Kết quả cuối cùng: Tiền lời nhiều nhất
Đến với vùng đất xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đây là khu vực gặp nhiều khó khăn trong canh tác lúa do đất bị nhiễm phèn, đi kèm với tập quán canh tác truyền thống của bà con là sạ dày nên chịu ảnh hưởng của sâu bệnh. Cộng thêm giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cao khiến lợi nhuận sau mỗi vụ lúa của bà con nông dân không đạt như mong đợi.
Nông dân Cao Văn Long Ân ở xã Ô Long Vĩ tham gia mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ đông xuân 2021 - 2022 do Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai. Sau khi được các nhà khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về canh tác lúa, vụ mùa vừa qua ông khá hài lòng khi tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất.
“Theo tập quán cũ, trước đây gia đình tôi sạ từ 120 - 130 kg/ha, giờ đây sạ cụm theo mô hình canh tác thông minh, lượng giống đã giảm khoảng 50%, chỉ còn 65 kg/ha. Bên cạnh đó, giảm phân, giảm được thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường, lợi nhuận kinh tế cao”, ông Cao Văn Long Ân đánh giá.
So với phương pháp sạ lan phổ biến hiện nay, mô hình sử dụng máy sạ cụm, gieo sạ theo cụm, hàng như ruộng cấy, máy có thể điều chỉnh được khoảng cách giữa các hàng, các cụm và số lượng hạt giống ở mỗi cụm theo yêu cầu của từng mùa vụ canh tác.
Qua kết quả triển khai mô hình thực nghiệm tại một số hộ nông dân ở xã Ô Long Vĩ, ưu điểm nổi trội của phương pháp sạ cụm là lượng giống tối thiểu sử dụng chỉ từ 40 - 60 kg/ha so với phương pháp sạ lan lượng giống sử dụng phổ biến lên đến từ 120 - 150 kg/ha, góp phần tiết giảm đáng kể lượng hạt giống.
Trên nền phân bón tự do và bón phân theo tập quán của địa phương thì mô hình sạ cụm cho năng suất 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,7 tấn/ha so với năng suất của mô hình sạ lan chỉ đạt 6,5 tấn/ha (tăng 11% về năng suất lúa). Về lợi nhuận đạt được, đối với mô hình sạ cụm cho lợi nhuận 19,4 triệu đồng/ha, cao hơn 2,4 triệu đồng/ha so với lợi nhuận của mô hình sạ lan cùng bón phân tự do hiện có trên thị trường chỉ đạt 17 triệu đồng/ha (tăng 14% về hiệu quả kinh tế).
Không ai có thể làm thay cho nông dân được
PGS.TS Mai Thành Phụng - Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chỉ rõ: Không ai có thể làm thay cho nông dân được nếu nông dân không chủ động ứng dụng những giải pháp đồng bộ khoa học kỹ thuật. Nông dân nói cho nông dân nghe là một cách thuyết phục nhất. Điểm nhấn trong canh tác thông minh là cuối cùng phải đảm bảo tiền lời nhiều nhất.
Theo PGS.TS Mai Thành Phụng, bà con nông dân thường lầm tưởng sạ dày mang lại năng suất, lợi nhuận cao. Thế nhưng ông cũng chỉ ra một thực tế sạ càng dày chồi nhiều chứ bông không có. Sạ càng ít khoảng không gian rộng ra, bông lúa lấy được ánh sáng nhiều, số hạt chắc trên bông nhiều hơn từ 3 - 10 hạt. Đó là vấn đề mà các nhà khoa học mong muốn bà con nông dân, làm sao năng suất tăng, giữ vững số bông trên đơn vị diện tích 400 - 500 bông, nhưng phải tăng được số hạt chắc trên mỗi bông.
Đứng trước bối cảnh giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao, cùng với việc tìm lời giải điều tiết giá cả trên thị trường, ngành nông nghiệp định hướng thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, các mô hình canh tác thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu và điều kiện sinh thái của từng địa phương. Xưa nay, bà con nông dân mong muốn tăng sản lượng thông qua việc sử dụng phân bón vô cơ, điều này không thể thay đổi ngay hoặc trong thời gian ngắn.
PGS.TS Mai Thành Phụng nhấn mạnh: “Chương trình canh tác lúa thông minh giảm phân, giảm thuốc BVTV, sạ cụm cho hiệu quả cao hơn, sâu bệnh ít. Nông dân phải chủ động tìm ra các giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cho mình. Cây lúa sạch không có con gì tìm đến là bất thường, các loại sâu bệnh với số lượng ít tạo nên một hệ sinh thái cho đồng ruộng, là mồi của thiên địch. Xịt thuốc phải thông minh, ở mức tiết kiệm nhất".
Nhân rộng trong vụ hè thu 2022
Mô hình canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với mục tiêu gia tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân và nhất là tăng tính chủ động trong canh tác một cách thông minh trước những tác động của biến đổi khí hậu và thị trường.
Bên cạnh đó, mô hình giúp nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến như áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ... nhằm giảm giá thành sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế. Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Qua đây, nông dân sẽ có nhiều điều kiện được tìm hiểu, tiếp cận phân bón chuyên dùng mới cho cây lúa, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Đến nay, chương trình đã thực hiện được 5 vụ canh tác, với 294 mô hình. Năng suất lúa trung bình của các mô hình tăng 0,42 tấn/ha (7,16%), chi phí sản xuất giảm 1,42 triệu đồng/ha (7,54%), lợi nhuận tăng 4,45 triệu đồng/ha ( 27,62). Kết quả đạt được rất tốt và ổn định qua nhiều mùa vụ với nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Khuyến khích phương pháp sạ cụm
Ông Ngô Văn Đây - nguyên Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Bà con nông dân mong muốn sạ dày với mục tiêu sạ dày nhiều chồi, nhiều bông nhưng thực chất không tăng lên bao nhiêu cả. Chúng ta giải quyết bài toán tăng năng suất bằng phương pháp sạ dày là không khả thi, không đúng với lý thuyết của các nhà khoa học đã đưa ra.
Thực tế, qua nhiều chương trình thực nghiệm trên chính đồng ruộng của bà con nông dân tại các địa phương vùng ĐBSCL, phương pháp sạ thưa, sạ cụm giúp tiết kiệm đáng kể lượng lúa giống. Khuyến khích bà con mạnh áp dụng phương pháp sạ này trong vụ hè thu 2022.
Để tăng năng suất cây trồng, nông dân không đơn thuần chỉ nghĩ về một giải pháp kỹ thuật đơn lẻ mà cần phải thực hiện một giải pháp kỹ thuật tổng hợp, từ làm đất, giống, phân bón, hình thức sạ, chăm sóc sau sạ… liên thông điều hòa thì sẽ đạt được năng suất tối ưu.
Giải pháp tổng hợp là cộng gộp, cộng hưởng các lợi thế của phân bón và hình thức sạ cụm, đây là cái hay của giải pháp kỹ thuật tổng hợp để tác động đến cây trồng, tăng năng suất. Hình thức sạ cụm cho năng suất cao nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất, chi phí phân bón thấp nhất. Giảm giống đồng thời sẽ giảm phân bón, thuốc BVTV và các chi phí khác”.