| Hotline: 0983.970.780

CEO Húa Ngô: Chế biến thêm 'gia vị' cho cá tra Việt Nam

Thứ Ba 05/03/2024 , 06:34 (GMT+7)

CEO Húa Ngô - người có công khai mở thị trường cá basa trên đất Mỹ bày tỏ, cá tra Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường để phát triển.

Thông qua sự kết nối của GS.TS Võ Tòng Xuân, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có cơ hội gặp gỡ và được nghe những câu chuyện về hành trình “đặt tên” cho cá basa trên đất Mỹ, cũng như những đóng góp cho ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới của CEO Húa Ngô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn H&N Group - Đầu mối phân phối hải sản lớn của Việt Nam tại thị trường Mỹ - nhân chuyến ông về Việt Nam công tác.

Ông Húa Ngô trò chuyện với GS.TS Võ Tòng Xuân nhân chuyến về Việt Nam công tác. Ảnh: Kim Anh.

Ông Húa Ngô trò chuyện với GS.TS Võ Tòng Xuân nhân chuyến về Việt Nam công tác. Ảnh: Kim Anh.

Khai mở “mỏ vàng” cá basa

Thưa ông, H&N Group hiện là nhà nhập khẩu phi lê cá tra Việt Nam, chiếm 15% thị phần của xứ sở cờ hoa. Để giữ được vị thế này, hành trình hơn 20 năm qua khai mở như thế nào?

Năm 1998, trong một lần tôi tham gia phái đoàn của Mỹ sang Việt Nam công tác, sau chương trình làm việc tại Hà Nội, đoàn chúng tôi đã di chuyển qua nhiều địa phương và cuối cùng là tham quan tại một lồng bè nuôi cá basa ở tỉnh An Giang.

Tại đây, khi nhìn thấy con cá basa tôi giật mình và hỏi tại sao có những con cá này. Chính ngay thời điểm này tôi đã xác định đây là mỏ vàng chứ không phải là cá. Câu chuyện khai mở mỏ vàng này là một hành trình với rất nhiều khủng hoảng.

Một năm sau chuyến đi này, tôi “bắt tay” cùng con gái là Christine Ngo triển khai loạt chiến lược để quảng bá cá basa rộng khắp thị trường Mỹ.

Ông Húa Ngô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn H&N Group, nhà nhập khẩu phi lê cá tra Việt Nam, chiếm 15% thị phần của Mỹ. Ảnh: Kim Anh.

Ông Húa Ngô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn H&N Group, nhà nhập khẩu phi lê cá tra Việt Nam, chiếm 15% thị phần của Mỹ. Ảnh: Kim Anh.

Năm 1999, Christine Ngo đã tìm kiếm một đầu bếp chuyên chế biến cá da trơn ở Mỹ để tạo ra một số món ăn từ cá basa phục vụ khách tham quan tại Hội chợ triển lãm quốc tế thủy sản Boston. Nếu trước đó không ai biết cá basa là loại cá gì thì sau sự kiện này, người tiêu dùng ưa chuộng nhiều hơn. Tôi cho làm các thông tin giới thiệu, quảng cáo, mở rộng thị trường và bắt đầu nhập khẩu cá basa phi lê từ Việt Nam sang.

Đồng thời, chúng tôi đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xây dựng thương hiệu độc quyền cho con cá basa Việt Nam, với tên gọi là “Mekong Basa”.

Chúng tôi cũng mời một số đối tác từ Việt Nam sang Mỹ tham quan, tìm hiểu tại các nhà máy chế biến cá để xem các công đoạn, cách thức người Mỹ sản xuất như thế nào, rồi đầu tư máy móc, trang thiết bị cho các nhà máy ở Việt Nam.

Giai đoạn 1999 – 2002, nước Mỹ bắt đầu đặt ra loạt các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập của cá basa, trong bối cảnh sản lượng cá nhập vào quốc gia này tăng lên nhanh chóng.

Đỉnh điểm là việc Mỹ khởi kiện chống bán phá giá cá basa vào tháng 6/2002. Nhưng ít ai biết rằng, nhờ vụ việc này, cá basa Việt Nam trở nên nổi tiếng trên khắp toàn cầu. Nhiều quốc gia khác tìm đến cá basa, nhất là khu vực châu Âu. 

Hành trình để xây dựng thương hiệu Mekong Basa như thế nào, thưa ông?

Thời điểm cá basa được kinh doanh tại Mỹ chưa có tên gọi rõ ràng, do có rất nhiều loại cá da trơn giống nhau. Trong khi đó, muốn kinh doanh sản phẩm gì trên đất nước này phải có tên thương hiệu.

Tôi liên hệ với Hiệp hội Phân phối Thủy sản Mỹ (ASDA) để tìm hiểu về quy trình đặt cho con cá. Họ yêu cầu phải có những nhà khoa học chứng minh nguồn gốc của cá mới xác nhận cho sử dụng tên.

Lúc đó, chúng tôi đã tìm đến các chuyên gia, gửi mẫu cá và thực hiện xét nghiệm ADN để biết chính xác đây là giống cá gì. Sau khi có những kết quả chính xác từ các nhà khoa học, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng thương hiệu “Mekong Basa”.

Là một Việt kiều, lựa chọn đầu tư cho một mặt hàng quá mới mẻ ở thời điểm bấy giờ và đã thành công, chứng minh được tầm nhìn của ông đối với cá basa, cá tra Việt Nam như thế nào?

Tôi đã từng kinh doanh nhiều mặt hàng cá da trơn của Mỹ, trung bình mỗi tuần có khoảng 3 xe vận tải lớn chuyên chở từ các tiểu bang khác về để bán. Tôi nhận thấy, hầu hết người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm đều không biết đến con cá basa. Trước thực tế này, chúng tôi tiêu thụ, phân phối thêm cá basa cho khách hàng.

