| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện Nghị quyết 120: Chiến lược ở tầm tư tưởng

Thứ Hai 17/05/2021 , 16:49 (GMT+7)

Chúng ta cần phải chuyển hướng và Nghị quyết 120 đã ra đời. Chỉ có thực hiện đúng, tốt Nghị quyết 120 mới có thể đi tới tương lai thịnh vượng của đồng bằng.

Ba nhóm thách thức

Kể từ năm 1989, đất nước cơ bản đã giải quyết được nạn đói trong nước, sản xuất lúa gạo đã có dư và xuất khẩu đến ngày nay. Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm đó, sản xuất lúa hướng thâm canh đã quá đà.

Sạt lở ven sông Cổ Chiên. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở ven sông Cổ Chiên. Ảnh: Minh Đảm.

Điều này đã đặt ra vấn đề phải lựa chọn, hoặc là tiếp tục con đường thâm canh như cũ, hoặc là lựa chọn phải thay đổi. Đặc biệt trong bối cảnh mới, về biến đổi khí hậu, tác động từ phía thượng nguồn xuống. Con đường cũ là con đường sẽ không đi tới được tương lai, không đi tới được thịnh vượng cho ĐBSCL.

Hiện ĐBSCL đang phải đối diện với ba nhóm thách thức. Thứ nhất, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thứ hai, những tác động từ phía thượng nguồn. Trong tác động từ phía thượng nguồn lại có hai vấn đề.

Một là, biến đổi khí hậu ở phía thượng nguồn, mưa gió làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Hai là, trong bức tranh đó có thêm những tác động làm mất phù sa, biến đổi thêm dòng chảy. Nhóm thứ ba là nhóm các vấn đề nội tại của ĐBSCL. Nhóm này gây ra một loạt các hệ lụy.

Nếu như phân tích có hệ thống thì tựu trung nó xuất phát từ vấn đề trung tâm của nền nông nghiệp. Đó là vấn đề chạy theo thâm canh, chú trọng sản lượng trong một thời gian dài. Từ đó, gây những hệ lụy về cạn kiệt đất đai, làm rối loạn hệ thống tự nhiên và làm suy kiệt tài nguyên sông biển.

Lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL giảm dần những năm gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL giảm dần những năm gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Nghị quyết đạt tầm thông thái

Các tinh thần chính mà Nghị quyết 120 hướng đến là thuận thiên, trả lại thiên nhiên những gì vốn là quy luật, không can thiệp thô bạo và thích ứng. Nghị quyết 120 với tinh thần là thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên. Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì cả, không phải phó mặt cho đất mà vẫn có những can thiệp vừa phải. Các can thiệp không làm thay đổi quy luật tự nhiên của đồng bằng. Trước khi can thiệp con người phải hiểu được quy luật tự nhiên, tránh phải trả giá.

Thứ hai, ĐBSCL sẽ chuyển hướng nền nông nghiệp thuần túy chạy theo số lượng sang hướng chất lượng và ưu tiên giá trị, gia tăng chế biến, gia tăng chuỗi giá trị. Thứ ba là xoay trục ưu tiên. Trước đây, cây lúa là số một rồi mới đến cây trồng khác, hoa màu rồi mới tới thủy sản. Bây giờ, thủy sản là số một, cây trồng khác rồi mới tới lúa. Vẫn đảm bảo an ninh lương thực nhưng không phải số lượng nữa mà là chất lượng. Bởi vì ĐBSCL không chỉ là đất mà còn mênh mông sông nước và một phần biển nữa. Cho nên, xoay trục theo hướng ưu tiên thủy sản là quyết sách đúng đắn.

Người dân Bến Tre trữ nước ngọt chống hạn, mặn trong những mùa khô gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân Bến Tre trữ nước ngọt chống hạn, mặn trong những mùa khô gần đây. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 120 xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ riêng nước ngọt. Trước đây, có một thời gian dài, người ta quan niệm chỉ có nước ngọt mới là tài nguyên còn nước mặn, nước lợ, đôi khi bị coi như kẻ thù. Do vậy, chúng ta đã can thiệp vào tự nhiên rất nhiều, nhất là không cho giao lưu mặn – ngọt. Từ đó, tạo nên sự mất cân bằng, rối loạn điều kiện tự nhiên.

“Có thể nói, tinh thần mới của Nghị quyết 120 là xem nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên đạt tầm thông thái”, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết.

Quy hoạch tích hợp

Một điểm mấu chốt khác thể hiện trong Nghị quyết 120 là quy hoạch tích hợp. "Chúng ta đang có một cơ may rất lớn, hiếm có. Đó là bộ ba chính sách vàng: Nghị quyết 120, Luật Quy hoạch 2017 và Liên kết vùng 1993 của Chính phủ. Bộ ba này như ba cái chân hội tụ, rất là hay. Đây là cơ hội vàng của ĐBSCL", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói.

