| Hotline: 0983.970.780

Cây hoa mộc đời người

Thứ Tư 02/02/2022 , 14:10 (GMT+7)

Chiều buông, tôi và ông Hoa ngồi nhâm nhi chén rượu quê, chẳng biết rượu thơm hay hoa mộc thơm mà ly rượu cứ nồng nàn và ngọt mãi trong tâm tưởng.

Cây hoa mộc của nhà ông Nguyễn Văn Hoa.

Cây hoa mộc của nhà ông Nguyễn Văn Hoa.

Mẹ kể: Khi về làm dâu nhà tôi cái bể và hai cây cảnh đã có từ lâu rồi. Đó là một cái bể cảnh xây bằng gạch, bởi vậy nên thành bể uốn lượn mền mại. Diện tích mặt nước bể khoảng 2m2 hình cái khánh đá trước ngôi nhà khách. Trong lòng bể có hòn non bộ bằng đá xanh vùng Đông Triều (Quảng Ninh).

Nghe nói, cụ ngũ đại nhà tôi lúc sinh thời có năm người con trai nên mời thợ xây bể và chắp ngọn núi ngũ nhạc (năm ngọn) này… Hai bên cạnh bể trồng hai cây cảnh, bên trái là cây trà phấn hồng, bên phải là cây đào thất thốn. Nhơm nhớm biết thì cây đào không còn nữa, tôi hỏi mẹ: Sao lại gọi là đào “thất thốn”.

Mẹ bảo: “Thốn” là… một đốt ngón tay. Cứ mỗi một đốt ngón tay cây đào lại phát một nhánh nên cành lá xum xuê lắm. Vào mùa xuân cây rực hoa, ai không biết cứ tưởng là “cây giả” cắm vào trong chậu. Sang hè cây chỉ to hơn cái bu gà lá xanh mướt.

Cụ tôi cầu kỳ, năm nào cũng vậy cắt tỉa cẩn thận chỉ để lại trên cây 7 quả đào. Chẳng biết duy trì được bao nhiêu đời nhưng đến ông nội tôi, năm nào cũng có 7 quả… Sang thu những quả đào lộ ra, quả nào quả nấy phơn phớt hồng như má người con gái dậy thì. 5 quả chia cho năm chi con trai cụ, một quả cho gia đình bà con gái, một quả dâng lễ nhà thờ họ.

Mẹ tôi bảo: Lễ lạt xong, ông tôi cho thụ lộc, một người được một miếng đào nhỏ như miếng cau, cả nhà ngồi quây quần uống nước trà, nhấm nháp trò chuyện, cái ngọt ngào thơm thảo còn mãi đến tận bây giờ.

Sau “cải cách ruộng đất” (1954) gia đình chú tôi dính “thành phần”, cửa nhà mất sạch. Bố tôi gọi chú về chia cho ngôi nhà khách lấy chỗ ăn ở sinh hoạt. Sau đó chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, rồi chế độ bao cấp, ăn không đủ còn nói gì đến cây cảnh. Cây đào thất thốn không ai chăm sóc bị chết trong giai đoạn này.

Khoảng những năm 1966 – 1968, trong một cơn bi phẫn chú tôi phá bỏ hòn non bộ, đá núi lổng chổng ngổn ngang. Biết chuyện, ông thợ cắt tóc trong làng, cũng là địa chủ. Hai bố con ông thợ cúp đến xin đá. Bố con ông lấy gióng song, khiêng hết số đá về nhà… Còn lại cây trà, trà bạch nở từ đầu tháng mười một âm lịch, trà đỏ nở đúng dịp Tết Nguyên đán, phấn hồng phải ra ngoài giêng.

Có lẽ trong vùng không có cây trà nào lớn hơn cây trà nhà tôi, còn nhớ học lớp một tôi đã trèo lên cây trà này. Cây trà cứ thế, đến dịp lại chúm chím như nụ cười thiếu nữ với gió xuân. Vài năm sau có lẽ trong thời khắc bĩ cực nhất cuộc đời chú tôi đã chặt cây trà.

Từ xưa đến nay cây cảnh trong làng không nhiều, đa phần chỉ có ở những gia đình khá giả và bị phá hoại tan tành sau năm 1954. Cùng thời với cây trà nhà tôi còn sót lại một cây trà bạch. Nguồn gốc cây trà này của một gia đình địa chủ trong làng, Sau khi chia “quả thực”, nó được một nông dân đánh về nhà mình trồng lại. Có lẽ do ý thích nên cây trà được chăm bón và tồn tại đến những năm sau 1975.

