Bà Tươi buồn bã chỉ diện tích sạt lở nghiêm trọng do hút cát gây nên. |
Nhiều nhà cửa cùng với diện tích hoa màu, cây ăn trái thậm chí cả trâu bò đã và tiếp tục bị đe dọa nhấn chìm theo những vòi hút cát.
Nguy cơ mất nhà vì sạt lở
Nhiều ngày chúng tôi men theo dọc tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà thuộc khu vực huyện Bù Đăng, Bình Phước (từ thôn 5, xã Thống Nhất xuống tới lưu vực cuối xã Đăng Hà) ghi nhận có hàng chục bãi cát lớn san sát nhau hoạt động tấp nập. Tại đây, nhiều đoạn bờ sông xuất hiện sạt lở hàng chục mét. Nhiều nơi, tình trạng sạt lở tạo ra những hàm ếch thẳng đứng, sừng sững, chỗ thì sụt lún thành những ụ nổi, khiến ai nhìn thấy cũng phải ngao ngán về những hệ luỵ khôn lường do hút cát gây ra.
Trao đổi với NNVN, người dân tại xã Phước Cát 2 (Cát Tiên, Lâm Đồng) bức xúc: Tình trạng khai thác cát rầm rộ trong đó hầu hết là “cát tặc” đã diễn ra nhiều năm nay. Thấy tình hình quá bất an do sụt lún, sạt lở, người dân đã làm hàng chục tờ đơn phản ánh cầu cứu các cơ quan chức năng xuống xem xét giải quyết nhưng khai thác cát vẫn không giảm thậm chí ngày một rầm rộ hơn. Người dân cho biết rất thất vọng vì gửi rất nhiều đơn nhưng chỉ thấy sau đó có một vài cán bộ xuống khảo sát, thống kê rồi ... mất dạng.
Nhiều diện tích hoa màu ven sông Đồng Nai (giáp ranh Lâm Đồng) bị sạt lở khủng khiếp khiến người dân lo lắng. |
Bà Nguyễn Thị Tươi (61 tuổi) ngụ thôn Phước Thái, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, bức xúc: Tình trạng khai thác cát lộng hành đến mức sạt lở khắp nơi, gia đình có hơn 3 sào đất bị “hà bá nuốt chửng”; tình trạng sạt lở đang tiếp tục đe dọa… gần tới móng nhà khiến gia đình càng thêm bất an.
Bà Tươi cùng với nhiều người dân trong xã cho biết nhiều lần ý kiến lên xã nhưng chưa thấy đâu, các tàu cát vẫn cứ hoạt động rầm rộ, dùng các vòi hút cát chọc sâu vào sát bờ - gần nơi sản xuất của người dân phun lên thành từng ụ khổng lồ. Nhà bà Tươi đối diện các bãi cát nên đã hứng trọn mùi dầu nhớt, tiếng ồn của máy hút, máy múc, xe tải gầm rú suốt ngày như thách thức...
Trâu bò cũng chết theo
Gặp chúng tôi, bà Võ Thị Tâm tại thôn 3, xã Phước Cát 2, không kìm được cơn bực tức khi nhắc đến những hệ lụy mà cát tặc gây ra cho người dân nơi đây. Theo bà Tâm, nhà bà bị sạt lở hàng ngàn mét đất trồng hoa màu. Không những thế, cát tặc lộng hành còn khiến 9 con bò với 1 con trâu nhà bà trong lúc đi ăn cỏ gần sông đã bị sạt lở rơi xuống sông chết không một ai đứng ra bồi thường, hỗ trợ. Bà thắc mắc thì được trả lời là do… trâu bò tự xuống sông uống nước và sa lầy mà chết!
