| Hotline: 0983.970.780

'Cát tặc' lộng hành hồ thủy lợi lớn nhất Đông Nam Bộ

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:18 (GMT+7)

Khai thác cát ồ ạt, cả có phép và không phép trên công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, mà còn đe dọa an toàn hồ đập. 

Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản tạm ngưng khai thác cát, ngành chức năng 2 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh cũng đồng loạt ra quân chấn chỉnh, nhưng “cát tặc” vẫn âm thầm hoạt động. 
Hồ Dầu Tiếng không chỉ là công trình an ninh quốc gia, mà còn có tính biểu tượng về sức mạnh tập thể, là mốc son quan trọng về một giai đoạn tái thiết đất nước.
Công trình thuỷ lợi này hiện đang cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp cho 5 địa phương. Do đó, việc bảo vệ an toàn công trình được nhà nước hết sức chú trọng. Nhưng lâu nay, hiệu quả công tác bảo vệ chưa cao, nếu không muốn nói, còn quá nhiều bất cập.
 
Quanh hồ Dầu Tiếng, từ Tây Ninh đến Bình Dương, có rất nhiều bãi tập kết cát (có phép và trái phép) như thế này.
 
Trong đó, ngoài tình trạng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản khó kiểm soát, là nạn khai thác cát tràn lan, gây bức xúc dư luận. Mới đây, trước tình trạng nước hồ đục ngầu, ô nhiễm trầm trọng, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định đóng cửa mỏ cát tại hồ Dầu Tiếng, tạm ngưng khai thác ít nhất trong thời gian 2 tháng, cho đến khi địa phương xác định hoạt động khai thác cát không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và đáp ứng các quy định của Luật Thuỷ lợi, quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
 
Tuy nhiên, ngay trong thời điểm quyết định “đóng cửa” mỏ cát của Bộ NN-PTNT đang còn hiệu lực, thì nhiều vụ khai thác cát trái phép đã bị cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh bắt giữ.
 
Theo báo cáo, trong vòng 1 năm, từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh Tây Ninh phát hiện, bắt giữ gần 100 phương tiện hoạt động hút cát trái phép trên hồ. Trong khi đó, Bình Dương phát hiện và bắt giữ 6 vụ khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương quản lý.
 
Theo một lãnh đạo công an tỉnh Tây Ninh, tuy hoạt động khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng có tạm lắng hơn trước, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến công trình an ninh quốc gia. Hiện có 16 giấy phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.
Các doanh nghiệp này hầu hết đều không thực hiện đúng hoạt động thai thác cát theo giấy phép. Điển hình là việc số lựng tàu nhiều hơn đăng ký, hút số lượng cát lớn hơn. Thậm chí dùng công cụ bơm hút công suất lớn nhằm hút nhanh, càng nhiều càng tốt.
Sau đó, sử dụng xe tải lớn, lén lút đưa cát đưa về các tỉnh lân cận tiêu thụ. Cơ chức năng khi đi kiểm tra, phát hiện sai phạm, đều xử lý rất nặng, nhưng dường như không làm các đối tượng chùn tay, bởi lợi nhuận thu được từ cát quá lớn.
 
Một chiếc ghe hút cát lậu bị cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh bắt giữ.
 
Bên cạnh Tây Ninh, Bình Dương cũng là tỉnh quản lý phần diện tích hồ rất lớn và cũng đang đối mặt với tình trạng vi phạm khá lớn. “Cát tặc” lộng hành trên hồ Dầu Tiếng khiến người dân địa phương chịu ảnh hưởng, gây bức xúc trong dư luận, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng trên.
 
Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, khu vực quanh hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương có 22 bến bãi tập kết, kinh doanh cát và đều có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau khi có giấy phép, người dân đã tự mở bến bãi để tập kết, kinh doanh cát khi chưa có các loại giấy phép hoạt động trong hồ.
Qua kiểm tra và xử lý, hiện có 14/22 bến bãi đã dừng và tạm dừng hoạt động, trong đó có 3 bãi bị buộc khôi phục hiện trạng đất ban đầu. Tất cả các bến bãi đều không có giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Thủy lợi. 
 
Trong thời gian 1 năm qua, Công an tỉnh Bình Dương đã kiểm tra hàng chục vụ vi phạm trong lòng hồ Dầu Tiếng, đã ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng, tịch thu 1 ghe hút cát và hơn 2.274m3 cát.
Một khó khăn không nhỏ hiện nay của cơ quan chức năng là việc di dời các phương tiện khỏi hồ do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện lai dắt, trục vớt tang vật khi các đối tượng bỏ trốn hoặc đánh đắm; chưa có bãi tạm giữ phương tiện vi phạm…
 
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “UBND tỉnh đang phối hợp với tỉnh Tây Ninh, Ban quản lý hồ Dầu Tiếng, Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà thực hiện kế hoạch chấn chỉnh tình trạng khai thác cát. Trong đó, giải quyết tình trạng tàu bè khai thác cát trên hồ vì số lượng tàu đưa vào hoạt động nhiều hơn so với cấp phép.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường kiểm tra để kịp thời xử lý trường hợp khai thác cát trái phép. Trong khi đó, Sở GTVT xử lý nghiêm tình trạng xe chở cát quá tải, gây hư hỏng đường, mất an toàn giao thông trên địa bàn.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!