Bi hài chuyện tìm đường
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Phó trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên thực vật (thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) kể: Năm 2013, GS Trần Đình Long (Hội Giống cây trồng Việt Nam) đưa vào Danh mục nguồn gen giống cây trồng nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160 giống nhãn hạt trắng. Lạ ở chỗ, nếu như nhãn bình thường chỉ có hạt màu đen thì nó có hạt màu trắng (bạch nhãn) và càng ly kỳ hơn là người ta còn đồn rằng đó từng là một sản vật để tiến vua và dùng làm thuốc chữa bệnh.
GS Long cung cấp cho ông Hưng cùng TS Nguyễn Khắc Quỳnh - một đồng nghiệp
số điện thoại của người từng dẫn mình đi thực tế cây nhãn hạt trắng cách đó đã nhiều năm, mở ra một cuộc tìm kiếm gian nan và lắm bi hài.
Họ gọi điện, hẹn hò mãi mới phát hiện ra là anh này đang mắc ung thư giai đoạn cuối, không ở quê mà nằm trong Bệnh viện Bạch Mai trên Hà Nội nên chẳng thể dẫn đường được. Anh chỉ miêu tả là cây nhãn hạt trắng ấy ở nhà bà Dung ngay cổng vào nhà thờ Hà Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Cả hai xuống huyện Hưng Hà thì có một anh ở Phòng NN-PTNT bảo có cây nhãn lạ ở gần bệnh viện, tất cả cùng xuống xem nhưng không phải là cây nhãn hạt trắng cần tìm. Hôm sau, họ về xã Tân Lễ (huyện Hưng Hà), vào gặp Giám đốc HTX, được ông này nhiệt tình dẫn đi tìm dù bản thân không biết chút ít thông tin nào về cây nhãn hạt trắng. Lại nhớ đến lời người từng dẫn GS Long về, hiện anh đang nằm trong bệnh viện điều trị ung thư, họ tìm đến nhà bà Dung ở gần nhà thờ Hà Xá.
Nhưng vào khu vực đó thì thấy hai bên đường chẳng có cây cối gì mà toàn là nhà cửa san sát. Hỏi, đúng là có một bà tên Dung thật nhưng vào nhà thấy cây cối trong vườn trụi không, gia chủ bảo vừa chặt hết các gốc nhãn để lấy không gian làm giàn nuôi lan đột biến rồi. Anh Hưng nhìn anh Quỳnh, cả hai đều buồn chán vì mất bao nhiêu công sức chẳng lẽ lại công cốc quay về?
Lúc này, ông Giám đốc HTX mới nghĩ ra là trong vùng còn một ngôi chùa có sư ông rất chịu khó sưu tầm, ghép, cải tạo cây nhãn, có thể có cây nhãn hạt trắng này chăng? Sư thầy rất nhiệt tình giới thiệu với đoàn về vườn nhãn ông dày công chăm bẵm, cắt tỉa, ghép cải tạo… Và đặc sắc hơn cả là có cây nhãn cổ thụ hai đầu, mấy thầy trò chọc ngay một mớ quả bóc xem thử. Thấy hạt của nó có màu đen nhánh lại càng thêm thất vọng nhưng tính ông Hưng không dễ dàng chịu từ bỏ.
Ông Hưng kể tiếp: "Tôi quay về tra trong cơ sở dữ liệu thì được biết có anh Vũ Văn Tùng, Trưởng Bộ môn Bảo tồn insitu và Phát triển nguồn gen của Trung tâm mình dịp trước có đi điều tra về cây nhãn hạt trắng cùng với GS Trần Đình Long. Nhưng do cách đã lâu năm nên anh không còn nhớ được cụ thể mà chỉ mang máng rằng cây nhãn hạt trắng trồng ở gần bể nước của một ngôi nhà có sân, có tường hoa ngăn sân vườn xây lưng chừng, không cao không thấp. Tôi dẫn anh Tùng trở lại Hà Xá, đến nhà thờ thì anh đi rẽ phải theo như mình từng nghĩ. Còn tôi lại nhìn nhìn, ngó ngó xung quanh rồi hỏi một ông già rằng có ngôi nhà nào có tường hoa ngăn sân vườn xây lưng chừng, có bể nước như thế thì được chỉ đến nhà một cô.
Khi chúng tôi vào, nhìn quanh không thấy tường hoa ngăn sân vườn, chọc tất cả nhãn quanh nhà bóc thử nhưng cũng chỉ là hạt đen thùi lùi. Trong nhà vắng người lớn, chỉ có một đứa trẻ bảo rằng mẹ cháu đang đi chợ. Đúng lúc đó thì chị đạp xe về, nghe chúng tôi mô tả mới ồ lên: "À đó là nhà bố cháu, ông Hà Đăng Thanh, bà Dung là mẹ cháu".
Thay vì đến nhà thờ rẽ trái thì trước đó anh Tùng lại rẽ phải nên tìm loanh quanh mãi mà chẳng thấy. Giờ được chỉ đường chuẩn nên anh nhanh chóng xác nhận đúng là ngôi nhà ấy, bể nước ấy, tường hoa ngăn sân ấy, cây nhãn hạt trắng ngay sau tường hoa ấy chính xác luôn… Nó đã được trồng hơn 40 năm ở đó nhưng vẫn còn sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao khoảng 7m, vỏ xù xì, thân nhiều cành, lá um tùm".
Cũng chỉ là cái cây trong vườn
Bà Dung kể, năm 1980, chồng mình trong một dịp đi tập huấn về khoán 10 thì được một anh ở xã Hồng Minh cùng huyện giới thiệu nhà có cây nhãn hạt trắng là giống tiến vua, rất quý nên có xin chiết mấy cành về trồng, nhưng cuối cùng chỉ còn có một cây. Chồng bà là nông dân giỏi, có nghề nuôi ong mật. Lúc chúng tôi đến thì ông không ở nhà vì phải mang đàn ong đi lấy mật ở tận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chưa phải đúng mùa nhưng cây nhãn đã có quả ăn được tạm rồi, bà xởi lởi hái xuống mời chúng tôi nếm thử.
Liên lạc với ông Hà Đăng Thanh qua điện thoại, chúng tôi được biết giống nhãn này chiết khó ra rễ, mấy lần chiết mới được 3 cành, khi đó ông gửi lại gia chủ 1 cành còn xin 2 cành đem về nhà trồng thì chỉ có 1 cây còn sống như hiện nay. Ông khẳng định, giống nhãn hạt trắng mà mình ăn ở xã Hồng Minh trước đây ngon hơn cây nhà mình hiện tại, có thể là do chất đất khác nhau. Lại nói về cây nhãn gốc ở Hồng Minh, ông kể khoảng 10 năm sau khi mình chiết cành đem về thì nó đã bị chết không rõ nguyên nhân, và cành của ông chiết để lại cho gia chủ cũng bị chết.
Nhãn hạt trắng ngoài màu sắc hạt, đặc biệt còn có hạt nhỏ hơn hạt nhãn thường và không cứng bằng. Đó là sự lạ, sự hiếm nhưng quý thì cần phải xác định lại bởi bề ngoài của quả trông không khác gì nhãn thường. Khi ăn cũng vậy, mùi vị, chất lượng so với các giống nhãn cùi cổ, nhãn đường, hương chi của Hưng Yên thì không bằng, chỉ vượt được nhãn thóc. Hơn thế, khi ăn màng của hạt nhãn trắng lại dính ngược ra thịt quả chứ không róc, dễ bóc như nhãn thường...
Bà Dung bảo, nó cũng chỉ là cái cây trong vườn, dành để ăn, để cho chứ không thấy có gì đặc biệt. Thực tế nhà bà không nhân giống rộng nhãn hạt trắng bởi nhu cầu của người dân trong vùng là không có. Với những thứ có màu sắc lạ thường gắn với phần ăn được như quả thì mới có tính thương mại, còn đây lại gắn với phần bỏ đi là hạt nên ít được ưa chuộng cũng dễ hiểu.
Máu nghề nghiệp sôi lên, anh Tùng xin ngay một ôm cành để về ghép mắt, đồng thời chụp ảnh tất cả những gì có thể chụp được. Anh em hỉ hả biếu cho gia chủ 500.000 đ rồi động viên bà đừng chặt nó đi để làm giàn nuôi lan đột biến theo phong trào đang rất thịnh lúc đó.
Cũng theo thông tin của GS Trần Đình Long, có một nguồn gen nhãn hạt trắng khác ở thôn Bạc Thượng, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nhưng tiếc rằng, khi hỏi ra cái cây đó đã bị chặt bỏ, thay thế bằng giống mới mất rồi.
Hiện chưa có bất cứ nghiên cứu chuyên sâu nào xem nhãn hạt trắng có những chất gì khác với nhãn hạt đen và có quý hay không nhưng các nhà khoa học vẫn nhất trí xếp nó vào Danh mục nguồn gen giống cây trồng nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sửa đổi Nghị định 64 vì những lý do sau: Giống địa phương, chỉ còn có 1 cá thể, ở mức độ bị đe dọa tuyệt chủng; chưa có bất kỳ dự án, chương trình bảo tồn nào trước đó. Giá trị về khoa học: Chịu rét tốt, hạt trắng, gen lạ; về giá trị y tế: Cùi nhãn trắng sấy khô là vị thuốc bổ cho người ốm, thiếu ngủ, làm thực phẩm chức năng.
TS Nguyễn Khắc Quỳnh bổ sung thêm thông tin với tôi rằng, giống nhãn hạt trắng này là bản địa, có thể do đột biến mà thành chứ không phải là giống mới được đưa từ đâu đó về. Nhãn có hoa đực, hoa cái, hoa lưỡng tính và hoa dị hình. Chúng được thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng đem phấn hoa từ cây này sang cây khác nên hạt giống trồng sang đời sau dễ bị phân ly, không giống với cây mẹ. Chính vì thế hiện nay nhân giống nhãn phải từ cành chiết hay ghép mắt từ cây mẹ.
"Về hướng phát triển, thương mại hóa của cây nhãn hạt trắng ở Thái Bình là hơi khó, còn giá trị bảo tồn đa dạng nguồn gen thì rõ ràng là có", TS Nguyễn Khắc Quỳnh nói.