| Hotline: 0983.970.780

Cha, con và biển: Những gia tộc 'cá ngừ đại dương'

Thứ Năm 07/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

Ở miền Trung, nghề đánh bắt cá ngừ đại dương hiện đang phát triển mạnh tại Bình Định. Tuy nhiên, Phú Yên mới được xem là nơi xuất phát của nghề này./ Từ cơ cực thành tỷ phú

Nghề này đi theo suốt nhiều thế hệ của nhiều gia tộc ngư dân Phú Yên. Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương không chỉ giúp gia đình họ làm giàu, mà sự có mặt của thành viên những gia tộc “cá ngừ đại dương” trên biển còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Chết vì biển, sống vì biển

Ở làng Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên), những người trong nghề không ai là không biết dòng họ Lương vốn nổi tiếng về nghề biển từ xưa đến nay. Những bậc tiền nhân của dòng họ Lương đã từng bám biển kiếm kế sinh nhai với những phương tiện tàu thuyền thô sơ, với những nghề đánh bắt gần bờ cho thu nhập chẳng là bao, nhưng đã nuôi sống được gia đình qua bao đời người. Và bây giờ, dòng họ Lương ở Đông Tác lại nổi lên cặp song sinh tung hoành trên biển Đông với nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, đó là anh em sinh đôi Lương Công Đồng và Lương Công Đông.

Mới chỉ hơn 40 tuổi, nhưng anh em nhà họ Lương được bạn nghề ở các làng chài Phú Yên nể trọng bởi tính chín chắn, quả quyết trong vai trò chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Trong giới nghề đánh bắt xa bờ thì ai cũng phải nể trọng những kinh nghiệm đánh bắt cá ngừ đại dương của 2 ngư dân trẻ này.

Hiện nay, anh em sinh đôi nhà họ Lương mỗi người sở hữu một tàu cá có công suất 400 CV, trị giá mỗi tàu trên 2 tỷ đồng cùng cơ ngơi khang khang, đầy đủ tiện nghi sang trọng. Với lớp ngư dân trẻ, những gì mà anh em nhà họ Lương đang sở hữu chính là ước mơ lớn của họ.

“Tổ tiên tôi mấy đời nay ở đây đều lấy nghề biển mưu sinh. Lớn lên ở vùng quê biển, chẳng thể khác hơn là anh em tôi cũng phải bám biển mà sống”, anh Lương Công Đồng, bày tỏ.

Rồi anh Đồng nhớ lại tuổi thơ cơ cực của anh em nhà họ Lương trong căn nhà ọp ẹp mái tôn, vách ván. Hằng ngày cha đi ghe mành trũ, mẹ chạy chợ kiếm từng đồng tiền lẻ để nuôi đàn con 5 đứa nheo nhóc.

Mới hơn 5 tuổi, cái tuổi ở truồng không biết xấu hổ mà anh em sinh đôi nhà họ Lương mỗi ngày đã biết ra biển đón ghe cha về, giúp cha gỡ lưới, bỏ cá vào thùng mang về cho mẹ chạy chợ bán kiếm tiền mua gạo.

Cuộc sống cứ ngỡ sẽ trôi đi yên bình như thế. Nhưng bỗng một ngày, biển bất ngờ nổi cơn lốc tử thần cuốn phăng, nhấn chìm vào lòng biển chiếc ghe và người cha đang đánh cá, năm ấy anh em sinh đôi nhà họ Lương mới học đến lớp 7.

Không thể để mẹ một mình “vừa chống vừa chèo” nuôi 5 đứa con thơ dại, năm 12 tuổi, anh em nhà họ Lương tiếp nối nghề cha ra biển buông câu, kéo lưới kiếm cá về đổi gạo giúp mẹ lo cái ăn cho gia đình. Lớn lên một chút thì cả 2 tham gia nghề đi bạn cho các tàu cá trong vùng.

14-20-43_3
Phú Yên được xem là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương

Mồ côi cha từ nhỏ, trở thành lao động chính ở tuổi “hỉ mũi chưa sạch”, nên anh em nhà họ Lương đã sớm ý thức được việc làm ăn, tích góp. Đến năm 2003, gom góp hết tiền dành dụm trong thời gian đi bạn thuyền, vay mượn thêm bà con họ hàng, anh em nhà họ Lương đóng con tàu có công suất 90 CV trị giá 400 triệu đồng.

Những năm ấy biển no, chuyến biển nào cũng câu được nhiều cá, thu nhập cao, thế là anh em Đồng - Đông lại bán tàu nhỏ, đóng tàu mới lớn hơn để dọc ngang biển Đông. Khi ấy, trong gia tộc nhà họ Lương xem các anh như hai “sói biển”, là trụ cột của gia tộc, là chỗ dựa vững chắc của gia đình hàng chục bạn thuyền.

Hai cô vợ trẻ cũng giã từ quang gánh, không còn chạy chợ mà trở thành hậu phương vững chắc cho 2 “sói biển” với nhiệm vụ chuyên lo đầu ra cho sản phẩm đánh bắt được và liên hệ sắm sửa cho chuyến biển mới. Chuyện làm ăn suôn sẻ nhiều năm liền dần tạo điều kiện cho mỗi anh em nhà họ Lương sở hữu một con tàu to để hành nghề cho đến nay.

