ quan chức năng lấy mẫu đi kiểm định. Hiện, các loại sâm cũng có sự biến đổi về gen hoặc thay đổi hình thái do môi trường nên cũng gây không ít khó khăn trong việc thẩm định bằng cảm quan. Do đó, chúng tôi cũng rất mong được trang bị thêm máy móc để kiểm định chính xác, có sơ sở pháp lý để công bố và xử lý theo pháp luật”, ông Quý nói.
Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết: “Tổ thẩm định sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My ngoài làm nhiệm vụ thẩm định chất lượng sâm tại phiên chợ, còn tham gia kế hoạch kiểm tra liên ngành tại các vườn sâm. Qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng giống sâm kém chất lượng, hoặc sâm từ nơi khác đến trà trộn trồng trong cộng đồng. Riêng về phần anh Dang, là một cán bộ người địa phương, Dang và một số anh em tại cơ sở đã góp sức rất lớn trong việc vận động, tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng sâm, cũng như nói không với việc mua bán, thu mua sâm giả, giống sâm kém chất lượng từ nơi khác về trồng tại vườn của mình”.