| Hotline: 0983.970.780

'Cầu cứu' Thủ tướng xem xét vấn đề cá tầm Trung Quốc

Thứ Năm 31/12/2020 , 10:55 (GMT+7)

Cộng đồng nuôi cá tầm ở Việt Nam kiên nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bởi thực trạng nhập cá tầm Trung Quốc đang đe dọa cá tầm Việt Nam.

Kiến nghị Thủ tướng xem xét vấn đề cá tầm Trung Quốc tràn lan thị trường Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu.

Kiến nghị Thủ tướng xem xét vấn đề cá tầm Trung Quốc tràn lan thị trường Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nuôi cá tầm ở Việt Nam vừa có đơn kiến nghị “cầu cứu” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét các vấn đề liên quan đến việc nhập cá tầm từ Trung Quốc.

Theo nội dung đơn kiến nghị do ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, đại diện cộng đồng nuôi cá tầm Việt ký gửi Thủ tướng, trong thời gian qua, cá tầm Trung Quốc nhập chính ngạch và nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến ngành nuôi cá tầm trong nước và ảnh hưởng đến chất lượng của cá tầm Việt Nam. Đặc biệt, chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm tra, kiểm định đang có nguy cơ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Về lâu dài, những lỗ hổng trong việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc có thể sẽ giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước.

Theo thống kê, cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu qua đường chính ngạch và nhập lậu một cách ồ ạt với số lượng lớn dùng làm thực phẩm, số lượng năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính 2020 là trên 1.000 tấn.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các đối tượng cá nước lạnh được phép nuôi tại Việt Nam từ những năm 2005 gồm: cá tầm Xibêri (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), cá tầm lai (lai giữa 2 loài Acipenser ruthenus và Huso huso). Đây là những loài đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục sản xuất thông thường và được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc từ cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Việc nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm không có trong danh mục sản xuất thông thường mà phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Chúng tôi được biết Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT chưa cấp phép nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm ngoài danh mục được sản xuất thông thường. Tuy nhiên cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc được nhập về có nhiều giống cá lai không nằm trong danh mục sản xuất thông thường nói trên mà thuộc nhiều dòng lai khác nhau của cá tầm Amur (Acipenser schrenckii), cá tầm Kaluga (Huso dauricus), cá tầm Xibêri (Acipenser baerii) … không được kê trong danh mục cho phép”, văn bản “cầu cứu” Thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo cộng đồng nuôi cá tầm ở Việt Nam, bên cạnh việc nhập lậu, thẩm lậu, các tổ chức, cá nhân còn lợi dụng chính sách cho phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc để nâng không khối lượng, cá tầm Trung Quốc ngoài danh mục được bày bán tràn lan trong các chợ đầu mối, các trung tâm đô thị, trà trộn vào cá tầm Việt Nam khiến người tiêu dùng bị đánh lừa…

Theo nhiều chuyên gia có những loại cá tầm Trung Quốc lai ngoài danh mục cấp phép đang được bày bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo nhiều chuyên gia có những loại cá tầm Trung Quốc lai ngoài danh mục cấp phép đang được bày bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu.

Đơn kiến nghị của cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam thể hiện, nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 2005, với sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, nghành và sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã phát triển thành một nghề nuôi có tiềm năng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng cá tầm năm 2020 của cả nước đạt trên 3.700 tấn, chiếm hơn 11,5% tổng sản lượng cá tầm toàn thế giới, giá trị kinh tế đạt trên 500 tỷ đồng, tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007-2020 đạt trung bình 68,75%/năm, không những góp phần tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính đến nay mô hình nuôi cá tầm đã có mặt tại hơn 25 tỉnh thành trên cả nước với sự đóng góp của hơn 300 công ty, hợp tác xã, hộ nuôi trồng...

Tuy nhiên, những thành tựu, tiềm năng phát triển của cá tầm Việt Nam đang bị những lỗ hổng trong việc nhập khẩu, nhập lậu cá tầm Trung Quốc đe dọa và đứng trước nguy cơ bị bóp chết. Chính vì vậy, đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kính đề nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để việc thẩm lậu cá tầm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc và vấn đề nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc không nằm trong danh mục loài được cấp phép.

Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các kẽ hở, nguy cơ từ việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc, thành lập hội đồng khoa học thực hiện thẩm định kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam có đúng quy định pháp luật hiện hành hay không? Siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các cửa khẩu thường xuyên nhập khẩu cá tầm như Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng, Thanh Thủy… bảo đảm thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định hiện hành. Tổng cục Quản lý Thị trường thực hiện sát sao công tác quản lý, nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, phòng chống và xử lý các hành vi kinh doanh cá tầm nhập lậu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật, đặc biệt là tại các đầu mối giao thương lớn như TP Hà Nội (Chợ đầu mối Yên Sở) và TP.HCM (Chợ đầu mối Bình Điền).

“Chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) điều tra, làm rõ, xử lý việc nhập lậu, thẩm lậu cá tầm từ Trung Quốc”, đơn kiến nghị nêu.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.