Nếu đến đất nước Bỉ những ngày cuối thu, nhìn những cánh đồng hoa cải và hoa Phacelia bát ngát, bạn dễ nghĩ đấy là cải lấy dầu, cải lấy mù tạt hay cánh đồng hoa để chụp ảnh chơi? Không phải thế, là cải mù tạt và cây Phacelia che phủ đất đấy.
Tại sao cây che phủ đất lại là cải, không phải cây họ đậu?
Sau khi thu hoạch mùa màng vào tháng 8, nông dân Bỉ sẽ bón phân hữu cơ, cày, bừa trộn phân vào đất. Để giữ đạm (N), không để gốc nitrat - NO3 bị ngấm xuống mạch nước ngầm và để bảo vệ đất không bị xói mòn bởi nước mưa, bởi gió, người ta gieo hạt cải mù tạt (Brassica juncea) hay Phacelia (Phacelia tanacetifolia). Trước khi mùa đông đến, chúng nở hoa làm đẹp cảnh quan là phần thưởng cho con người và mật, phấn hoa cho ong. Mùa đông đến, cây che phủ sẽ chết, sinh khối của chúng sẽ cung cấp chất hữu cơ, dinh dưỡng cho đất.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU cấm trồng cây che phủ là cây họ đậu vì không đáp ứng yêu cầu hấp thu nhanh NO3. Họ không cần cố định N từ không khí trong thời gian này, họ cần giữ không cho NO3 trôi xuống mạch nước ngầm. Cải mù tạt lớn nhanh, hấp thu N nhanh, giữ N trong sinh khối của nó. Mùa đông đến nó bị chết và nhanh bị phân hủy nên nó được chọn làm cây che phủ. Cây Phacelia hấp thu N không nhanh bằng cải mù tạt, nhưng nó lại không chung họ với cây trồng nào, không duy trì nguồn sâu hay bệnh hại cây trồng nên được chọn. (Cũng có thể do màu xanh - tím của hoa làm người ta để ý đến nó trước sau đó rồi người ta tìm hiểu, giống như bạn bị thu hút bởi sắc đẹp của một cô gái lần đầu gặp gỡ?).
Tấc đất tấc vàng. Chúng ta đừng chỉ khai thác mà cần bảo vệ nó. Tôi nghĩ đến những khoảnh đất dốc trống bị xói mòn sau khi thu hoạch ngô ở Điện Biên năm 2008. Không biết giờ ra sao? Việc chặt phá cây, đốt rẫy trồng ngô trên đất dốc là không hợp lý. Lợi ích kinh tế không bù đắp nổi thiệt hại về môi trường. Theo bạn thì chúng ta có nên nhanh chóng che phủ các khoảnh đất trống đó bằng cỏ vetiver rồi sau đó trồng cây rừng không? Bạn sẽ hỏi thế người dân sống bằng gì? Tôi thấy một số vùng như Lai Châu người ta trồng cây dược liệu như atiso, đương quy, giá trị kinh tế khá cao. Cũng Lai Châu, người dân được trả tiền để bảo vệ rừng. Nhà nước phải có ngân sách từ thuế chi trả cho bà con vùng cao bảo vệ rừng vì rừng không chỉ che chở cho người dân vùng cao mà là cho tất cả chúng ta.
Việc đưa cây ngô thức ăn chăn nuôi lên miền núi còn làm mất đi những giống ngô bản địa quý. Tôi từng đọc bài phỏng vấn Daniel Nguyễn trên Báo Thanh Niên, rồi lại xem anh trải lòng tại Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây. Anh ấy đã rất vất vả để tìm lại được các giống ngô bản địa, làm nguyên liệu chế biến ra loại rượu ngô 600 - 700 USD/lít bán ở nước ngoài.
Bạn sẽ nói chúng ta thiếu ngô làm thức ăn chăn nuôi, phải nhập từ nước ngoài. Những người viết công thức cho thức ăn chăn nuôi vui lòng cho biết: Có thể dùng gạo nguyên cám thay ngô không?
Bạn có thực sự hiểu bài một thời đứa trẻ nào cũng thuộc lòng:
“Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”
Bạn đã bao giờ nhìn thấy cây núc nác? Tôi thấy rồi, nhưng lúc đó là mùa đông, chỉ có quả lắc qua lắc lại vì gió, không có lá. Quả núc nác non được luộc làm rau. Vỏ thân cây ngâm với rượu để chiết xuất dược chất có tác dụng chữa bệnh liên quan đến dạ dày, gan… Nó được trồng hay mọc ở độ cao trên 700m thì dược tính mới tốt. Vậy nên có những cây muốn mang từ miền núi xuống đồng bằng cũng không mang được. Do đó đừng để cây đồng bằng lấn át diện tích của các cây mà chỉ ở miền núi mới mang lại giá trị sử dụng cho chúng ta.
Việc làm mất rừng, đất bị xói mòn, sạt lở, nước không trữ trong rừng trong mùa mưa gây lũ lụt, rồi cũng vì không trữ nước nên mùa khô lại hạn hán. Chúng ta hay gọi đó là thiên tai. Liệu khái niệm này có đúng?
Chúng ta nên làm gì để bảo vệ đất, nhất là đất từng là đất rừng?