Khoảng những năm 1980, nó được định giá bằng hai chiếc xe gắn máy Super Cub Nhật, gia đình không bán, số tiền lúc ấy có thể mua được hai căn nhà thành phố. Sau đó vài năm, cây trà mất vị thế nay nó vẫn tồn tại trong sân nhà ông nông dân kia bình thường như muôn ngàn cây cảnh khác. Nếu có khác chỉ là ở chỗ câu chuyện về nguồn gốc và cái giá “khủng” một thời…

***

Sau “đổi mới” (1990), chẳng biết có phải do kinh tế khá lên nên cây cảnh xuất hiện hầu như trong mọi gia đình từ nông thôn đến thành thị. Mỗi nhà có từ vài chậu đến vài chục chậu. Cây cảnh theo mốt, lúc thì cây vạn tuế, lúc lại trà các loại… người trồng chẳng biết đường nào mà lần. Lúc đổ xô vào cây này, mai lại dồn vào cây kia, may ai người ấy được. Song, những cây bán được giá người trồng như trúng xổ số vậy! Thế mà làng tôi có trong mươi năm trở lại đây có người hai lần trúng “độc đắc” mà lại… không lấy tiền mới là lạ. Người ấy là ông Nguyễn Văn Hoa.

Thuở thiếu thời, khoảng những năm 1964 - 1965 tôi học cùng với ông Nguyễn Văn Hoa. Học hết cấp 1 ông Hoa không đi học nữa. Sau mấy năm ở nhà phụ giúp gia đình, đến tuổi thành niên ông Hoa tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau mấy năm quân ngũ ông Hoa về làm công nhân ở một công ty xây dựng của tỉnh Hà Tây rồi nghỉ tự do theo chế độ “176” nên không có lương hưu.

Tuy sinh ra và lớn lên cùng một làng nhưng từ bấy đến nay tôi chỉ có những thông tin ngắn ngủi: Sau khi lấy vợ được vài năm, ông Hoa mua thửa đất của một gia đình đầu xóm, vợ chồng ông ra ở riêng. Đất ấy vẫn thuộc xóm Hè, làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Vợ chồng ông Hoa sinh con đẻ cái và sống bình lặng như bao gia đình khác trong làng.

Vậy mà mấy tháng nay thiên hạ rộn lên chuyện về ông Hoa, ngồi chỗ nào dân làng cũng bàn luận. Chuyện là thế này, có một tay buôn cây chuyên nghiệp đã nhiều năm qua lại làng Mông Phụ. Hôm vừa rồi, tay này đến nhà ông Hoa, sau mấy ngày xoay vần với cây hoa mộc, trước khi đứng dậy hắn bảo: Tôi trả ông năm trăm triệu đồng ông có bán không? Ông Hoa bảo: Tôi không bán…

Cái tin cây hoa mộc nhà ông Hoa có giá năm trăm triệu như một luồng điện loang ra khắp làng. Có người bảo: Năm trăm triệu mà không bán có lẽ ông Hoa bị… rồ mất rồi. Số tiền như vậy đâu có phải ít, người làm ruộng cảy đầu cắm cổ suốt cả đời không phải ai cũng có được! Mấy ngày sau hắn quay lại trả một tỷ đồng ông Hoa vẫn không bán.

Trước khi đi, tay buôn cây buông một câu sõng sượt: Tôi trả ông một tỷ ba trăm triệu ông có bán không? Hắn nghĩ với giá tiền này cho một cây hoa mộc thì không ai có thể từ chối. Ông Hoa vẫn một mực lắc đầu.

Trước khi đi hắn hỏi lại: Thế bao nhiêu thì ông bán. Ông Hoa bảo: Tôi không bán nên cây không có giá nào… Thật, làng tôi… rồ chứ không phải ông Hoa. Có mấy ngày từ năm trăm triệu lên một tỷ ba trăm triệu đồng cho cây hoa mộc!

Cả làng, cả xã ai biết chuyện cũng đều… choáng váng! Họ đem so sánh ngay thổ đất giáp lai bên nhà ông Hoa, nhà này xẻ đôi bán đi một nửa, diện tích là 150m2 với số tiền là 700 triệu đồng. Ấy vậy mà cây hoa mộc nhà ông Hoa cao khoảng 4 - 5m, đường kính gốc hơn 20cm, cây mới được trồng từ ngày ông Hoa ra ở riêng hơn bốn chục năm nay… Giá một cây mộc bằng hai thổ đất làng cổ, thật là chuyện bất ngờ với tất cả mọi người.

