| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/06/2024 , 06:15 (GMT+7)
Hương Phạm

Hương Phạm

Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm 06:15 - 25/06/2024

Một miền quê đáng sống

Ngày hội Lúa - Rươi, đây là lần thứ hai tôi được mời tới An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương. Chỉ cần qua cổng làng, bạn sẽ thấy đây đúng là một miền quê đáng sống.

Ngày hội Lúa - Rươi, đây là lần thứ hai tôi được mời tới An Thanh, Tứ Kỳ - Hải Dương. Lần trước không nhớ lý do vì sao tôi lại không đến được. Và vì thế, ngày hội Lúa - Rươi diễn ra hôm 12/6/2024 là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nơi này.

Tôi có một anh bạn ở đây, là anh Nhận. Anh em nhiều lần hẹn nhau, rằng một ngày tôi đến An Thanh, anh sẽ đón. Tôi cũng rất mong một ngày đến nơi này, được tận mắt chứng kiến những khoảng màu xanh của cây cối, ruộng đồng, của lũy tre xanh, của vạt cỏ xanh triền đê như em Nhường, đồng nghiệp của tôi từng miêu tả.

“Một miền quê đáng sống” là cụm từ em nói với tôi khi em đi từ An Thanh về. Vậy mà cứ mải miết đi tận đâu, ngay quê mình đến hôm nay mới về.

(Có phải cũng như việc về nhà với cha mẹ. Con trẻ cứ mải mê với học hành, công việc, thậm chí là đi đây đó, sợ bỏ qua thì mất cơ hội, luôn cho rằng mình có thể về nhà bất cứ khi nào, cha mẹ luôn chờ mình ở đó).

Chỉ cần qua cổng làng, bạn sẽ thấy đây đúng là một miền quê đáng sống. Những khóm tre không chỉ được trồng để bảo vệ đê mà ở cả trong làng. Với tôi, cây tre là cây thân thuộc của các vùng quê Bắc bộ. Nếu bạn là người dị ứng với thuốc trừ cỏ thì bạn sẽ nhận ra ngay, đây đúng là một miền quê bạn mơ ước. Đâu đâu cũng màu xanh.

Ngoài những điều em Nhường kể cho tôi nghe, tôi còn thấy những cây dừa sai quả soi bóng xuống mặt ao, những hàng dừa non trên cánh đồng. Tôi rất muốn dừng lại để ghi lại tất cả vào điện thoại, nhưng vì là ngày hội, không muốn mất cơ hội được chứng kiến những gì đang diễn ra trong ngày hôm đó nên anh Nhận chở tôi đi thẳng đến khu vực hội trường ở giữa cánh đồng.

Thật may mắn tôi được nghe bài chia sẻ đầy tâm huyết về nông nghiệp hữu cơ - nông nghiệp tử tế - về cảm xúc của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với mảnh đất này. “Vì yêu mà đến”, ông nói hiếm có xã nào mà ông đến rồi trở lại lần hai vì cả nước có hơn 11.000 xã cơ mà. Nhưng An Thanh, Tứ Kỳ thì khác.

Ông thật sự yêu mến nơi này. Ông nói nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp tử tế, nông nghiệp vị nhân sinh, vì sức khỏe con người, sức khỏe cây trồng, vật nuôi, sức khỏe đất, môi trường nước và không khí, chống biến đổi khí hậu, cho hôm nay và mai sau.

Lấy ví dụ để minh chứng nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp tử tế, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể ông gặp một người nông dân Đồng Tháp trồng ổi và xoài hữu cơ. Bác ấy nói với ông, rằng gần đây bác ấy đi đám tang nhiều người qua đời khi còn trẻ quá, vì bệnh ung thư. Bác ấy nghĩ có thể do thức ăn có dư lượng hóa chất hay môi trường ô nhiễm. Vậy nên bác ấy quyết tâm trồng xoài và ổi hữu cơ dù chưa biết có thành công hay không.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi từ canh tác thông thường sang canh tác hữu cơ là việc làm không hề dễ. Người Nhật coi việc chuyển đổi canh tác lúa thông thường sang canh tác lúa hữu cơ là một cuộc cách mạng.

Hôm đó, chứng kiến việc gặt tay ở ruộng rươi lầy bùn, tôi thấm thía câu thơ mà người đứng đầu ngành nông nghiệp đọc trong bài phát biểu (ông nói ông đọc được câu này ở một ngôi chùa tại Thái Bình).

“Ở đây một hạt cơm rơi

Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”.

Đừng lãng phí thức ăn bạn nhé. Việc này không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn trân trọng công sức của người nông dân vất vả làm ra hạt thóc, củ khoai.

Trưa hôm đó, tôi ăn trưa cùng các anh chị ở nhà anh Chiến, một thành viên của HTX. Bữa cơm thân mật có món cáy nấu canh rau đay, rất ngon. Anh Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX chia sẻ: “Cáy là món lành. Ngày xưa các cụ làm mắm cáy ủ một năm để các bà mẹ mới sinh ăn với cơm”.

Có lẽ thế hệ chúng tôi đều lớn lên nhờ sữa mẹ ăn cơm với mắm cáy cộng thêm quả trứng gà cả nhà dành dụm cho mẹ và bé cùng rau ngót trong vườn. Can xi từ mắm cáy và trứng gà, cộng với việc 'bêu' nắng của trẻ con nông thôn hồi đó giúp chúng tôi không bị còi xương (lớp cấp 3 của tôi, bạn nữ cao nhất 1,63 m, bạn nam cao nhất 1,78 m).

“Đừng bao giờ đi ăn một mình” (tên một cuốn sách), thật đúng với nhiều tình huống. Bên mâm cơm, tôi được nghe các anh chia sẻ kinh nghiệm để rươi không vỡ khi bị nhấc lên khỏi mặt nước, nhất là vào tháng 12, khi độ mặn nước tăng lên (độ mặn nước phần nhiều ở mức 1, mặn nhất vào tháng 2-3, có thể tới 2-5 vào một số ngày). Rươi được thu hoạch từ cuối tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, phụ thuộc con nước.

"Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm" (theo âm lịch), các anh bảo, thường muộn hơn là từ 24-25/9 âm lịch. Anh Luận cũng nói ưu thế của hệ sinh thái lúa - rươi. Cây lúa không chỉ mang lại lương thực, tăng thu nhập mà còn che nắng cho mặt ruộng, làm nhiệt độ mặt ruộng không quá cao, đồng thời che phủ mặt ruộng hạn chế đất bị xói mòn khi có mưa lớn. Các anh cũng chia sẻ sẽ cùng nhau mua máy tuốt để chuyển diện tích gặt máy sang gặt tay để bảo vệ con rươi.

Rươi thu hoạch theo mùa, cáy thu hoạch quanh năm. Cáy vùng này rất ngon. Nếu bạn ở Hải Dương mà muốn được ăn cáy An Thanh thì thật dễ dàng, chỉ 45-50 phút là xe buýt chạy từ An Thanh về đến bến xe phía Tây.

Ngoài lúa - rươi - cáy, chuối hữu cơ trồng trên bờ có quanh năm nữa. Bạn có thể đặt luôn cả buồng chuối gửi theo xe.

Xin kết thúc bài viết bằng lời nhắn nhủ của người An Thanh khi thuyết trình mâm cơm ở phần thi nấu ăn trong ngày hội Lúa - Rươi: “Thực khách hãy cảm nhận hương vị thức ăn không chỉ bằng vị giác mà bằng cả trái tim”.

Bình luận mới nhất