Trong bài viết này, tôi tiếp tục chia sẻ chủ đề này, bắt đầu từ những quan sát về sản xuất rau hàng hóa ở vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).
Diện tích canh tác nông nghiệp của mỗi hộ dân ở ĐBSH thấp, mỗi hộ chỉ dăm ba sào Bắc bộ (1 sào Bắc bộ = 360m2). Với diện tích nhỏ như vậy, có cấy hai vụ lúa/năm nông dân cũng khó có thể kiếm tiền từ cây lúa. Nếu chỉ trồng trọt, họ cho con ăn học và các chi phí khác là trông chờ vào rau màu hoặc cây ăn quả. Cây ăn quả thì những diện tích trồng lúa được chuyển đổi cách đây chừng 10 - 15 năm, đào ao thả cá và đổ đất lên để trồng cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, ổi… Và không phải ai cũng đủ lực về kinh tế và nhân công để thực hiện việc chuyển đổi này. Phần đông nông dân ĐBSH trông chờ việc kiếm tiền từ trồng rau.
Nói vậy để hiểu rằng sản xuất rau quan trọng với nông dân ĐBSH cỡ nào. Người ta rất cố gắng để rau đạt năng suất cao nhất. Tuy nhiên, việc chăm sóc của họ đôi khi quá mức cần thiết, thậm chí hại cho cây rau, tốn phân bón (vừa tốn tiền vừa lãng phí tài nguyên), hại cho môi trường đất và nước. Tôi có một tấm ảnh chụp ở ngoại thành Hà Nội, ruộng rau xanh tốt, mới mưa xong, đất ẩm có dư, mà một chị vẫn gánh phân được hòa trong nước thành dung dịch tưới cho rau. Chị không biết rằng chị đã làm rau phải chịu đựng thêm áp lực thừa nước. Lật lá bắp cải lên, mặt lá dưới đã có dấu hiệu dư nước rồi.
Những tấm ảnh khác tôi chụp ở Hải Dương, ruộng bắp cải đã cuốn chặt, vẫn thấy đỏ một lằn phân KCl trên mặt luống, còn lân rắc đầy mép luống, không nhìn thấy phân đạm nhưng thấy tảo mọc xanh rì ở rãnh thì biết là đạm cũng được bón không ít. Đo EC ở độ sâu 70 cm đạt 1.8 dS/m, quá cao so với ngưỡng phù hợp 0.2 - 0.5 dS/m, chứng tỏ bón quá nhiều đạm (N) và nhiều NO3 bị thấm sâu. Nông dân trồng hành củ ở Kinh Môn, Nam Sách (Hải Dương) đang bón tới 100kg lân Lâm Thao (16.5% P2O5) cho 1 sào hành củ mỗi vụ.
Việc bón quá nhiều phân không chỉ lãng phí tài nguyên, tổn hại môi trường (như NO3 trong nước mặt và nước ngầm do bón nhiều N, Cadimi (Cd) tích lũy trong đất do bón nhiều lân), mà còn gây bất lợi cho cây trồng. Thừa N thì rõ rồi, cây sẽ mẫn cảm hơn với sâu và bệnh, là vòng luẩn quẩn, tăng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau thì nan giải lắm. Rất có thể trong đầu bạn mặc định người nông dân chừa ra một luống để nhà ăn, không phun, còn phun những luống để bán. Nếu có thật như vậy cũng là do sự hiểu biết của họ còn hạn chế.
Bản chất người nông dân là lương thiện.
Ngày bé, lúc đi cấy lúa cùng bà ngoại, bà dạy tôi phải xoa bằng những vũng chân rồi mới cắm cây mạ xuống. Nếu không nó sẽ nổi lên, không sống được, nó sẽ trách mình: “Người ta xanh tốt rầm rà/Mà tôi héo hắt hỡi bà cấy ơi”.
Sự thật là nếu dùng thuốc độc hại thì người nông dân bị phơi nhiễm trước. Những người phun thuốc bảo vệ thực vật thì đi chân trần, không khẩu trang, không bộ đồ bảo hộ, thậm chí không cả găng tay. Luống rau chừa lại cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc, bởi có che chắn gì đâu. Cách chỗ phun vài trăm mét mà thuận chiều gió, vẫn phát hiện mùi thuốc bảo vệ thực vật cơ mà.
Những người nông dân ngày nay có trình độ thì bản tính lương thiện được thể hiện rõ. Như một anh nông dân Đồng Tháp tên là Ba Thu mà tôi gặp thì “mình chỉ là học trò”. Tôi đã ghi chép tỉ mỉ những lời vàng ngọc của các anh ấy.
Anh Ba Thu nói rằng anh đang nghĩ cách để khống chế bệnh thán thư trên quả xoài, nhất là lúc quả vừa đậu mà gặp mưa để không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh thấy có lỗi vì phải để những người làm công phun thuốc “vì miếng cơm manh áo người ta phải làm công cho mình. Mình để người ta phải tiếp xúc với thuốc độc hại thì không nỡ chút nào”.
Như vậy, để sản xuất rau hàng hóa an toàn, ở ĐBSH hay bất cứ nơi nào, ngoài thể chế, quy định của Nhà nước thì việc trang bị kiến thức cho người nông dân là một trong những khâu thiết yếu. Thông điệp “No Farmers - No Food - No Future” (Không có nông dân - Không có lương thực, thực phẩm - Không có tương lai) mà tôi nhìn thấy sau một chiếc xe ô tô ở Bỉ cần được truyền đi muôn nơi.
Bạn có nghĩ vậy không?