| Hotline: 0983.970.780

Cấp mỏ đất không đấu giá, Hà Tĩnh hợp thức hóa vi phạm của doanh nghiệp

Thứ Năm 30/12/2021 , 17:47 (GMT+7)

Công ty Cường Trường chưa hoàn thiện hồ sơ GPMB; chưa có hợp đồng thuê đất; chưa ký Quỹ cải tạo phục hồi môi trường và chuyển ra ngoài hàng ngàn khối đất.

Đã có hàng ngàn khối đất được Cty TNHH Cường Trường khai thác vận chuyển ra ngoài tiêu thụ (không cung cấp đất đúng như trong Giấy phép). Ảnh: Văn Hùng

Đã có hàng ngàn khối đất được Cty TNHH Cường Trường khai thác vận chuyển ra ngoài tiêu thụ (không cung cấp đất đúng như trong Giấy phép). Ảnh: Văn Hùng

Một chuỗi vi phạm của DN

Ngày 04/9/2021, Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng bài viết “Cấp mỏ đất không qua đấu giá” phản ánh tình trạng quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác mỏ đất còn nhiều bất cập ở Hà Tĩnh, dẫn đến doanh nghiệp bất chấp các quy định pháp luật; nhà nước mất lớn tài nguyên và ngân sách.     

Ngoài mỏ đất được phản ánh trong bài báo thì trên địa bàn còn có các mỏ đất khác đã quy hoạch, đấu giá hoặc không đấu giá được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác. Đó là các mỏ đã được cấp phép ở xã Phú Lộc, xã Thượng Lộc và xã Nhân Lộc… gây bức xúc trong nhân dân và ngay cả cán bộ, đảng viên.

Qua điều tra của báo Nông nghiệp Việt Nam, việc quy hoạch và tiến hành cấp phép khai thác mỏ đất ở Hà Tĩnh mấy năm gần đây diễn ra ồ ạt, nhiều nơi khai thác rầm rộ làm ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, công trình giao thông và việc phát triển kinh tế của người dân.

Nổi cộm phải kể đến việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp mỏ đất không qua đấu giá cho Công ty TNHH Cường Trường khai thác tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc. Mỏ đất này ngân sách chỉ thu được 265 triệu đồng, trong khi các mỏ gần đó diện tích, trữ lượng lớn hơn không đáng kể nhưng đấu giá thì nhà nước thu được hàng tỷ đồng/mỏ. Đáng chú ý, mỏ đất tại thôn Thành Mỹ không chỉ có thất thoát ngân sách mà đất khai thác từ mỏ được chuyển ra ngoài (không nằm trong Giấy phép) tiêu thụ khối lượng lớn.

Sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo giao Sở TN – MT chủ trì phối hợp cùng UBND huyện Can Lộc, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra. Mặc dù Sở TN – MT đã 3 lần có văn bản báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh, song các báo cáo đang dần hợp thức hóa các sai phạm của Cty TNHH Cường Trường.

Ngoài việc được cấp mỏ đất 1,7ha với trữ lượng cho phép khai thác gần 200.000m3 đất không qua đấu giá, Cty TNHH Cường Trường còn thể hiện việc coi thường pháp luật, bất chấp các quy định của nhà nước và điều khoản trong Quyết định chủ trương đầu tư cũng như nội dung Giấy phép khai thác.

Hiểm họa từ những hố khai thác đất sâu hoắm trong khi Quỹ cải tạo phục hồi môi trường chưa được Cty TNHH Cường Trường ký trước khi khai thác. Ảnh: Văn Hùng

Hiểm họa từ những hố khai thác đất sâu hoắm trong khi Quỹ cải tạo phục hồi môi trường chưa được Cty TNHH Cường Trường ký trước khi khai thác. Ảnh: Văn Hùng

Các vi phạm của Cty TNHH Cường Trường rất nhiều, đáng chú ý là, trước khi khai thác, Cty TNHH Cường Trường chưa hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận bồi thường – GPMB; chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định; chưa ký Quỹ cải tạo phục hồi môi trường và chuyển hàng ngàn khối đất ra ngoài không đúng đối tượng trong giấy phép. Quá trình khai thác thì vượt ra ngoài diện tích được cấp phép; chiếm dụng đất nông nghiệp; khai thác không đúng thiết kế mỏ...

