Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm sinh năm 1974 trong một gia đình có truyền thống mỹ thuật ở Huế. Có cha là họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (1942 - 2021) và em là họa sĩ Hoàng Đăng Khanh, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm biết vẽ từ nhỏ, nhưng khi lớn lên lại chọn con đường kiến trúc nội thất.
Thế nhưng, sức quyến rũ những bức tranh vẫn không ngừng thôi thúc họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm phải thể hiện đam mê. Năm 2020, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Nghiễm” tại cố đô.
Tháng 5/2024, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm quyết định ra mắt công chúng đô thị phương Nam bằng triển lãm cá nhân “Đường kim mũi chỉ”. Với 22 tác phẩm, triển lãm chia làm bốn chủ đề “Đường kim mũi chỉ”, “Cát bụi vẫn còn”, “Hàn gắn” và “Vá khâu những tàn tích”.
Thoáng qua triển lãm, có cảm tưởng họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm may các mảnh vải cũ và mới theo bố cục mong muốn, sau đó thêm các chi tiết và màu sắc. Các đường chỉ nổi đều là chủ ý riêng của tác giả. Ngoài ra, anh còn dùng kỹ thuật khảm, chạm và kết dính nhiều vật liệu khác để tạo bề mặt kiểu phù điêu chìm cho tác phẩm.
Gọi đó là tác phẩm chất liệu tổng hợp cũng được. Thật ra, họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm tìm kiếm một ý niệm liên thông giữa vật liệu và chất liệu. Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm đã dùng một kỹ thuật “vẽ” ít giống ai để xóa nhòa khoảng cách về vật liệu và chất liệu trên tác phẩm. Nói cách khác, vật liệu trở thành chất liệu và ngược lại, nên câu chuyện và thẩm mỹ được kể, được hòa quyện ngay từ chính những “đường kim mũi chỉ” đầu tiên.
Màu sắc mà họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm chọn nhuộm lên toan được lấy từ nhiều nguồn, nhưng chủ yếu từ màu của các loại rễ cây rừng của người H’Mông ở Sapa, Ba Naa và Cơ Tu ở Tây Nguyên… Ngoài ra còn lấy từ người dân tộc ít người thiểu số ở Lào.
Có thể tình cờ, nhưng kết quả bề mặt cho thấy nhiều tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm là sự kết hợp của tinh thần huyền thoại hóa với ký hiệu, biểu tượng, biểu hiện, ý niệm và tối giản. Chính sự kết hợp ấy tạo nên một khí quyển trừu tượng phức hợp, có ý có tình.
Họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm cho biết: “Mỗi mũi khâu là một kết nối, một chữa lành, là nhịp tim, là hơi thở. Vá khâu những đứt gãy của các sợi dệt chữ thập. Hàn gắn những rạn nứt tâm hồn. Trân trọng những giá trị còn sót lại”.
Triển lãm “Đường kim mũi chỉ” của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm thực sự đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị cho các đồng nghiệp. Họa sĩ Lương Lưu Biên bày tỏ: “Xem qua loạt tranh, trong tôi dậy lên một cảm xúc trầm lắng để rồi dần dần chìm sâu vào trong những cảm xúc, chiêm nghiệm siêu hình. Đây đúng là lối vẽ của những họa sĩ có kiểu tư duy kiến trúc, có thể gọi là trừu tượng kỷ hà, hoặc trừu tượng hình học. Tất cả mọi hình thái phức tạp trong thế giới đều được rút gọn về dạng cơ bản nhất của hình học, tức cốt lõi của mọi hình hài, một cách tối giản.
Ở hình thức này, họa sĩ thỏa mãn được tư duy bố cục vững chắc một cách cực đoan của mình. Nhưng ngược với sự tối giản về hình, họa sĩ đã làm giàu cho bề mặt những mảng vuông ấy bằng màu sắc và hiệu quả thị giác từ những chất liệu vải bố gai thô mộc đầy biểu cảm. Màu sắc trầm sâu, những chuyển biến nóng lạnh nhẹ nhàng, tinh tế như lưu chứa nhiều ký ức qua thời gian.
Còn với họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh nhận định: “Với chiều sâu - chiều rộng, với tính phong phú trong hội họa thế giới cho đến hôm nay, thì gần như người ta đã khai thác hết mọi vật liệu, mọi kỹ thuật, mọi thủ thuật... Nên bây giờ người làm nghệ thuật muốn làm khác đi, muốn chọn một lối riêng là không phải điều dễ dàng. Bởi thế nên Hoàng Đăng Nghiễm lại chọn lối riêng của mình, làm tranh bằng bố gai - hay còn gọi là bao tải.
Với tính cần cù và chịu khó nghiên cứu, anh chọn tìm bao bố ở các chợ, rồi về giặt sạch, ngâm chất bảo quản, rồi nhuộm màu theo ý riêng, thỉnh thoảng đôi chỗ anh còn kẻ chữ như chữ thường in trên bao hàng, trong đó anh gởi gắm những nội dung mang những hàm ý hiện sinh, thường là những câu nói dấy lên nỗi niềm của anh về chiến tranh, về thân phận, về môi sinh”.