“Tôi không phải dân Phú Yên, mà gốc gác ở một vùng quê biển thuộc huyện Hoài Nhơn (Bình Định) vào làm rể Tuy Hòa. Khi tôi mới vào ở rể, dân biển ở đây chỉ làm quanh quẩn trong bờ, đánh cá nhỏ chạy chợ. Bây giờ thì tàu công suất lớn đậu kín lạch Phú Câu, cửa Đà Diễn. Nhiều gia đình ngư dân đã trở thành những doanh nghiệp thực thụ khi sở hữu nhiều tàu công suất lớn, tổ chức đánh bắt xa bờ bài bản”, ông Phan Thuẫn.

Chuyện ăn nên làm ra trong nghề hẳn nhiên là niềm vui của 2 anh em nhà họ Lương, thế nhưng khi hỏi kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề, anh Lương Công Đồng, nói ngay: “Trong quãng đời làm nghề, tôi không bao giờ quên lần cứu nạn thành công 3 ngư dân người Philippines. Đó là vào năm 2006, trong lúc tàu PY-91049 TS của tôi đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa thì gặp 3 ngư dân Philippines gặp nạn. Tôi chấp nhận hủy chuyến biển để đưa 3 ngư dân gặp nạn vào bờ, lần ấy dù lỗ tổn nhưng tôi vẫn vui lòng. Từ đó đến nay, tết năm nào gia đình tôi cũng nhận được những cuộc điện thoại cầu chúc an lành, chúc làm ăn khấm khá của những ngư dân Philippines bị nạn năm nào”.

Lên bờ rồi vẫn “dính” với biển

Sau 50 năm bám biển, đến khi đôi tay không còn điều khiển được bánh lái, lão ngư Phan Thuẫn (72 tuổi) ở phường 6 (TP Tuy Hòa) bàn giao tàu cá cho con, lên bờ nghỉ ngơi. Toan tính là vậy, nhưng khi lên bờ, đôi chân đôi tay của một ngư dân lão luyện lại “ngứa ngáy”, không chịu ở yên, ông giải thích là: “Do chúng nhớ biển”.

Không còn ra biển, nhưng vì nhớ biển nên ông Thuẫn làm “cán bộ biển” ở trên bờ. Suốt nhiều năm liền, ông Thuẫn được ngư dân tín nhiệm với cương vị Chi hội trưởng ngư dân khu phố Bạch Đằng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6.

14-20-43_1
Lão ngư Phan Thuẫn dù ở trên bờ nhưng lòng luôn hướng về biển

“Suốt ngày cặp chân chạy như con thoi, nhất là trong mùa mưa bão, phải đi nắm tình hình rồi kêu gọi tàu thuyền bà con tránh bão. Phụ cấp thì không đủ cà phê mỗi ngày, nhưng lòng tôi thấy vui. Hình như biển đã gắn vào đời tôi, dứt ra không được ông à”, ông Thuẫn tâm sự.

Vợ chồng ông Thuẫn có 5 người con, tất tần tật con dâu con rể trong gia đình đều gắn bó với nghề biển. Ngoài trực tiếp đi biển, nhân sự trong gia đình ông làm đủ mọi nghề, từ đan lưới móc câu, làm dịch vụ cung ứng nhiên liệu cho tàu cá đến cung ứng thuyền trưởng cho các tàu bạn…

Anh Nguyễn Thanh Hiệp, con rể ông Thuẫn, thuyền trưởng tàu cá PY-96572 TS, cho hay, nhờ sự hỗ trợ về tài chính của gia tộc, chiếc tàu mới của anh được trang bị ngư lưới cụ hiện đại vừa hoàn công. Con tàu này được thay máy mới, nâng công suất lên 740 CV để mở rộng ngư trường đánh bắt.

Theo anh Hiệp, nghề làm ăn trên đầu sóng ngọn gió cần phải có nhiều kinh nghiệm, được làm con rể trong gia đình có người cha xem biển như máu thịt của mình là điều rất may mắn.

“Tôi học được từ cha vợ tính kiên trì, quyết đoán trong nghề đánh bắt trên biển. Ông luôn chia sẻ với con cái. Mỗi chuyến biển ông đều tham gia từ việc chuẩn bị tổn, kiếm người đi bạn, định hướng vùng cá để câu đạt hiệu quả, chọn thời điểm giá sản phẩm tăng cao để mở chuyến biển. Nhờ đó, hầu hết những chuyến biển của tôi cứ ra khơi là thắng lợi trở về”, anh Hiệp tâm sự.

Học tập được đạo đức nghề biển, kinh nghiệm đánh bắt của cha vợ qua 20 năm hành nghề, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp được ngư dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng đội tàu Đại đoàn kết gồm 18 tàu chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương. Thành viên trong đội tàu này hầu hết là bà con họ hàng trong gia tộc họ Lương. “Kim chỉ nam” của đội là sát cánh tương trợ trong chuyện làm ăn và gắn kết chặt chẽ với nhau khi hoạt động trên biển.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.