Tinh thần quy hoạch tích hợp của Nghị quyết 120 có được là nhờ Luật Quy hoạch 2017. Trước đây, quy hoạch theo đơn ngành, mỗi ngành đều có quy hoạch riêng. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đều có quy hoạch của địa phương. Đồng bằng như một cơ thể sống, có vận hành, có những cơ quan của cơ thể, có những tuyến trình để vận hành một cơ thể sống. Trước đây, quy hoạch từng phân mảnh theo ngành thường xảy ra những xung đột với nhau. ĐBSCL đã từng có 2.500 bản quy hoạch không tham khảo nhau dẫn đến mâu thuẫn với nhau.

Hồ Kênh Lấp Ba Tri cạn trơ đáy trong mùa khô 2020. Ảnh: Minh Đảm.

Hồ Kênh Lấp Ba Tri cạn trơ đáy trong mùa khô 2020. Ảnh: Minh Đảm.

“Chúng ta hình dung khi mà chế tạo một chiếc xe đạp, không có bản vẽ tổng thể của chiếc xe đạp mà chỉ có những bản vẽ của từng bộ phận riêng. Mỗi ngành làm đều tối đa hóa lợi ích của ngành mình. Đến khi lúc ráp lại, bộ máy hoạt động không nhuần nhuyễn, không có êm ái. Còn bây giờ, chúng ta đã có Luật Quy hoạch 2017, Nghị quyết 120 và tình thần liên kết vùng nữa. Ba chân đứng này cho phép mình nhìn đồng bằng, đối xử với đồng bằng như là một cơ thể sống”, chuyên gia Thiện phân tích.

Riêng về Nghị quyết 120, đây là chiến lược ở tầm tư tưởng. Việc thể hiện chiến lược tư tưởng rất quan trọng. Trong ba năm qua, kể từ khi Nghị quyết 120 ra đời, Nghị quyết vẫn chưa có thể hiện tác động trên thực địa. Tuy nhiên, Nghị quyết 120 đã nhận được sự đồng thuận sâu sâu sắc của chính quyền các cấp, nhân dân. Đây thực sự là tác động quan trọng thay đổi nhận thức về việc đối xử đồng bằng, thích ứng với thiên nhiên. Hay nói cách khác trên mặt tư tưởng Nghị quyết 120 đã thành công.

ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Nghị quyết 120 không phải là kế hoạch có thể thực hiện nhanh chóng được mà phải có những kế hoạch diễn dịch, cụ thể hóa ra. Trong ba năm qua, Chính phủ đã giao các ngành chức năng thực hiện cụ thể hai hướng chính. Một là chương trình tổng thể chuyển nền nông nghiệp của Bộ NN-PTNT mà Thủ tướng đã ký vào tháng 3/2020. Một hướng khác, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT soạn thảo quy hoạch tích hợp của ĐBSCL”.

Theo tinh thần mới, cả đồng bằng chỉ có một quy hoạch tổng thể. Tất cả các quy hoạch khác, quy hoạch ngành là cụ thể hoá, diễn dịch của quy hoạch này.

Chúng ta có bản vẽ tổng thể của bộ máy trước rồi mới làm các thành phần theo đó thì ráp lại mới thành bộ máy vận hành trơn tru. Quy hoạch của địa phương cũng vậy, sẽ là cụ thể hóa của quy hoạch tổng thể. Đây là cách làm mới mang tính lịch sử. Vận hội của ĐBSCL đang tới. Chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết 120 sẽ đưa đồng bằng tới một tương lai thịnh vượng”.

(Chuyên giá ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện)

Giải quyết nhóm vấn đề nội tại của ĐBSCL

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, không nên chỉ nhìn vào danh sách những vấn đề khó khăn của ĐBSCL để chùn bước. Nếu khéo léo vượt qua thì chẳng những có thể khắc phục được vấn đề, thách thức mà đồng bằng đang đối diện, còn đi tới được một tương lai thịnh vượng. Trong ba nhóm vấn đề, Nghị quyết 120 sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề nội tại của đồng bằng.

Sản xuất dưa lưới trong nhà màng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất dưa lưới trong nhà màng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Đảm.

Chúng ta không thể giải quyết được tác động từ phía thượng nguồn đến bằng Nghị quyết. Chúng ta cũng không giải quyết được việc nước biển dâng bằng Nghị quyết 120 nhưng mà sẽ giải quyết được việc phục hồi sức khỏe đất đai, phục hồi sức khỏe sông ngòi. Từ đó, giảm được sử dụng nước ngầm bớt sụt lún. Đất đai sẽ khỏe khoắn hơn, tôm cá sẽ quay trở lại. Khi đó, nguồn đầu tư chú ý vào đồng bằng sẽ rất lớn. 

Một khi, ĐBSCL được đầu tư nhiều hơn để phát triển bền vững sẽ có khả năng ứng phó với những tác động từ bên ngoài tốt hơn. Hoàn toàn thấy được, mặc dù đồng bằng đang đối diện nhiều khó khăn nhưng tương lai sáng đang ở phía trước với Nghị quyết 120, với Luật Quy hoạch 2017 và Liên kết vùng năm 1993.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.