Trong mọi cuộc bàn tán về vụ mua bán cây nhà ông Hoa, người nói ngược, kẻ nói xuôi chẳng biết đường nào mà lần. Một số ý kiến cho rằng ông Hoa dại, cái dại nhãn tiền hiện diện ngay trong sân nhà ông Hoa.

Trong nhà ông Hoa hiện đang có một cây sanh, cây được trồng trong chậu. Cây sanh này mấy năm trước đã có người trả đến 500 triệu mà ông Hoa không bán. Biết tin nhà ông Hoa có cây quý rất nhiều người qua lại thăm nom, trong số ấy biết ai là người tốt, người xấu. Thế là những ngày sau đó cây sanh phải mang một cái xích sắt, xích liền với một cây trồng trên nền đất sân nhà ông Hoa.

Cây cũng thời trang theo thị hiếu, mấy năm trước “sanh, si, đa, đề” được xếp hạng là “chính nhân quân tử” nên có giá lắm. Một số hội chợ cây được tổ chức ở các thành phố lớn của Việt Nam, có những cây sanh mang đấu giá vài tỷ là chuyện thường… Ấy vậy mà chỉ vài năm sau, “sanh, si, đa, đề” rớt giá thảm hại, cây làng nhàng cho không có người lấy. Ai cũng ngậm ngùi cho số phận cây sanh nhà ông Hoa.

Vài năm trở lại đây, cây mộc bỗng nhiên lên ngôi. Khách mua với những cây bình thường cứ đo đường kính gốc cây mà đặt giá, 1cm một triệu đồng. Cây mộc nhà ông Hoa là trường hợp đặc biệt. Cũng trong thời gian đó hai cây mộc trong làng bán với giá cao ngất ngưởng. Cây mộc nhà ông Anh bán 480 triệu, cây mộc nhà bà Lan là 460 triệu… Nếu một vài năm nữa, cây mộc nhà ông Hoa lại chịu chung số phận như cây sanh trong sân thì như thế nào nhỉ!

***

Tôi cứ day dứt nhớ về một thời gian khó, mấy chục năm sau tôi tìm đến ngôi nhà số 46, phố Ngô Quyền thị xã Sơn Tây, đây là gia đình ông thợ cúp đã mua sau khi bán nhà ở làng ra phố sinh sống. Ông thợ cúp đã mất, người con trai đã luống tuổi chỉ tôi lên tầng thượng. Trên tầng thượng là nơi đặt bàn thờ lúc cha ông còn sống và vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến tận bây giờ. Dân làng tôi bảo: Ông thợ cúp là một người đặc biệt, sinh thời ông ăn chay vì tu tại gia.

Dân gian có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tu tại gia khó nhất là bởi không có ai ràng buộc mình ngoài bản thân mình. Tôi đứng lặng trước bàn thờ nhà ông thợ cúp, không có gì cả, trên tường chỉ duy nhất có một bức thủy mặc cổ đặc tả chân dung vị Bồ Đề Đạt Ma, tổ thứ sáu của Thiền phái Ấn Độ. Dưới gầm bàn thờ lổng chổng đá xếp không theo một trật tự nào. Tôi nhận ra số đá đó là đá núi của các cụ nhà tôi.

Bỗng tiếng của người con trai ông thợ cúp sát bên cạnh: Sinh thời bố tôi đã xin số đá này về, cả đời ông mong muốn xếp lại ngọn núi “ngũ nhạc” nhưng không thành. Chuyển về đây sinh sống, bố tôi nhất định mang số đá đi theo. Cụ mất, ý tưởng phục dựng ngọn núi không thành… Tôi chợt nghĩ, cái mất đã mất rồi, cái còn chính là cái tâm của người đời. Phải chăng, đó chính là ngọn núi bền vững nhất!

Một buổi chiều cuối năm, tôi lên nhà ông Hoa để… “mục tận sở thị”. Cây hoa mộc nhà ông Hoa đúng là độc đáo, cây được trồng bên cạnh cây hương (chỗ thờ trong sân). Tính từ gốc lên khoảng hơn một mét, cây thẳng đứng không có một cành, nhánh nào. Thân cây không một tì vết, nây đều, trên một mét cây xòe ra năm nhánh, các nhánh này đều bằng nhau tăm tắp.

