| Hotline: 0983.970.780

'Cát tặc' cày nát sông Đồng Nai

Thứ Sáu 12/10/2018 , 14:30 (GMT+7)

Hai bên bờ sông Đồng Nai, đoạn thuợng nguồn, từ Bình Phước đến Lâm Đồng, dài hàng chục cây số, sạt lở loang lổ. 

15-16-31_nh_2
Sụt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông Đồng Nai

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng đã có nhiều héc ta đất, vườn ven 2 bờ bị “hà bá” nuốt chửng, trôi theo dòng nước do tình trạng hút cát tràn lan dưới lòng sông.

Chúng tôi đến khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh 2 huyện Bù Đăng (Bình Phước) và Cát Tiên (Lâm Đồng) sau khi nghe những lời kêu cứu cùa người dân sống dọc 2 bờ sông để chứng kiến cảnh ghe hút cát hoạt động ngày đêm.

Trên 2 bờ sông từ xã Đồng Nai đến xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, khoảng gần chục cây số, có hàng chục bãi tập kết cát và có cả trăm điểm sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn sạt lở lên tới hàng trăm mét. Hai bờ sông bị xé toang, nham nhở tạo thành những hố sâu, đất bồi phù sa cũng bị sụp, đổ ập xuống lòng sông. Nhiều bụi tre già, những vườn điều, cao su đã bị hà bá “nuốt chửng”, không còn vết tích.

Tại bến đò Ông Ghẹo (thuộc xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng) giáp ranh với rừng Bắc Cát Tiên (huyện Cát Tiên), dưới lòng sông cạn, nước đục ngầu, một chiếc ghe hút cát do 2 người đàn ông lực lưỡng điều khiển, chĩa vòi rồng xuống lòng sông hút cát, tiếng máy nổ rền vang, ầm ĩ cả 1 góc rừng.

Chiếc ghe hút cát cách chốt kiểm lâm bảo vệ rừng Bắc Cát Tiên không xa. Sau khi cát đầy khoang, chiếc ghe nổ máy từ từ rời đi. Điều đáng nói là, chiếc ghe này không có số hiệu. Anh T, một người dân sống ở đây nói: “Mấy cái ghe này không thấy cái nào có số hiệu, nhìn chẳng biết ghe của đơn vị nào, từ đâu đến, có giấy phép khai thác hay không?”.

Sau nhiều ngày theo dõi dọc lòng sông từ xã Đăng Hà đi xã Đồng Nai, chúng tôi phát hiện rất nhiều ghe hút cát, trọng tải từ 70- 150m3 hoạt động cả ngày lẫn đêm theo lộ trình thời gian: 3 rưỡi sáng đến hơn 6 giờ, 9 giờ đến 13 giờ và từ 6 rưỡi chiều đến hơn 21 giờ tối.

Những ghe này xuất phát từ các bến tập kết cát thuộc xã Đăng Hà, Bù Đăng ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai đoạn giáp danh với rừng Bắc Cát Tiên, thuộc huyện Cát Tiên, mỗi ngày ít nhất từ 2 - 3 chuyến, có ngày lên tới 5 - 7 chuyến. Mỗi lần hút trong thời gian 2-3 giờ, ghe đầy cát, bắt đầu quay đầu về bến. Được biết, chủ tàu bán từ 200 - 350 ngàn đồng/m3 cát, tuỳ loại.

15-16-31_nh_1
Đoạn thượng nguồn sông Đồng Nai, từ Bình Phước đến Lâm Đồng, ghe hút cát hoạt động suốt ngày đêm

Từ các bến ở xã Đăng Hà, cát sẽ được vận chuyển theo 2 con đường: Đăng Hà đi Thống Nhất (huyện Bù Đăng) đến các điểm tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước; Đăng Hà đi Cát Tiên đến các điểm tiêu thụ tại tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM...

Dẫn chúng tôi vào vườn rẫy nhà mình, anh Thắng xót xa cho biết, vợ chồng gom góp chút tiền mua 4,5 ha rẫy trồng điều, cà phê được 4 năm nay thuộc thôn 3, xã Đồng Nai giáp với rừng Bắc Cát Tiên. Diện tích của gia đình chạy dọc sông Đồng Nai, do khai thác cát ồ ạt gây sụt lở nên 1,2 ha đất cùng nhiều cây trồng trôi xuống sông. Chính anh từng nhiều lần xung đột với các đối tượng hút cát.

“Ngày trước lòng sông chỉ rộng 30m, đến nay đã biến thành mặt hồ rộng 150m. Vị trí nào khai thác cát với tần suất lớn thì sụp lở càng nghiêm trọng. Mùa nước cạn thuyền khó di chuyển, nay mùa mưa, việc sạt lở xảy ra là tất yếu nên vấn nạn hút cát trộm đang từng ngày đe dọa cuộc sống bà con”, anh Thắng bức xúc.

Gia đình ông Vũ Văn Hoàng (SN 1961, ngụ huyện Đạ Oai, Lâm Đồng) xuống khu vực này mua 8ha trồng điều ven bờ sông Đồng Nai. Nhưng chẳng mấy ngày được yên ổn vì ghe hút cát phía dưới sông khiến rẫy của gia đình tan hoang. Hiện nay, khoảng 1/3 rẫy đã trôi tuột xuống sông.

“Đi theo các thuyền là những giang hồ bặm trợn, khi bị người dân phản đối, chúng đe dọa xử bằng “luật rừng”. Do xa dân cư nên nhiều hộ dân chỉ biết than trời. Đến nay, gia đình tôi đã bị sụp lở khoảng 3ha rẫy, nếu kéo dài sẽ mất toàn bộ diện tích đang canh tác. Không chỉ các hộ làm rẫy sát bờ sông chịu ảnh hưởng, mà dọc 2 bên bờ sông, cuộc sống của hàng trăm nhà dân khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Hoàng bức xúc nói.

Tính đến tháng 6/2018, trên sông Đồng Nai đoạn giáp 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, có 16 giấy phép khai thác cát được cấp đến hết năm 2018, cho phép DN khai thác, hút cát tại những vị trí, đoạn sông không sạt lở, ngoài khu dân cư, ngoài phạm vi an toàn của trạm thủy lợi và các công trình xây dựng khác. Quá trình hút cát không gây ảnh hưởng đến 2 bên ta luy bờ sông, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân (như nuôi trồng thuỷ sản)…

Tuy nhiên, tại các điểm sạt lở bên bờ sông đoạn giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, ghe hút cát vẫn ngang nhiên hoạt động, gây sạt lở nghiêm trọng.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.