Cát tặc lộng hành rầm rộ nhưng chính quyền bế tắc trong xử lý. |
Bà Tâm cho hay: Thời gian hoạt động của những người khai thác cát mùa khô khoảng từ 2h đến 7h sáng. Vào thời điểm này luôn có cả chục tàu chia làm ba, bốn hàng thi nhau hút 2 bên bờ sông. Chúng khai thác cát với những máy hút có công suất rất lớn chỉ khoảng 1h đồng hồ là đầy 1 tàu cát với khối lượng hàng chục tấn. Vào mùa mưa thì cát tặc hoạt động thâu đêm suốt sáng…
Nhiều người dân trong khu vực cũng cho biết: Cát tặc lộng hành rầm rộ và chúng rất hung hăng. Khi người dân thấy hút cát gần bờ xuống phản đối không cho hút, bọn chúng chửi bới, thách thức thậm chí đánh trả rất liều lĩnh.
Đơn cử như trường hợp anh Bế Xuân Hồng (thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước) xuống chặt cây không cho các cát tặc cột dây tàu neo vào để hút cát đã bị một nhóm lao vào hành hung dã man gây thương tích phải nhập viện. Lo ngại về tình trạng sạt lở do hút cát, anh Hồng phải trồng tre quanh để giữ đất. Nào ngờ đến nay sạt lở cuốn trôi cả tre và lan vào phía trong hàng chục mét, cuốn theo hàng ngàn cây keo đã 3 năm tuổi, để lại những khoảng lở to đùng. Cũng như những hộ dân nơi đây, anh Hồng gửi nhiều đơn thư phản ánh nhưng đều bặt vô âm tín.
Chị Phạm Thị Hùy bức xúc chỉ vào phần đất bị sạt lở trồng điều và cà phê đang cho thu hoạch. |
Chị Phạm Thị Hùy, thôn 5, xã Thống Nhất, Bù Đăng, Bình Phước, mặc dù đã gửi rất nhiều lá đơn đơn cầu cứu các ban ngành khi nhà bị mất hơn 3.000m2 đất trồng điều, cà phê tất cả đang thu hoạch và là nguồn kinh tế chính cho gia đình đều bị cuốn trôi. Biết được Công ty khai thác cát Trường Phát hút cát gây ra, sau nhiều lần gửi đơn tố cáo, công ty đến bồi thường cây trồng là 55 triệu và yêu cầu gia đình rút toàn bộ đơn và hứa sẽ không khai thác cát nữa. Thế nhưng sau đó chính công ty này tiếp tục cho nhiều tàu hút cát ngay sát nhà chị...
Bế tắc xử lý
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều hộ dân khu vực xã Đắk Lua, Tân Phú, Đồng Nai, cũng bị thiệt hại, sạt lở nghiêm trọng do tình trạng cát tặc lộng hành gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch xã Phước Cát 2, Cát Tiên, Lâm Đồng, cho biết: Người dân trong xã đã gửi đơn kiến nghị giải quyết tình trạng hút cát gây sạt lở đất, hoa màu và chúng tôi cũng đã nhiều lần cùng công an, Ban chỉ huy quân sự đi xem xét, xử lý nhưng khi đi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, xã không có phương tiện tàu thuyền để đi tuần tra.
Cát tặc đang khiến cho tình trạng sạt lở hoa màu và cây trồng ngày một trầm trọng khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai. |
Khi lực lượng đi cùng thuyền với người dân thì nhiều tàu hút cát phát hiện đã nhanh chóng bỏ chạy. Không những thế, khi chúng tôi phát hiện các tàu hút cát lậu thì không có đủ quyền hạn để kiểm tra giấy phép khai thác cũng như chế tài xử lý vi phạm. Do đó xã đã kiến nghị lên huyện thì được biết khu vực sông Đồng Nai qua đoạn này giáp ranh 3 tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai trong đó không biết tỉnh nào cấp phép khai thác cho các công ty càng khiến cho việc xử lý cát tặc thêm khó khăn. Ngoài ra, vì có nhiều công ty khai thác cát khác nhau nên việc xử lý quy trách nhiệm, đền bù cho người dân rơi vào bế tắc...