Cần kiểm soát diện tích nuôi cá tra, tránh sản xuất ồ ạt, để đảm bảo cung - cầu thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Cần kiểm soát diện tích nuôi cá tra, tránh sản xuất ồ ạt, để đảm bảo cung - cầu thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Mặt khác, khi về nước thấy con cá basa của Việt Nam quá đẹp, so lại về điều kiện giá cả, thịt, độ trắng… còn ngon hơn cá da trơn tại Mỹ. Trong khi đó, giá bán của cá basa Việt Nam rẻ hơn, nhưng phải chuyển qua Trung Quốc, Hong Kong mới chuyển tới bán tại Hoa Kỳ, con đường này rất chông gai.

Quan trọng hơn, tôi là người Việt, muốn đi đường thẳng để đem con cá basa quảng bá rộng khắp. Do đó tôi tập trung tinh thần, đầu tư vào con cá basa.

Cần thương hiệu quốc gia cho cá tra

Có thể nói ông chính là người đã khai sinh ra ngành nghề chế biến cá basa, cá tra Việt Nam, ông đánh giá thế nào về triển vọng ngành trong bối cảnh hiện nay?

20 năm trước tôi đã khẳng định cá basa, cá tra là “mỏ vàng”, nhưng hiện nay tôi xin rút lại hai chữ này, vì nó không còn đúng với thực tế.

Hiện nay kỹ thuật nuôi cá tra có nhiều tiến bộ. Hồi trước, bà con nuôi từ 10 - 12 tháng mới có thể cho ra được con cá tra đạt trọng lượng 1kg. Bây giờ, 5 - 6 tháng nuôi cá có thể đạt được trọng lượng này. Như vậy, ngành cá tra Việt Nam đã phát triển tương đối khá rồi, nhưng tại sao giá trị con cá lại đi xuống, đó là vấn đề chúng ta phải phân tích.

Cá tra bao nhiêu năm qua vẫn xuất khẩu dạng phi lê, không có gì mới. Như vậy, làm sao để gắn thêm “gia vị” cho cá tra, nếu xuất khẩu theo hình thức hiện tại một thời điểm nào đó, người tiêu dùng không còn nhu cầu nữa.

Muốn làm được việc này phải nói đến vai trò của những nhà sản xuất, có chiến lược và một nhóm chuyên làm R&D, nghĩa là nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm, dịch vụ. Nhóm này sẽ chuyên tìm hiểu về nhu cầu người tiêu dùng trên thế giới, từ đó, các nhà chế biến thực phẩm sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giới thiệu với khách hàng kể cả cũ và mới.

Tôi ví dụ, cách đây 12 năm, người Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất toàn cầu. Thế nhưng hiện quốc gia này lại trở thành quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất toàn cầu. Bởi vì họ biết cách phát triển thị trường nội địa. Nếu mình cứ xuất khẩu, cũng chỉ được sản lượng bao nhiêu đó thôi, không lớn nữa. Do đó, phải làm thế nào để người Việt Nam hiểu cá tra có điều kiện nuôi tốt, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, để họ lựa chọn trong bữa ăn hàng ngày. Quan trọng đó là khâu marketing.

Còn về vấn đề cung - cầu, hiện tại nước Mỹ chỉ cần khoảng 300.000 tấn, nếu bán tới 500.000 tấn thì dư.

Ở miền Tây hiện có 6 tỉnh, thành nuôi cá tra, là An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và một phần tỉnh Sóc Trăng. Quan điểm của tôi, trong câu chuyện kinh doanh phải có chiến lược, quy hoạch như: mỗi tỉnh diện tích nuôi là bao nhiêu; những vùng nuôi cũng phải có kế hoạch nuôi tương đối theo số lượng nhất định.

Mặt hàng cá tra trải qua nhiều năm phát triển nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu dạng phi lê. Ảnh: Kim Anh.

Mặt hàng cá tra trải qua nhiều năm phát triển nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu dạng phi lê. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, các địa phương phải cùng ngồi với nhau, phân chia lại, khu vực nào không nuôi cá sẽ phát triển mô hình khác phù hợp hơn. Đồng thời, đẩy mạnh tìm thêm thị trường mới. Tôi nhận thấy, khu vực châu Á có Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… đây đều là những thị trường tiềm năng. Nhà sản xuất không mở cửa những thị trường này mà đi thị trường châu Âu hoặc Mỹ người tiêu dùng kén, khó tính, nên triển vọng sẽ không cao.

Tại Mỹ, họ hạn chế mức sản xuất, nuôi trồng của doanh nghiệp, nhưng không hạn chế giá cả bán ra. Việt Nam cũng không khó để làm được điều này. 100 nhà máy sản xuất cá tra, bao nhiêu công nhân, công suất thế nào đã có những con số thống kê. Nông dân nuôi cũng có số liệu cụ thể về diện tích. Như vậy để kiểm soát tránh việc sản xuất ồ ạt, phải hạn chế từ thời điểm bắt đầu nuôi, từ cơ sở sản xuất cá giống, nơi sản xuất thức ăn.

Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông để phân phối mặt hàng phi lê cá tra tại thị trường Mỹ, với sản lượng trung bình hàng chục ngàn tấn mỗi năm.

Quan trọng, cá tra dù được xem là sản phẩm chiến lược của quốc gia, thế nhưng hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. Điều này sẽ gây ra một số hạn chế về nhận diện của người tiêu dùng đối với cá tra Việt Nam. Ngành cá tra trong nước có thể làm được điều này, với tổng thể các giải pháp và cần sự đóng góp của nhiều bên.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm