| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn thủy lợi hồ Dầu Tiếng

Thứ Ba 05/11/2019 , 08:52 (GMT+7)

Hồ Dầu Tiếng là công trình nhân tạo thuộc loại lớn nhất, đẹp nhất khu vực, liên quan đến nhiều địa phương.

Nhưng lâu nay, công tác đảm bảo an toàn hồ đập còn tồn tại nhiều bất cập như hoạt động khai thác cát, nuôi trồng thuỷ sản, ô nhiễm cảnh quan, môi trường.
 

An toàn hồ đập vẫn đảm bảo

Vừa qua, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa) tổ chức tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2018, 9 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2019.

15-13-17_nh_1
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phúc Lập.

Theo báo cáo, mùa khô năm 2019, tình hình xâm nhập mặn ở hạ du sông Sài Gòn cao hơn so với trung bình hàng năm. Từ đầu năm 2019 đến nay có 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tổng lượng mưa 9 tháng đầu năm 2019 là 1.210,40mm, xấp xỉ năm 2018 và đạt 89% so với trung bình hàng năm. Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước trên sông Sài Gòn, Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa đã xả 4 đợt nước đẩy mặn, ứng với lưu lượng 30 - 80 m3/s.

Tính đến cuối tháng 10/2019, hồ Dầu Tiếng tích nước đạt cao trình 23,42m, tương ứng với dung tích hồ chứa hơn 1.368 triệu m3, thấp hơn báo động III (24,40m) là 0,98m, ứng với dung tích hữu ích là hơn 898 triệu m3; dung tích phòng lũ 797 triệu m3.

Báo cáo về công tác an toàn công trình, ông Trần Quang Hùng, Quyền Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, hiện tại các hạng mục công trình đầu mối bao gồm đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống dẫn dòng, cống lấy nước số 1, số 2 và 3 ổn định, hoạt động bình thường. Công ty thường xuyên quan trắc đo thẩm, bão hòa tại đập chính, đập phụ, kết quả tổng lưu lượng nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn, bảo trì, vận hành thử tất cả các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ để tránh gây sự cố khi vận hành, bao gồm các thiết bị điện, đóng mở cửa van.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề an toàn hồ chứa, an toàn cho hệ thống kênh, công tác quản lý đập, đặc biệt đập chính, những nơi xung yếu; tình trạng khai thác cát gây đục nước hồ; khó khăn trong quá trình kiểm soát đối với hành vi vi phạm công trình hồ; tình trạng ngập úng cục bộ do xả nước…

Các đại biểu đề nghị cần thành lập lực lượng chuyên trách được tập huấn nghiệp vụ để bảo vệ an toàn công trình, sớm bổ sung lực lượng vũ trang canh gác bảo vệ vào danh mục theo quy định, vì xác định đây là công trình an ninh quốc gia; xây dựng phương án hồ tiết kiệm tích nước, điều tiết cung cấp cho sản xuất, sinh hoạt cũng như đẩy mặn; quy hoạch lại khu vực để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trong khu vực lòng hồ, phát triển các dự án đa mục tiêu, như trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái; quy định lại thời gian, trữ lượng đối với các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước.

15-13-17_nh_2
Mực nước Hồ Dầu Tiếng năm 2019 thấp hơn cao trình gần 1m. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Tiếp Tân, Chủ tịch Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, công ty đang triển khai dự án kiên cố hóa kênh Tây, kiểm tra toàn bộ khu vực đầu mối; an toàn công trình hồ luôn được đảm bảo. Đối với việc xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời trên hồ Dầu Tiếng, ông cho rằng đây là dự án có nhiều tiềm năng, nhưng cần điều tra đánh giá khu vực nào cần thiết, quy hoạch để quản lý, đảm bảo môi trường.
 

Cần quyết liệt hơn trong việc khai thác nguồn lợi

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục để đảm bảo cho công trình an toàn tuyệt đối; phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc triển khai dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kênh Tây thuộc hệ thống hồ Dầu Tiếng với dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi ghi nhận các địa phương Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP.HCM đã có trách nhiệm cao trong công tác PCTT-TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Ông Tỉnh đề nghị các địa phương cùng đề xuất với Bộ TN-MT điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy trình riêng, phù hợp với điều kiện của hồ Dầu Tiếng để tích và cấp đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực, đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa các tỉnh nhằm thống nhất quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ.

Cũng tại hội nghị, Tổng cục Thủy lợi công bố Quyết định của Bộ NN-PTNT về việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa năm 2019. Theo đó, Ban chỉ huy có 33 thành viên.

15-13-17_nh_3
Một góc hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Phúc Lập.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy là chỉ đạo Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa tổ chức thực hiện quy trình hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa và quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai. Phương án ứng phó thiên tai cho công trình đầu mối và hệ thống kênh thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

“Để đảm bảo vấn đề an toàn hồ đập, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nước hồ, yêu cầu Cty Dầu Tiếng - Phước Hòa cần quyết liện hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác cát trong lòng hồ. Cụ thể, các tàu khai thác cát hết hạn giấp phép khai thác còn đậu trong lòng hồ cần phải di dời ra ngoài, các tàu có giấy phép khai thác phải tuân thủ nghiêm về khối lượng khia thác, vị trí khai thác”, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).