| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 26/10/2020 , 05:50 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:50 - 26/10/2020

Cắt điện nước các công trình vi phạm, lợi và hại

Với bất kỳ một công trình xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào, nếu ví điện là động mạch thì nước là tĩnh mạch.

Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận trong cuộc thảo luận trực tuyến về một số điều của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, là đề xuất cùng với việc cưỡng chế thi hành các quyết định cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật XLVPHC, cần bổ sung thêm việc cắt điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong nghị trường cũng như ngoài xã hội, đề xuất này đang có hai luồng ý kiến ngược nhau. Luồng ý kiến thứ nhất là không nên hiện thực hóa đề xuất trên, vì hiện tại việc XLVPHC không gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, nếu cắt điện nước thì không những gây ảnh hưởng đến người vi phạm mà còn gây ảnh hưởng đến những người liên quan.

Luồng ý kiến thứ hai, ngược lại, cho rằng việc bổ sung chế tài trên vào dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC là rất cần thiết, vì đề xuất chỉ nêu việc cắt điện, nước “tại địa điểm vi phạm”, nên điều đó không ảnh hưởng gì đến người liên quan, ngoài chủ nhân của những công trình vi phạm.

Thứ hai, ở ta đang có hiện tượng “nhờn” luật. Nhất là luật bảo vệ môi trường. Hàng trăm trại chăn nuôi, hàng trăm nhà máy, hàng trăm cơ sở kinh doanh, cơ sở dịch vụ, để tránh việc phải bỏ tiền ra đầu tư các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đã tìm cách xả thải thẳng ra môi trường bằng nhiều cách rất tinh vi, ngụy trang hết sức khéo léo, khiến cơ quan chức năng phải vô cùng vất vả mới phát hiện ra.

Những hành vi đó đã tàn phá môi trường, gây tổn thất rất lớn cho rất nhiều cộng đồng dân cư. Nhiều cánh đồng bờ xôi ruộng mật bị chất thải bóp chết, không canh tác được, khiến cộng đồng dân cư sở hữu cánh đồng đó thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Rất nhiều dòng sông, thậm chí cả một vùng biển mênh mông bị đầu độc, khiến hàng ngàn tấn cá cả cá tự nhiên lẫn cá nuôi chết sạch.

Thế nhưng với tất cả những vi phạm đó, việc xử lý vi phạm, theo luật, vẫn còn rất nhẹ, khiến những người vi phạm chỉ coi việc xử phạt là “muỗi đốt inox”, hôm trước bị phạt hôm sau lại tiếp tục vi phạm, mặc người dân dài cổ kêu ca.

Với bất kỳ một công trình xây dựng, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nào, nếu ví điện là động mạch thì nước là tĩnh mạch.

Nay nếu vi phạm, bị cắt điện và nước đồng nghĩa với việc cả động mạch lẫn tĩnh mạch bị dừng, và lúc đó trái tim sẽ trở thành một trái tim chết. Chỉ khi khắc phục xong vi phạm mới cấp điện nước trở lại, thì liệu còn ai dám vi phạm?

Không còn nghi ngờ, đắn đo gì nữa. Việc đưa thêm chế tài trên vào dự án sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC, sẽ khiến tính răn đe của luật tăng lên rất nhiều. Và nhìn rộng ra, sẽ có thể cứu được rất nhiều cánh đồng, dòng sông và vùng biển.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm