Thế giới phân chia vì biến đổi gen
“Sinh nhật” ấy vừa mới được diễn ra tại khách sạn Sofitel Plaza Hà Nội do ISAAA (Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp) tổ chức giữa những tiếng thị phi vẫn còn không ngớt của dư luận về biến đổi gen.
Chẳng phải chỉ dư luận ở các nước kém phát triển như Việt Nam mà ngay cả những nước dẫn đầu thế giới về kinh tế, công nghệ, tranh cãi về sản phẩm biến đổi gen vẫn chưa bao giờ bớt nóng, vẫn “choảng” nhau kịch liệt bằng tất cả những lý lẽ rõ ràng như ánh sáng lẫn cảm tính mù mờ như bóng đêm. Nguyên nhân vì sao?
Thứ nhất là hiện thị trường sản phẩm hữu cơ của thế giới mỗi năm lên tới hàng trăm tỉ đô la đang có nguy cơ bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen với ưu thế giá rẻ, dễ làm.
Vì thế phe ủng hộ sản phẩm hữu cơ quyết liệt tranh cãi. Luôn giữ bầu không khí căng thẳng để còn bán được sản phẩm hữu cơ chính là kiểu mà thế giới giữ căng thẳng tại nhiều điểm nóng để mà còn bán được vũ khí.
Thứ hai là đừng tưởng sinh vật biến đổi gen không liên quan đến chính trị mà nó còn liên quan mật thiết nữa là đằng khác. Khi một chính phủ nào nói xấu sinh vật biến đổi gen nhiều nhất rất có thể là do quốc gia đó chưa có nên sợ bị tụt hậu.
Thực tế là, không phải cái gì cũng dễ biến đổi gen. Công nghệ biến đổi gen rất tốn kém và khó làm. Đổ ra hàng tỉ, tỉ đô la nhưng hiện loài người mới chỉ nghiên cứu, biến đổi gen được vài loại cây như ngô, đậu tương, cải dầu, bông, khoai tây…
Trong khi đó, hiện đã có 40 nước đã sử dụng sản phẩm biến đổi gen làm thực phẩm, trong đó EU đã phê duyệt 84 giống, Nhật Bản dẫn đầu với con số 214 giống. Toàn là những nước, vùng lãnh thổ có trình độ dân trí cao vào loại nhất nhì cả.
Xu hướng khó chối bỏ
Ở trong nước, luồng thông tin nhiễu về sinh vật biến đổi gen còn dày đặc hơn cả hồi chiến tranh Mỹ thả nhiễu để bảo vệ B52. Nhiễu từ báo chí, nhiễu từ tin đồn, nhiễu từ mạng, nhiễu từ facebook... Phải mất 10 tin tích cực mới xóa được ấn tượng của 1 tin xấu.
Bởi vậy, nếu không có một chiến lược truyền thông hợp lý để cung cấp thông tin chính thống về sinh vật biến đổi gen là Việt Nam sẽ thua trong cuộc chiến này. Phát ra tin đồn rất dễ nhưng để phản bác được tin đồn bằng các luận điểm khoa học lại mất rất nhiều thời gian.
Năm 2015 cây trồng biến đổi gen được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài lý do giống đắt thì yếu tố tin đồn cũng là một tác nhân quan trọng khi dự báo cả năm 2016 này chúng ta mới chỉ dùng được khoảng 200 tấn giống biến đổi gen.
Quay trở lại, sự kiện “sinh nhật” 20 tuổi của sinh vật biến đổi gen, trong công bố của ISAAA cho thấy sự gia tăng toàn cầu về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen (CNSH) từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 179,7 triệu ha năm 2015.
Sự tăng trưởng gấp 100 lần chỉ trong 20 năm làm cho công nghệ sinh học trở thành công nghệ cây trồng được áp dụng nhanh nhất trong thời gian gần đây, phản ánh sự hài lòng của người dân đối với các loại cây trồng công nghệ sinh học.
Kể từ năm 1996, 2 tỷ ha đất canh tác - một diện tích lớn hơn gấp đôi so với diện tích đất canh tác của Trung Quốc hay Hoa Kỳ - đã được dùng để canh tác cây trồng công nghệ sinh học.
+ Nghiên cứu mới công bố 2015 tất cả 291 giống khoai lang châu Á đều là cây biến đổi gen tự nhiên vì vậy bạn đừng sợ biến đổi gen. Cứ mạnh dạn sử dụng như sản phẩm bình thường. + Người ta nói rằng Mỹ sản xuất đậu tương biến đổi gen để xuất khẩu nhưng thực ra chủ yếu là để tiêu dùng trong nước với tổng sản lượng 89,9 triệu tấn, sử dụng trong nước 47,5 triệu tấn, xuất khẩu 42,3 triệu tấn. |
Ngoài ra, nông dân của 28 quốc gia đã thu về hơn 150 tỷ đô la từ những lợi ích của cây trồng công nghệ sinh học. Điều này đã giúp xóa đói giảm nghèo cho hơn 16,5 triệu tiểu nông và gia đình của họ với khoảng 65 triệu người, là những người nghèo nhất trên thế giới.
Sau một chặng đường 19 năm tăng trưởng ấn tượng liên tiếp 1996-2014, trong đó có 12 năm tăng trưởng hai con số, diện tích cây trồng CNSH năm 2015 là 179,7 triệu ha, giảm 1% so với năm 2014 (181,5 triệu ha).
Sự thay đổi này chủ yếu là do tổng diện tích canh tác cây trồng toàn cầu suy giảm kết hợp với giá các loại cây trồng hàng hóa thấp và hạn hán ở Nam Phi biến nước này từ xuất khẩu ngô phải nhập khẩu ngô.
Hướng tới tương lai của công nghệ sinh học trong nông nghiệp, ISAAA đã xác định được ba cơ hội quan trọng để tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng các cây trồng công nghệ sinh học như sau:
1. Tỷ lệ áp dụng cao (90 – 100%) trong thị trường công nghệ sinh học lớn hiện nay còn rất ít cơ hội cho việc mở rộng quy mô. Tuy nhiên, có một tiềm năng đáng kể ở các nước "mới" cho sản phẩm được lựa chọn, chẳng hạn như ngô công nghệ sinh học với tiềm năng khoảng 100 triệu ha trên toàn cầu.
2. Hơn 85 sản phẩm mới, tiềm năng hiện đang được tiến hành thử nghiệm bao gồm ngô chịu hạn từ dự án WEMA (ngô sử dụng nước hiệu quả ở châu Phi) dự kiến sẽ được trồng ở châu Phi vào năm 2017, gạo vàng ở châu Á, chuối giàu năng lượng và đậu đũa kháng sâu bệnh ở châu Phi.
3. Công nghệ chỉnh sửa hệ gen mới đầy tiềm năng có những ưu điểm rõ rệt khi so sánh với công nghệ truyền thống và công nghệ chuyển về độ chính xác, tốc độ, ít chi phí và các quy định liên quan. Khi kết hợp với các tiến bộ khác trong khoa học cây trồng, công nghệ này có thể làm tăng năng suất cây trồng theo phương thức bền vững, sử dụng 1,5 tỷ hecta đất canh tác và đóng góp một phần quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.