Đối với cây mộc đây là sự độc đáo bởi trong thực tế, cây mộc luôn phát nhánh so le nhau. Để cây phát nhánh cùng một chỗ trên thân cây đòi hỏi sự khéo tay của người chăm sóc. Sự chăm sóc này không được để lại dấu vết can thiệp của con người. Nghĩa là con người can thiệp vào cây nhưng nhìn cây phải thấy được sự sinh trưởng rất tự nhiên.

Tôi ngồi lặng bên cây mộc, quan sát ngôi nhà mái dốc đang xuống cấp tôi bảo ông Hoa: Bán đi ông ạ, bán đi mà làm nhà, anh em mình tuổi này rồi… Ông Hoa bảo: Tôi mua vật liệu rồi, mấy vạn gạch xếp ngoài cổng sắp tới tôi khởi công. Ông ạ, ngày ngày mình vẫn đủ cơm ăn, nhà cửa cuối đời mình cũng lo được cho con “kín trên bền dưới”. Cái cây mình cả đời gắn bó, ai nỡ một sớm một chiều dứt bỏ được.

Rồi ông Hoa tiết lộ: Tôi không hỏi tay buôn cây nhưng tôi biết hắn mua để làm gì rồi. Cây như thế này không dưng ai động rồ mà bỏ một món tiền “khủng” ra để mua chơi, người dân mình... tiền đâu! Cây này hắn mua về cho ai đó để biếu sếp, để tiến thân! Bọn nó tán khéo lắm: Gốc thẳng như này là thế “thoát thân”, thoát thân rồi nhưng không để lại tì vết, nghĩa là dẫu “hạ cánh” những vẫn an toàn, thời buổi này khối kẻ về hưu rồi mà vẫn phải ra hầu tòa đấy thôi.

Trên gốc cây phát 5, 7 cành nhánh đều nhau và xum xuê… là vượng mọi mặt trong đời sống. Có cái cây trồng trong biệt thự trăm tỷ, ngàn tỷ với tất cả “ham muốn” như vậy thì vài tỷ chỉ là cái phẩy tay! Mà chúng cũng không phải bỏ tiền ra mua, sẽ có kẻ khác đem cho chúng theo nguyên tắc “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Ông Hoa bảo: Lúc cha mẹ cho ra ở riêng tôi đã hạ cây mộc này với một dụng ý như thế. Song, tôi hiểu “thoát thân” trên một tinh thần khác. Nghĩa là sống ở đời luôn phải biết vươn lên, vươn lên nhưng cả đời mình không được để lại những hoen ố về tư cách phẩm chất, cành nhánh thì không phải giải thích nữa… Tôi thoáng giật mình, bao nhiêu năm nay tôi bươn chải những đâu đâu, mãi cho đến lúc gần bảy mươi tuổi về làng lại nghe bạn thủa thiếu thời triết lý hay đến như vậy.

Chiều buông, tôi và ông Hoa ngồi nhâm nhi chén rượu quê, chẳng biết rượu thơm hay hoa mộc thơm mà ly rượu cứ nồng nàn và ngọt mãi trong tâm tưởng. Tôi chợt nhớ đến câu của nhà văn Tô Hoài viết về hoa mộc: “Hoa mộc nở như đơm xôi trong kẽ lá, hương thơm rải rắc khắp lối đi”.

Và tôi hiểu, cây hoa mộc nhà ông Hoa là một triết ly nhân sinh mà cả đời ông Hoa tâm niệm. Cây mộc ấy là cây đời ông Hoa gửi gắm để cho các thế hệ sau để tự sửa mình. Như thế, cây mộc này là vô giá chứ đâu chỉ là chuyện một vài tỷ đồng…

Thế đấy, làng quê hôm nay đang chịu những tác động dữ dội từ bên ngoài, kinh tế thị trường đang khẳng định sự mạnh mẽ của tiền bạc… Song, vẫn còn rất nhiều những góc khuất bất ngờ, thú vị cho những cách sống và quan niệm sống như một giá trị bất biến mà không tiền bạc nào có thể mua được. Phải chăng, đó cũng là một cách gìn giữ bản sắc văn hóa của một làng quê!

Xem thêm
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn

Thông tin Đinh Mạnh Ninh sắp kết hôn đã được bạn bè của anh chia sẻ trong thời gian gần đây, khoảng hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới.

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

20 đội tranh giải bóng đá nam công nhân tỉnh Bình Dương

Giải khởi tranh ngày 19/5, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, nhằm hưởng ứng Tháng Công nhân và Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Dương lần thứ VIII.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.