Những vi phạm này đủ cơ sở để Sở TN – MT và UBND huyện Can Lộc tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của Cty TNHH Cường Trường tại mỏ đất này.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, việc Sở TN – MT Hà Tĩnh phải thực hiện đi kiểm tra nhiều lần, gửi 3 bản báo cáo là vì phía Cty TNHH Cường Trường bất hợp tác, nhiều lần Cty không cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đoàn kiểm tra và có lần cố tình ém nhẹm khối lượng, cung cấp khối lượng đất chênh lệch lớn (đến 28.000 m3).  

Ai đang né tránh?

Nếu những vi phạm của Cty TNHH Cường Trường không được xử lý đến nơi đến chốn thì Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ký ban hành chưa ráo mực liệu có được thực hiện nghiêm túc trong  công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai, khoáng sản?

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu rõ, địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Hoạt động mua bán đất diễn ra tại một cái lán tạm bợ trước lối vào mỏ đất. Ảnh: Văn Hùng

Hoạt động mua bán đất diễn ra tại một cái lán tạm bợ trước lối vào mỏ đất. Ảnh: Văn Hùng

Chỉ thị khẳng định, thời gian qua, công tác cấp phép quyền khai thác khoáng sản còn hạn chế; nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế, phí tại các tổ chức khai thác còn diễn ra,… gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của địa phương, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chính là do nhận thức về pháp luật đất đai, khoáng sản của một bộ phận cán bộ, công chức và người sử dụng đất còn hạn chế; một số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm chưa cao, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, khoáng sản chưa kịp thời, còn gây phiền hà, sách nhiễu.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những vướng mắc, tồn đọng về đất đai còn lúng túng, chậm trễ, đùn đẩy, né tránh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu việc khai thác tài nguyên phải gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng việc hoàn trả tài nguyên, khôi phục môi trường của các mỏ khoáng sản.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, xử lý kịp thời, nghiêm, đúng quy định đối với những trường hợp vi phạm...; dừng khai thác, đóng cửa mỏ đất, mỏ khoáng sản những khu vực khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi trên địa bàn Hà Tĩnh có những mỏ đất sau khai thác đã không được DN cải tạo phục hồi môi trường, để lại những hố sâu hoắm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người, vật nuôi. Ảnh: Văn Hùng

Trong khi trên địa bàn Hà Tĩnh có những mỏ đất sau khai thác đã không được DN cải tạo phục hồi môi trường, để lại những hố sâu hoắm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người, vật nuôi. Ảnh: Văn Hùng

Báo Nông nghiệp Việt Nam xin nhắc lại, trong Quyết định 4051 ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về chủ trương đầu tư đối với dự án khai thác đất san lấp tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc của Cty TNHH Cường Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét chấm dứt hoạt động dự án mà không bồi thường, hoàn trả các chi phí liên quan đến các công việc đã được thực hiện đối với dự án trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các nội dung quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư hoặc vi phạm khác mà theo quy định của pháp luật dự án bị chấm dứt hoạt động.

Vậy mà đến giờ các vi phạm của doanh nghiệp Cường Trường không được xử lý nghiêm minh?

Nếu đúng như Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu là, một số cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những vướng mắc, tồn đọng về đất đai còn lúng túng, chậm trễ, đùn đẩy, né tránh.

Và cũng theo Chỉ thị này thì địa phương nào buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Việc được cấp mỏ đất không đấu giá và những thách thức pháp luật quản lý, sử dụng đất đai khoáng sản tại Cty TNHH Cường Trường có đáng là một ví dụ điển hình để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo xem xét, xử lý, làm gương cho một khởi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy không?

Theo báo cáo của Sở TN - MT Hà Tĩnh việc có hàng ngàn khối đất được đưa ra ngoài tiêu thụ (không đúng đối tượng cấp đất trong Giấy phép) đã được UBND xã Thượng Lộc có văn bản xác nhận. Ảnh: Văn Hùng

Theo báo cáo của Sở TN - MT Hà Tĩnh việc có hàng ngàn khối đất được đưa ra ngoài tiêu thụ (không đúng đối tượng cấp đất trong Giấy phép) đã được UBND xã Thượng Lộc có văn bản xác nhận. Ảnh: Văn Hùng

Việc tỉnh Hà Tĩnh bổ sung không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho một vị trí cụ thể và sau đó nhanh chóng giao cho Cty TNHH Cường Trường tiến hành khai thác khi họ chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý dẫn đến nhiều hoài nghi trong dư luận. Ngay cả trong cán bộ, đảng viên vẫn đặt câu hỏi có hay không sự “ưu ái” cho DN này vì sự tàn sát đất rừng của DN đối với khu mỏ đang là báo động đỏ.  

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm